Đấu giá đất Hà Nội 'hạ nhiệt' đầu năm 2025
61 lô đất tại huyện Mê Linh và thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) sẽ được đấu giá trong tháng 3, với giá khởi điểm 5,6-16,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó ở huyện Phúc Thọ 19 thửa đất tại huyện Phúc Thọ được đấu giá với mức trúng giảm gần 40% so với phiên tháng 9 năm ngoái.
Giá khởi điểm 5,6 triệu đồng/m2
Theo đó, ngày 8/3, thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 27 thửa đất thuộc dự án khu Vàn Gợi - Đồng Quân và một thửa đất thuộc khu đất xen kẹt Tiền Huân, phường Viên Sơn. Các thửa đất có diện tích 85-167 m2/thửa với giá khởi điểm 10,3-16,6 triệu đồng/m2.
27 thửa đất thuộc khu Vàn Gợi - Đồng Quân sẽ được đấu giá từng thửa bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 5 vòng. Bước giá là 3 triệu đồng/m2. Một thửa đất thuộc khu Tiền Huân sẽ đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tối thiểu 3 vòng đấu giá bắt buộc. Bước giá là 100.000 đồng/m2.
Ngày 21/3, huyện Mê Linh (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 15 thửa đất tại Điểm X1, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt. Các thửa đất có diện tích 100-198 m2/thửa với giá khởi điểm 5,6 triệu đồng/m2. Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá là bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại phiên đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Ngày 14/3, huyện Mê Linh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 18 thửa đất tại Điểm X1, thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Các thửa đất có diện tích 96-194 m2/thửa với giá khởi điểm 5,6 triệu đồng/m2. Hình thức, phương thức đấu giá, đấu giá là bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại phiên đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Đất trúng đấu giá giảm gần 40%
Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ vừa tổ chức bán đấu giá 12 thửa thuộc khu Đồng Phươm (xã Tích Lộc) và 7 thửa tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) vào ngày 24/2. Các lô đất có diện tích 68-196 m2, giá khởi điểm dao động 19,8-25 triệu đồng một m2.

Khu đất đấu giá Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Quang Lộc.
Phiên đấu giá thu hút hơn 100 người tham gia. Sau hai giờ tổ chức, 19 lô đều được bán thành công. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất ký hiệu ĐG27 tại khu Dộc Tranh với mức trúng 46,8 triệu đồng mỗi m2. Các thửa đất khác có giá trúng dao động 23-41,2 triệu đồng một m2.
So với hai phiên đấu giá tại huyện Phúc Thọ vào tháng 8 và 9/2024, giá trúng cao nhất của phiên này đã giảm 22-37%. Trong đó, tại phiên đấu 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh ngày 16/9, mức trúng kỷ lục được ghi nhận là 75 triệu đồng mỗi m2.
Đầu tháng 3 tới đây, huyện Phúc Thọ dự kiến đấu giá tiếp 9 thửa đất tại khu Dộc Tranh với giá khởi điểm 23,4 triệu đồng một m2.
Phúc Thọ là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm TP Hà Nội gần 40 km. Huyện này rộng gần 118 km2, hiện có 1 thị trấn và 20 xã, dân số khoảng 200.000 người. Hồi tháng 9/2024, Tập đoàn T&T khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ - giai đoạn 1. Dự án này có quy mô 41,7 ha với tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng nằm ở các xã Tam Hiệp và Ngọc Tảo.
Hoạt động đấu giá tại các huyện ven Hà Nội nóng lên trong 4 tháng cuối năm ngoái. 11 tháng đầu năm 2024, thành phố đã thu gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, đạt khoảng 74% kế hoạch và ước hoàn thành chỉ tiêu tính đến hết năm. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).
Tuy nhiên, việc này cũng bộc lộ nhiều bất thường, phổ biến là tình trạng trả giá cao rồi bỏ cọc. Hiện chưa quy định nào xử lý việc nhà đầu tư trả giá cao bất ngờ rồi dừng đấu giá dẫn đến phiên tổ chức thất bại. Trong khi hệ lụy ảnh hưởng đến nhiều bên. Đơn vị cung cấp dịch vụ đấu giá không thu được chi phí, thậm chí tốn thêm khi phải tổ chức lại phiên đấu giá. UBND huyện cũng không thu được ngân sách như dự kiến.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, địa phương chấn chỉnh đấu giá đất sau một số phiên gần đây lại có dấu hiệu thổi giá, gây nhiễu thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết trong năm 2024, thị trường ghi nhận nhiều kỷ lục về giá đấu giá đất, với mức giá trúng có khi lên tới cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi, tạo tâm lý kỳ vọng tăng giá trong giới đầu tư. Tuy nhiên, tình trạng trúng giá cao nhưng sau đó bỏ cọc tiếp tục diễn ra, gây thiệt hại cho các tổ chức đấu giá và tạo mặt bằng giá cao, ảnh hưởng đến cung – cầu.
Ông Đính dự báo, năm 2025, nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn. Đất đấu giá tại các khu vực có pháp lý minh bạch, quy hoạch rõ ràng sẽ tiếp tục được săn đón, với giá trúng có thể tăng khoảng 10% so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm nguồn cung đất nền sạch có thể dẫn đến giá cả tăng cao, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ cơ quan quản lý.
Để hạn chế tình trạng giá đất đấu giá biến động, ông Đính đề xuất cần thuê các tổ chức định giá chuyên nghiệp để xác định mức giá khởi điểm hợp lý. Đồng thời, việc nâng mức đặt cọc, quy định chi tiết các hành vi vi phạm và áp dụng biện pháp xử phạt mạnh tay là rất cần thiết.
Ngoài ra, các tổ chức và cá nhân vi phạm có thể bị đưa vào danh sách hạn chế tham gia đấu giá, cùng với việc quy định thời gian chuyển nhượng sau trúng đấu giá.