Dấu gạch nối với người Việt trẻ

Trên hành trình phát triển kinh tế của Việt Nam thời kỳ đổi mới, bắt đầu 'mở cửa', có những doanh nhân để lại dấu ấn sâu sắc, góp phần mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong đó, ông Phạm Phú Ngọc Trai là một doanh nhân tên tuổi, thể hiện vai trò tiên phong trong lĩnh vực kinh doanh, có tầm nhìn chiến lược và nặng lòng với trách nhiệm 'trao lửa' cho thế hệ người Việt trẻ.

Ước mơ một thế hệ

Theo lẽ bình thường, ông Phạm Phú Ngọc Trai đã đến tuổi “về hưu” lâu rồi, nhưng trí tuệ và sức cống hiến của người từng được mệnh danh là “CEO làm thuê số 1 Việt Nam” dường như không có giới hạn. Cuộc hẹn để trao đổi, chia sẻ về “cuộc trao lửa” cho đội ngũ trẻ từ ông cứ thế trì hoãn vì những chuyến công tác nước ngoài liên tục. Thế rồi, một ngày đầu tháng 4 rực rỡ của đất nước, ông đã chịu “ngồi yên” để gợi mở về những lối đi cho thế hệ trẻ Việt Nam ở mai sau.

Là doanh nhân Việt Nam thế hệ đầu của thời kỳ đầu “Đổi mới” (Đại hội Đảng lần thứ VI-1986), ông Phạm Phú Ngọc Trai không chỉ mơ ước làm giàu cho riêng mình mà còn đau đáu một giấc mơ chung của thế hệ là “thay đổi vị thế Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.

Ông lý giải sự đóng góp của các thế hệ cha anh cho nỗ lực xây dựng đất nước, phát triển nền kinh tế đất nước bằng những con số. Khi mới thống nhất đất nước, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (chiếm hơn 40% kinh tế cả nước), thu nhập bình quân đầu người năm 1990 khoảng 120 USD/ người. Đến năm 2023 là 4.324 USD/người; tăng gấp gần 30 lần. Những con số trên là công sức của lãnh đạo đất nước nhiều thời kỳ, là sự đóng góp “sức trẻ” của thế hệ cha, anh nên đóng góp của thế hệ Gen Y, Gen Z bây giờ phải khác.

 Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ về khởi nghiệp với các bạn trẻ

Ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ về khởi nghiệp với các bạn trẻ

Ông giải thích: Những năm đầu hòa bình, giới trẻ tận lực đưa đất nước vượt đói nghèo, hàn gắn những vết thương chiến tranh. Ở thế hệ chúng tôi, để thoát đói nghèo, phải tự bơi. Còn trách nhiệm của người trẻ hôm nay và mai sau là sự tận hiến cho quyết tâm đưa đất nước “sánh vai với năm châu bốn bể”. Để phát triển và hội nhập, các bạn trẻ hiện nay không gặp khó khăn như thời bao cấp vì có sự nâng đỡ từ gia đình, sự hỗ trợ của xã hội và không cô đơn khi “vượt sóng ngược”.

Câu chuyện vượt sóng thành công của ông có thể là hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ. Ban đầu khi họp chung với các thị trường trên toàn thế giới, nhắc đến Việt Nam, họ chỉ nghĩ đến chiến tranh và cấm vận. Lúc đó, trong ông có một khát vọng mãnh liệt: Việt Nam sẽ xuất hiện trong câu chuyện của họ bằng hình ảnh và một vị thế đất nước hòa bình, tươi đẹp và phát triển.

Thời gian đầu thành lập, PepsiCo Việt Nam phải gửi báo cáo về Singapore, ông quyết tâm, tới đây Việt Nam sẽ là nơi nhận báo cáo các thị trường trong khu vực. Khi ấy, nhân sự cấp cao chủ yếu cũng là người nước ngoài vì khi ấy, họ chưa tin vào nguồn nhân lực tại Việt Nam có thể đảm nhận những vị trí quan trọng của một công ty toàn cầu. Vậy là ngoài việc phát triển thị trường Pepsicola tại Việt Nam, ông có một trong những ưu tiên quan trọng khác là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người Việt Nam, đặc biệt ưu tiên chọn người trẻ.

Năm 2005, lần đầu tiên khi nghe xướng danh “Việt Nam” nhận giải thưởng DMK (giải thưởng cao quý nhất của Tập đoàn PepsiCo), ông nhớ lại: “Tôi xúc động lắm, Việt Nam đã có chỗ đứng danh dự trong tập đoàn đa quốc gia”. Trong 18 năm làm việc tại đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai cùng hai chữ Việt Nam đã 4 lần nhận giải thưởng cao quý nhất, minh chứng cho khả năng hội nhập và phát triển tốt của người Việt trong “biển lớn”. Với ông, giá trị cao hơn hết thảy trong hội nhập quốc tế của người Việt Nam chính là bản sắc dân tộc. Đó là lý do dù ông ở vị trí nào, độ tuổi bao nhiêu, vẫn miệt mài trở thành người "truyền lửa" và "giữ lửa" cho các cộng sự người Việt ở những môi trường đa quốc gia.

Đằng sau thương hiệu cá nhân

Trong thế giới “nhà tư bản”, một trong những yêu cầu quan trọng để được bố trí vào các vị trí quan trọng chính là thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, nhắc đến Phạm Phú Ngọc Trai mà chỉ nghĩ đến thương hiệu cá nhân là chưa đủ, bởi mỗi giá trị ông khẳng định với “bên ngoài” không chỉ là danh tiếng của cá nhân mà đằng sau đó là lợi ích, là cơ hội cho sự phát triển của cộng đồng, của nền kinh tế đất nước; là trăn trở khẳng định “chất” của nhân sự Việt Nam trong phát triển đất nước hôm nay và mai sau.

Trong những buổi chia sẻ với thế hệ trẻ, ông thường định hướng: Thương hiệu cá nhân không phải cái tôi được trưng trổ hay cố chứng tỏ “tôi khác biệt”; mà được tạo ra, đo đếm bằng những giá trị vượt trội, mang lại lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân. Ông kể chuyện mình đã “ứng xử” với việc học ngành này nhưng làm việc ở một ngành khác, như một ví dụ. Tốt nghiệp Cử nhân Hóa học, Cử nhân Văn học Anh, nhưng cuộc đời “đưa đẩy” ông hoạt động trong lĩnh vực kinh tế.

Ông đúc kết: “Thời ấy, giám đốc công ty nhỏ xíu như tôi làm gì có tiêu chuẩn thuê phiên dịch, nên phải tự sử dụng thành thạo ngoại ngữ để đàm phán hợp đồng, liên kết làm ăn với đối tác nước ngoài. Rồi tôi ngày làm, tối học thêm Kinh tế - Ngoại thương để bù kiến thức còn thiếu. Không có kiến thức nào đã học mà phải “vứt đi”, tất cả đều có ích, quan trọng là chọn dùng lúc nào và vận dụng thế nào”. Các bạn trẻ Việt Nam bây giờ giỏi hơn xưa. Các bạn tự tin giao tiếp với người nước ngoài, có kiến thức đủ để thể hiện “tôi là ai”, nhiều bạn còn giỏi công nghệ, nhưng phần còn yếu của các bạn là mau chán, dễ nản, tâm lý dễ chao đảo vì tác động bên ngoài. Cứ hỏi tại sao tỷ lệ thành công trong khởi nghiệp (start up) thấp? Do thấy khó là buông, không quyết tâm đi đến cùng...

Tôi luôn nghĩ kinh doanh không chỉ là câu chuyện của thị trường, mà còn là câu chuyện của văn hóa và bản sắc dân tộc. Lòng tự trọng dân tộc và ưu tiên chọn lợi ích quốc gia của một công dân không thể tách rời khát vọng của mỗi người Việt Nam. Tôi chỉ mong, khi có nhiều cơ hội đến, các bạn chọn cơ hội nào có mang lợi ích cho đất nước, cho cộng đồng

Phạm Phú Ngọc Trai

Có thể khẳng định thông điệp ông muốn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam: nhận thức rõ vai trò và trọng trách của mình trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà đất nước đang vươn mình mạnh mẽ bằng tinh thần tiên phong, đổi mới, sự bền chí trong kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và khả năng hội nhập toàn cầu.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai từng giữ những vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp nhà nước khi ở độ tuổi ngoài 30. Ngày 3-2-1994, khi Mỹ công bố quyết định bỏ cấm vận Việt Nam, PepsiCo là công ty FDI đầu tiên tại TPHCM và ông được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PepsiCo Đông Dương (gồm thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia), trở thành người Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao tại PepsiCo khu vực và các thị trường quan trọng như: Mỹ, Ấn Độ, Singapore…

PHẠM THỤC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-gach-noi-voi-nguoi-viet-tre-post793329.html
Zalo