Đâu đó còn thói quen thiếu văn minh: Việc tốt nhân lên, cái xấu sẽ giảm

Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng xã hội văn minh, trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân thông qua các hoạt động phổ biến, tuyên truyền.

Những hình ảnh xấu xí, phản cảm trong cộng đồng thời gian qua như một hồi chuông báo động về sự thiếu ý thức, văn hóa của một bộ phận người dân, như: tham gia giao thông "điền vào chỗ trống", trèo lên hiện vật tại các bảo tàng, xả rác bừa bãi,...

Từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, "Liệu thực trạng này gây ra hệ lụy gì đối với giới trẻ?", "Tuyên truyền, phổ biến giáo dục như thế nào để thay đổi nhận thức của người dân, góp phần xây dựng xã hội văn minh, văn hóa?",...

"Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình"

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Trang - Giảng viên Khoa Tâm lý – Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Trẻ không chỉ học từ sách vở mà cả trong môi trường xung quanh, qua quan sát. Nhìn nhận một cách khách quan, thói quen tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay là một cách để họ “ứng phó” với tắc đường, với áp lực giao thông vào giờ cao điểm.

Tuy nhiên, việc này chưa thể hiện được văn hóa tham gia giao thông và sẽ khiến cho trẻ nghĩ rằng hành động đó là phù hợp, lâu dần sẽ tạo thành nếp hành xử không phù hợp cho trẻ.

Về mặt nhận thức, tôi tin phụ huynh đều hiểu các hành vi giao thông như thế nào là có văn hóa. Chúng ta vẫn chê cười những hành vi giao thông kém văn hóa hay vẫn ủng hộ việc chấp hành luật giao thông.

Tương tự như phụ huynh, con trẻ cũng được giáo dục về luật giao thông, văn hóa ứng xử ở nhà trường. Chỉ khác là người lớn thường suy nghĩ linh hoạt theo hoàn cảnh, trong khi trẻ nghĩ thường nghĩ sao làm vậy”.

Theo nữ tiến sĩ, khi phụ huynh bắt đầu thấy con có thói quen hành xử không đúng quy định, thiếu văn minh, có thể đó là lúc phụ huynh nên nhìn nhận lại hành vi của chính mình. Bởi dân gian vẫn có câu “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên - Chuyên gia giáo dục chia sẻ, những sự việc trên cho thấy một bộ phận người lớn đang hành xử thiếu văn minh, điều này đem lại những ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức của thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh.

Về vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam nhận định, những hình ảnh trên đều là những hình ảnh rất phản cảm, có thể ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ, bởi rất dễ để trẻ học theo khi quan sát được những hành vi đó diễn ra trước mắt.

Cô Vũ Thu Hà nhấn mạnh, để tạo nên một xã hội văn minh, trước tiên, người dân cần tự nhận thức về hành vi và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Để thay đổi nhận thức của người dân, có thể xây dựng những dự án tuyên truyền, kêu gọi sự đóng góp vào quá trình xây dựng xã hội văn minh, lịch sự.

"Chúng ta có thể kêu gọi qua những dự án với các vấn đề về văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử nơi công cộng, người dân phải có những hành vi văn minh, lịch sự. Để việc kêu gọi trở nên hiệu quả, chúng ta cần tuyên truyền qua hệ thống xã, phường và ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần thiết phải có những quy định rõ ràng ở những nơi công cộng, đi kèm là những biện pháp, chế tài xử phạt để răn đe, như vậy mới có thể thay đổi nhận thức của người dân.

Ngoài ra, chúng ta cần khuyến khích các phụ huynh hướng dẫn cho các con những quy định cần phải thực hiện trong cộng đồng. Và phụ huynh bao giờ cũng phải thực hiện trước, bởi trẻ con sẽ học được cái cách các con cần thực hiện qua những hành động của người lớn", cô Hà cho biết.

Theo cô Hà, những năm gần đây, việc giáo dục văn hóa tham giao thông, văn hóa ứng xử được các nhà trường chú trọng và đã có những hiệu quả nhất định. Bên cạnh các hoạt động giáo dục trong chương trình, một số trường còn mời các chuyên gia về chia sẻ về các vấn đề an toàn giao thông, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử,....Những hoạt động này phần nào giúp các em học sinh biết nhận thức về những hành vi của mình.

Để giáo dục một đứa trẻ, cần sự chung tay của cả cộng đồng

Tiến sĩ Vũ Thu Trang chia sẻ: "Học sinh học từ gia đình, nhưng cũng học từ thầy cô, bạn bè. Nếu hình thành được nếp ứng xử trong nhà trường thì trẻ sẽ sớm hình thành các nếp ứng xử trong văn hóa cá nhân.

Các nhà trường đều hiểu rõ vai trò này, nhưng nhà trường nào càng sớm xác định rõ các giá trị cốt lõi cho học sinh thì nhà trường đó càng có nền tảng vững chắc để xây dựng văn hóa ứng xử.

Khi truyền bá văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, nhà trường không nên chỉ nói “Đừng vi phạm luật”, “Hãy ứng xử có văn hóa”, mà nên truyền đạt theo các giá trị “Hãy có trách nhiệm với bản thân và người khác khi đi đường”, “Hãy ứng xử thân thiện với mọi người”,...

Khi học sinh biết được các giá trị văn hóa mà mình nên theo đuổi, các em sẽ tự chủ động xác định được hành vi nào là có văn hóa, tự có động lực lan tỏa văn hóa cá nhân tới người khác".

Ở góc độ chuyên môn, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cho hay, bắt đầu từ năm 3 tuổi, phụ huynh đã có thể hướng dẫn các con về những nguyên tắc, văn hóa ứng xử nơi công cộng. Và với mỗi một lứa tuổi sẽ áp dụng những phương pháp giáo dục khác nhau.

Với độ tuổi ở cấp mầm non và tiểu học, có thể giáo dục các con qua những hình ảnh, các tình huống để các con dễ nhận biết, dễ hiểu. Còn với độ tuổi ở cấp trung học, mà độ tuổi các con bắt đầu có những tư duy, lập luận riêng của mình, nên áp dụng phương pháp chia sẻ những câu chuyện, trong đó tuyên truyền, lồng ghép các nội dung về văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử để giáo dục.

"Dù ở lứa tuổi nào thì chúng ta cũng cần giáo dục cho các con những nguyên tắc đó, và cũng cần nhắc lại cho các con để các con nhớ những việc mình cần thực hiện.

Việc phá nguyên tắc sẽ diễn ra ở tuổi vị thành niên, ở độ tuổi này các con đang muốn thể hiện bản thân mình mà không hình dung được hậu quả. Lứa tuổi nào cũng cần có cái sự giám sát của bố mẹ và sự hỗ trợ của nhà trường. Tuy nhiên, đối với lứa tuổi vị thành niên, chúng ta cần nhắc nhở thường xuyên hơn và đặc biệt, phải có sự giám sát, đồng hành của gia đình.

Để đạt hiệu quả cao trong giáo dục, nhà trường cần phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc này", cô Vũ Thu Hà cho biết.

Cô Hà cũng đề xuất, cần tiếp tục phát huy những dự án, chương trình về giáo dục văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử tại các nhà trường, ngoài cộng đồng và có thể xây dựng những hoạt động này thành một tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông.

Còn theo chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên, để phổ biến, giáo dục văn hóa, góp phần tạo nên xã hội văn minh, lịch sự, cần có những giải pháp đồng bộ, ví dụ như chính sách giáo dục toàn dân. Song song với đó, người dân cũng cần phải tự ý thức, tự giáo dục bản thân mình.

Theo nữ chuyên gia, hiện nay, các nhà trường đang làm rất tốt công tác giáo dục văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại một số trường chưa thực sự chú trọng nội dung này, dẫn đến đâu đó vẫn còn những hình ảnh "chưa đẹp" trong cộng đồng.

"Theo tôi, trong chương trình giáo dục phổ thông thì cần đưa nội dung giáo dục văn hóa một cách thuyết phục hơn nữa, phải làm cho học sinh cảm nhận, ý thức được rằng khi các em thực hiện tốt văn hóa ứng xử chính là tạo ra môi trường văn minh, văn hóa cho các em.

Các em càng ở độ tuổi lớn sẽ càng khó thay đổi vì thói quen, vậy nên khi giáo dục cần lưu ý áp dụng những phương pháp giáo dục không mang tính áp đặt, như vậy mới có hiệu quả.

Hiện nay, giới trẻ cũng đã có những ý thức, văn hóa cư xử chuẩn mực hơn nhưng đâu đó vẫn còn những hình ảnh xấu xí, phản cảm. Điều này có thể đến từ sự giáo dục của gia đình, nhà trường hay chính bản thân các em nhưng vai trò của cộng đồng cũng rất quan trọng. Như ngạn ngữ châu Phi: "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ", theo tôi, cần có sự đồng bộ về giáo dục ở tất cả các đối tượng và các lĩnh vực", nữ chuyên gia phân tích.

 Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, khi tham gia giao thông hay các hoạt động trong cộng đồng, người dân cần tôn trọng quy định, nội quy, thể hiện văn hóa nơi công cộng.

Với các hoạt động trong cộng đồng như tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử,,... phụ huynh phải chủ động phổ biến, hướng dẫn các con về những quy định cần thực hiện và chính phụ huynh phải là người làm gương.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dau-do-con-thoi-quen-thieu-van-minh-viec-tot-nhan-len-cai-xau-se-giam-post247826.gd
Zalo