Đau đầu khi ho có phải bệnh phổi hay khối u não nguy hiểm?
Đau đầu khi ho có thể chỉ kéo dài vài giây và vô hại nhưng cũng có thể là triệu chứng cảnh báo một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nguy hiểm.
Đau đầu khi ho không phải là chuyện hiếm gặp. Thông thường, bạn không cần lo lắng vì tình trạng đau đầu có thể xảy ra do áp lực từ các chuyển động đầu đột ngột, chẳng hạn như cười hoặc hắt hơi. Tuy nhiên có những nguyên nhân khác nguy hiểm hơn và cần chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.
1. Nguyên nhân và triệu chứng của tình trạng đau đầu khi ho là gì?
Theo Medical News Today, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau đầu khi ho và một số lưu ý:
- Đau đầu do ho nguyên phát
Ho, hắt hơi, cúi xuống và cười đều gây ra những thay đổi nhỏ về vị trí cơ thể. Những thay đổi này có thể dẫn đến áp lực lên đầu hoặc cổ, có thể làm trầm trọng thêm cơn đau đầu, đặc biệt là nếu bạn bị đau đầu sẵn trước đó.
Đau đầu liên quan đến ho hoặc các chuyển động nhanh khác có thể có cảm giác áp lực âm ỉ lan khắp đầu; đau nhức ở cơ vai và cơ cổ; tăng áp lực xoang và nhức nhối khó chịu; cơn đau bắt đầu đột ngột, trong hoặc sau khi ho; đôi khi cơn đau có thể âm ỉ kéo dài sau khi cơn đau ban đầu đi qua. Thông thường sẽ kéo dài vài giây hoặc vài phút (hiếm khi kéo dài tới 2 giờ).
Đau đầu do ho nguyên phát không liên quan đến bất kỳ một rối loạn nào ở não hoặc các tình trạng sức khỏe khác nên sẽ không gây các triệu chứng kèm theo như buồn nôn, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nhạy cảm với ánh sang và âm thanh như một số loại đau đầu khác gây ra.
Theo WebMD, đau đầu do ho nguyên phát phổ biến hơn ở những người sau 40 tuổi và ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ.
- Đau đầu do ho thứ phát
Nghĩa là có một căn bệnh hoặc một tình trạng nào đó dẫn tới đau đầu khi ho. Hầu hết các tình trạng này đều nhẹ và có thể khỏi bằng cách điều trị y tế, nghỉ ngơi và uống đủ nước. Những tình trạng này thường gây ra cơn ho do ảnh hưởng tới đường hô hấp như họng và phổi; đau đầu do viêm nhiễm hoặc sốt.
Triệu chứng của chứng đau đầu do ho thứ phát thường khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân nhưng các triệu chứng sẽ nhiều hơn đau đầu do ho nguyên phát và nghiêm trọng hơn. Bao gồm: Cường độ cơn đau cao; vị trí đau đầu khác nhau; thời gian đau đầu khác nhau, có thể kéo dài hàng giờ hoặc hàng tuần thay vì chỉ đau đầu vài giây; cơn đau có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ; mỗi lần ho cơn đau đầu có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể cảm thấy chóng mặt hoặc bị ngất xỉu, mất thăng bằng, đau ở phía sau hộp sọ nếu nguyên nhân là do dị dạng Chiari type 1.
Đau đầu do ho thứ phát thường gặp hơn ở những người trước 40 tuổi. Theo Very Well Health, các nguyên nhân phổ biến gây ho kèm theo đau đầu bao gồm:
+ Nguyên nhân phổ biến: Nhiễm trùng do COVID-19, cúm, viêm xoang, viêm phế quản.
+ Nguyên nhân nghiêm trọng: Viêm màng não, viêm não, nhiễm trùng do nấm, ung thư họng, ung thư phổi. Với nguyên nhân đau đầu khi ho do ung thư xảy ra do tế bào ung thư di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như não dẫn tới đau đớn.
Lưu ý
Ngoài phân loại đau đầu khi ho là đau đầu do ho nguyên phát và đau đầu do ho thứ phát. Có 2 phân loại đau đầu là đau đầu nguyên phát và đau đầu thứ phát cũng cần chú ý. Cụ thể:
- Đau đầu nguyên phát: Các rối loạn đau đầu - như chứng đau nửa đầu và đau đầu do căng thẳng thường là nguyên nhân gây ra chứng đau đầu nguyên phát. Những cơn đau đầu này không nguy hiểm và có thể được giảm bớt bằng cách điều trị đau hoặc các liệu pháp điều trị đau đầu cụ thể.
- Đau đầu thứ phát: Đau đầu thứ phát là do các vấn đề y khoa tiềm ẩn gây ra, chẳng hạn như đột quỵ, xuất huyết não, viêm màng não, viêm não, áp xe hoặc khối u não. Mặc dù việc điều trị cơn đau đôi khi có thể giúp giảm đau, nhưng vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị.
2. Điều trị đau đầu khi ho
Như đã nói ở trên, đau đầu khi ho thứ phát sẽ được điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra là gì. Sau khi loại trừ các nguyên nhân thứ phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm viêm liên quan đến cơn đau đầu do ho nguyên phát. Thuốc được chỉ định là indomethacin. Các bác sĩ không biết chính xác tại sao thuốc này lại có tác dụng, nhưng thuốc có thể làm giảm áp lực xung quanh não và hộp sọ.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể thực hiện một thủ thuật gọi là chọc tủy sống để lấy một số dịch tủy sống và giảm áp lực có thể gây ra chứng đau đầu.
Nếu bạn bị ho và cơn đau đầu dường như trở nên tồi tệ hơn mỗi khi ho, việc điều trị ho có thể giúp giảm cơn đau do các cử động đầu đột ngột.
Khi cơn ho không phải do bất kỳ nguyên nhân sức khỏe nghiêm trọng nào, sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà hoặc liệu pháp thuốc không kê đơn (OTC) sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Những điều bạn có thể làm khi bị ho bao gồm: Nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế nói chuyện khiến đầu phải cử động, sử dụng máy bù ẩm hoặc hơi nước để làm dịu cổ họng, uống đồ uống ấm có thêm mật ong để giảm ho, sử dụng các loại thuốc giảm ho không kê đơn.
Đối với chứng đau đầu, các biện pháp giảm đau đầu tại nhà bao gồm: Chườm đá hoặc chườm nóng, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các môi trường có tiếng ồn lớn, duỗi người nếu bị đau cổ, sử dụng đồ uống có chứa caffein theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu cần; các phương pháp điều trị OTC cho chứng đau đầu như ibuprofen, acetaminophen hoặc naproxen natri.
3. Khi nào đau đầu khi ho cần thăm khám bác sĩ?
Trong trường hợp đau đầu khi ho nghiêm trọng và dai dẳng hơn, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
Để chẩn đoán bác sĩ sẽ thăm khám về triệu chứng đau đầu khi ho có thường xuyên xuất hiện không, điều gì giúp cơn đau đầu/ho giảm nhẹ hoặc khiến nó tăng nặng hơn, cơn đau có tính chất âm ỉ hay đau nhói, vị trí cơn đau đầu nằm ở vị trí nào,... Bác sĩ cũng sẽ chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh như chụp CT và chụp MRI để hỗ trợ chẩn đoán.
Một người nên tới cơ sở y tế sớm nếu gặp phải tình trạng sau:
- Ngất xỉu, chóng mặt hoặc mất thăng bằng kèm theo đau đầu.
- Đau đầu dữ dội hoặc đau đầu đột ngột và ngày một tăng nặng hơn.
- Đau đầu kéo dài trên 2 giờ.
- Đau đầu khi ho thường xuyên và dai dẳng.
- Bị sốt, ớn lạnh hoặc sụt cân không chủ ý.
- Cơn đau đầu thay đổi cường độ khi thay đổi tư thế hoặc vị trí, chẳng hạn như khi nằm xuống.
Nguồn: Medical News Today, Healthline