Dấu chân khủng long tiết lộ thời kỳ hai lục địa Châu Phi và Nam Mỹ từng là một

Theo nghiên cứu mới, các bộ dấu chân khủng long trùng khớp được phát hiện ở Châu Phi và Nam Mỹ tiết lộ rằng khủng long đã từng di chuyển liền một mạch qua các nơi này cách đây 120 triệu năm trước khi hai lục địa này tách ra.

CNN đưa tin các nhà cổ sinh vật học đã tìm thấy hơn 260 dấu chân khủng long từ kỷ Phấn trắng sớm ở Brazil (khu vực Nam Mỹ) và Cameroon (Châu Phi), hiện nằm cách nhau hơn 6.000 km ở hai phía đối diện của Đại Tây Dương.

Louis L. Jacobs - nhà cổ sinh vật học tại Đại học Southern Methodist ở Texas và là tác giả chính của một nghiên cứu mô tả các dấu vết được Bảo tàng Lịch sử & Khoa học Tự nhiên New Mexico công bố hôm 26/8, cho thấy các dấu chân giống nhau về tuổi tác, hình dạng và bối cảnh địa chất.

Jacobs cho biết các dấu chân được bảo tồn trong bùn và phù sa dọc theo các con sông và hồ cổ xưa từng tồn tại trên siêu lục địa Gondwana, tách ra khỏi vùng đất rộng lớn hơn Pangea.

Theo Jacobs, “một trong những mối liên hệ địa chất trẻ nhất và hẹp nhất giữa Châu Phi và Nam Mỹ là khu vực phía đông bắc Brazil nằm sát khu vực ngày nay là bờ biển của Cameroon dọc theo Vịnh Guinea. Hai lục địa liên tục dọc theo dải đất hẹp đó, do đó động vật ở hai bên của mối nối đó có khả năng di chuyển qua nó".

Hai dấu chân của khủng long có niên đại 120 triệu năm trước được phát hiện ở bồn địa Koum ở Cameroon

Hai dấu chân của khủng long có niên đại 120 triệu năm trước được phát hiện ở bồn địa Koum ở Cameroon

Châu Phi và Nam Mỹ bắt đầu tách rời nhau khoảng 140 triệu năm trước. Sự tách biệt tạo ra các vết nứt trên lớp vỏ Trái đất và khi các mảng kiến tạo bên dưới Nam Mỹ và Châu Phi trôi đi, magma trong lớp phủ Trái đất tạo ra lớp vỏ đại dương mới. Theo thời gian, nước tràn vào tạo ra Đại Tây Dương lấp đầy khoảng trống giữa hai lục địa.

Nhưng trước khi sự thay đổi dần dần này diễn ra, các loại lưu vực khác nhau đã hình thành khi bề mặt Trái đất bị tách ra. Jacobs cho hay, các dòng sông chảy vào lưu vực, tạo thành các hồ. Các tác giả nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về cái được gọi là lưu vực nửa địa hào ở vùng Borborema phía đông bắc Brazil và một lưu vực tương tự ở lưu vực Koum ở phía bắc Cameroon.

Trong khi hóa thạch khủng long có thể mang lại những hiểu biết độc đáo về các loại động vật đã sinh sống trên hành tinh này hàng triệu năm trước, thì dấu chân của chúng lại cung cấp những cánh cửa khác về quá khứ. “Các dấu vết của khủng long không phải là hiếm, nhưng không giống như những xương thường được tìm thấy, dấu chân là bằng chứng về hành vi của khủng long, cách chúng đi, chạy hay cách khác, chúng đi cùng ai, chúng đi qua môi trường nào, chúng đi theo hướng nào và chúng đi đâu” - Jacobs nhấn mạnh.

Dấu chân khủng long được phát hiện ở bồn địa Sousa, đông bắc Brazil

Dấu chân khủng long được phát hiện ở bồn địa Sousa, đông bắc Brazil

Thật khó để nói cụ thể loài khủng long nào đã di chuyển dọc theo các lưu vực, nhưng chúng đại diện cho một bức chân dung lớn hơn về khí hậu cổ đại và cách các loại động vật khác nhau phát triển trong môi trường mà sự tách giãn lục địa tạo ra.

Đồng tác giả nghiên cứu Lawrence Flynn, trợ lý giám đốc Trường Nghiên cứu tiền sử Hoa Kỳ và điều phối viên an toàn phòng thí nghiệm thuộc khoa sinh học tiến hóa của con người tại Đại học Harvard nói: “Hãy tưởng tượng một lưu vực rộng mở, tươi tốt với thảm thực vật dành cho động vật ăn cỏ và động vật ăn thịt theo sau”.

Sau đó, khi các lục địa tách ra xa nhau, sự gián đoạn này có thể gây ra sự gián đoạn trong tính liên tục di truyền, động lực chính của quá trình tiến hóa.

Các dấu chân khủng long được phát hiện ở cả Brazil (Nam Mỹ) và Cameroon (Châu Phi) cho thấy hai lục địa này từng là một vì các dấu chân này có nhiều điểm tương đồng

Các dấu chân khủng long được phát hiện ở cả Brazil (Nam Mỹ) và Cameroon (Châu Phi) cho thấy hai lục địa này từng là một vì các dấu chân này có nhiều điểm tương đồng

Jacobs nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tập hợp các bằng chứng địa chất và cổ sinh vật học mới và đang phát triển lại với nhau để kể một câu chuyện cụ thể hơn về địa điểm, lý do và thời điểm xảy ra sự phân tách giữa các lục địa. Một vẻ đẹp của Trái đất này là bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể thấy rằng Châu Phi và Nam Mỹ từng khớp với nhau như những mảnh ghép. Thật dễ dàng để hình dung rằng trong một thế giới được kết nối, các loài động vật, bao gồm cả khủng long, có thể và sẽ di chuyển từ nơi này sang nơi khác”.

Một thời Nam Mỹ và phía tây Châu Phi từng là một lục địa trước khi tách nhau ra

Một thời Nam Mỹ và phía tây Châu Phi từng là một lục địa trước khi tách nhau ra

Anh Duy (Theo CNN)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/dau-chan-khung-long-tiet-lo-thoi-ky-hai-luc-dia-tung-la-mot_166620.html
Zalo