Dấu ấn xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2025
Hoạt động ngoại thương tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2025, khi quy mô xuất nhập khẩu cả nước cán mốc gần 432 tỷ USD.

Xuất khẩu máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện nửa đầu năm 2025 tăng hơn chục tỷ USD.
Xuất khẩu hàng hóa nửa đầu năm 2025 tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo số liệu do Cục Hải quan công bố, xuất nhập khẩu tháng 6/2025 đạt 75,59 tỷ USD (xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, nhập khẩu 36,59 tỷ USD, thặng dư thương mại 2,41 tỷ USD).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,49 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 59,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước).
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 219,34 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng 27,29 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 212,15 tỷ USD, tăng 17,9% (tương ứng tăng 32,20 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại nửa đầu năm ước tính thặng dư 7,19 tỷ USD, giảm 40,6% so với mức thặng dư của cùng kỳ năm trước.
Kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2025 tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thương mại toàn cầu nhiều biến động, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới (như EVFTA, CPTPP...) để tạo ra cơ hội mở rộng xuất nhập khẩu, tiếp cận các thị trường lớn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện năng lực sản xuất, chất lượng và tính bền vững trong chuỗi cung ứng.
Bộ Công thương dự báo, nửa năm 2025, tình hình thế giới dự báo không còn kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ như sau Covid. OECD và IMF đều cảnh báo các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm, chu kỳ thắt chặt kéo dài, căng thẳng ở Trung Đông, Ukraine - Nga làm tăng nguy cơ gián đoạn vận tải, tăng giá năng lượng, ảnh hưởng tới sản xuất toàn cầu..
Để tiến gần hơn với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% trong cả năm nay, Bộ Công thương sẽ chú trọng công tác thông tin thị trường nhằm kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Cùng đó, Bộ cập nhật thông tin thường xuyên về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của các quốc gia nhập khẩu hàng hóa có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến về giá cước và biến động của thị trường vận tải kho vận trên thế giới và trong nước để có khuyến nghị kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp. Chủ động trong xây dựng các giải pháp, chính sách kịp thời, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp để nghiên cứu, xây dựng kịch bản dự báo, phân tích, đề xuất giải pháp phản ứng chính sách kịp thời với khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Bộ đẩy nhanh triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới thúc đẩy xuất khẩu sang đa dạng các thị trường mới, song song với các thị trường trọng điểm.