Dấu ấn từ Đề án cải tiến lễ tang ở Bắc Mê
Xác định, cải tiến tang lễ trong đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, huyện Bắc Mê xây dựng Đề án số 02 ĐA/HU (Đề án 02) ngày 16.5.2022 của BTV Huyện ủy về “Cải tiến đám tang các dân tộc huyện Bắc Mê giai đoạn 2022 - 2024”. Qua 2 năm thực hiện Đề án, đã có những dấu án tích cực về cải tiến lễ tang trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Dân tộc thiểu số huyện Bắc Mê chiếm trên 90% dân số toàn huyện. Trong đời sống, sinh hoạt có nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa đặc trưng, phong phú. Trong đó, tang lễ là một phong tục truyền thống, là sự tri ân giữa người sống với người đã chết. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi dòng họ tổ chức đám tang thực hiện những nghi lễ, tập tục khác nhau, vừa có tính tích cực, truyền thống, nhưng cũng có nơi, có dòng họ còn giữ những hủ tục, như: Chưa đưa thi thể người chết vào áo quan trước khi làm đám; tổ chức ăn uống trong đám tang dàn chải không thành bữa, không thành mâm; mổ nhiều gia súc gây lãng phí; các lễ tế rườm rà; công thầy tạo làm đám dài ngày… Hệ lụy sau những đám tang là gánh nặng về kinh tế.
Qua khảo sát, trên địa bàn huyện Bắc Mê đối với dân tộc Dao đỏ có khoảng hơn 10 dòng chính; dân tộc Mông có khoảng 17 dòng họ chính và hơn 44 chi họ khác nhau; dân tộc Tày có khoảng 20 dòng họ chính. Thực tiễn cho thấy việc tổ chức đám tang trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến phát triển KT – XH. Vì vậy, BTV Huyện ủy Bắc Mê đã xây dựng Đề án 02 về cải tiến đám tang trong đồng bào dân tộc thiểu số. Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 02, BTV Huyện ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quán triệt, triển khai hướng dẫn các chi, Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan Nhà nước triển khai thực hiện; thành lập ban chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân; chỉ đạo các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với từng dân tộc trên địa bàn; chủ động tích cực tuyên truyền, triển khai quán triệt đề án đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bổ sung nội dung xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu và cải tiến tang lễ vào quy chế của cơ quan, đơn vị, quy ước, hương ước của thôn, tổ để tổ chức thực hiện; phát huy vai trò của người uy tín, hội nghệ nhân dân gian để tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ những hệ lụy về hủ tục trong đám tang; chỉ đạo 139/139 thôn thành lập ban tang lễ để khi có việc tang lãnh đạo thôn đứng ra điều hành, thay mặt gia đình phân công công việc cụ thể, giúp gia đình tổ chức hoàn thành đám tang, cùng tang chủ thống nhất với thầy tạo, thầy cúng, thầy khèn về thời gian, khâm niệm, đưa đi chôn cất và làm đám không quá 48 tiếng…
Đồng chí Bồn Văn Quốc, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Bắc Mê cho biết: Qua 2 năm thực hiện Đề án 02 mang lại những kết quả tích cực trong cải tiến đám tang, cụ thể: Huyện có 146/156 đám tang của dân tộc Tày không để thi thể người chết trong nhà quá 24 giờ và làm đám không quá 48 tiếng, 156/156 đám bỏ không dựng lán ngoài đồng, 112/156 đám giảm công thầy tạo; 58/107 đám tang của dân tộc Mông đưa thi thể vào áo quan trước khi làm đám, 107/107 đám bỏ không bắn súng, không té nước; 54/54 đám tang của dân tộc Dao đưa người chết vào áo quan trước khi làm đám, 100% đám không chôn gần nhà… Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân đã có những thay đổi tích cực, có ý thức chấp hành quy chế cơ quan, quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố về thực hiện xóa bỏ hủ tục trong việc tang; một số hủ tục từng bước được cải tiến xóa bỏ nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc.
Có thể nói, qua 2 năm thực hiện Đề án 02, huyện Bắc Mê luôn đoàn kết, thống nhất, đồng lòng tuyên truyền vận động, quyết tâm xóa bỏ những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu vốn tồn tại trong nhận thức của Nhân dân bao đời nay dần được cải tiến, xóa bỏ, thay vào đó là xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.