Dấu ấn tháng Tư trên vùng đất 'cánh cửa thép'

Vùng đất Xuân Lộc - Long Khánh gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng khi Chiến dịch Xuân Lộc được thực hiện vào những ngày tháng Tư lịch sử năm 1975. Đó là 'Cánh cửa thép' phía Đông - Bắc Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn bị đập tan, mở đường cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Đập tan “cánh cửa thép” mở đường cho đại thắng

Sau khi địch thất thủ ở Tây Nguyên và một loạt tỉnh miền Trung duyên hải, các binh đoàn của ta thừa thắng xông lên, hành quân thần tốc về phía Nam. Trong khi đó, phía Bắc, Đông - Bắc và Tây - Bắc Sài Gòn như chi khu Dầu Tiếng thị xã An Lộc, Chơn Thành, Di Linh, Bảo Lộc… cũng được giải phóng, hình thành nên vòng cung siết chặt vây áp thủ phủ của Ngụy quyền Sài Gòn.

Tượng đài Chiến thắng Long Khánh.

Tượng đài Chiến thắng Long Khánh.

Trong tình thế vô cùng nguy khốn đó, Ngụy quyền Sài Gòn cùng quan thầy Mỹ quyết định xây dựng Xuân Lộc thành một “tuyến phòng thủ thép” để cố thủ và bảo vệ chính quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối. Nắm được ý đồ của địch, lực lượng vũ trang cách mạng, mà chủ lực là Quân đoàn 4 cùng các quân binh chủng và lực lượng vũ trang địa phương quyết định triển khai Chiến dịch Xuân Lộc.

Từ 5 giờ 30 phút ngày 09/4/1975, chiến dịch bắt đầu. Pháo các loại của ta đồng loạt nã đạn, nhiều mục tiêu cứ điểm trọng yếu của địch bị bắn trúng, các kho đạn, xăng dầu cháy nổ rền vang làm cho quân địch vô cùng hoang mang, hoảng sợ. Ngụy quyền Sài Gòn vừa hò hét “tử thủ Xuân Lộc - Long Khánh” vừa cố vét quân, đưa cả quân tổng trù bị vào trận chiến. Chiến dịch vì thế ngày càng trở nên ác liệt, quân ta phải tổ chức tấn công nhiều lần, đẩy lùi các đợt phản kích của địch, tiêu diệt từng mục tiêu hết sức khó khăn và phải chịu tổn thất khá lớn.

Cho đến đêm ngày 20 rạng sáng 21/4/1975, sau 12 ngày đêm cầm cự chống trả, lực lượng tử thủ của địch rút chạy hỗn loạn; Đại tá Tỉnh trưởng Long Khánh Phạm Văn Phúc bị bắt sống trên đường di tản… Chiến dịch Xuân Lộc đã toàn thắng, Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.

Trận chiến 12 ngày đêm của “Chiến dịch Xuân Lộc” (từ 9 - 21/4/1975) mà đỉnh cao là chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh, đập tan cánh cửa thép của địch ở phía Đông - Bắc Sài Gòn, góp phần quan trọng trong thắng lợi quyết định của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Diện mạo mới trên vùng đất anh hùng

Sau khi quê hương được giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, Đảng bộ và Nhân dân Long Khánh đã ra sức khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay xây dựng lại quê hương trên những hoang tàn, đổ nát sau cuộc chiến. Đảng bộ và Nhân dân Long Khánh từng bước đưa Long Khánh phát triển với thế mạnh nông nghiệp trên vùng đất đỏ Bazan trù phú. Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, đặc biệt là từ tháng 1/2004 khi thị xã Long Khánh được tái thành lập theo Nghị định 97/NĐ-CP ngày 21/8/2003 của Chính phủ, Long Khánh đã có sự chuyển mình và đổi thay đáng kể. Vốn đã kiên cường bất khuất trong chiến đấu, nay vẫn hăng hái đi đầu trong lao động sản xuất; sáng tạo, tích cực đổi mới trong xây dựng phát triển kinh tế.

Đời sống Nhân dân trên địa bàn TP những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, ổn định và phát triển, thu nhập bình quân đầu người năm sau tăng hơn năm trước. Đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 145 triệu đồng/người (tăng 35,55 triệu đồng so năm 2018 trước khi thành lập TP Long Khánh). Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống sức khỏe Nhân dân được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thời gian qua, TP đã tích cực triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế và một số chủ trương, chính sách lớn của T.Ư, tỉnh về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và đạt được một số kết quả quan trọng.

Ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, giá trị sản xuất tăng khá so cùng kỳ. Các khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư. Các DN nhỏ và vừa luôn được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển cả về số lượng lẫn quy mô.

Sản xuất nông nghiệp có sự chuyển hướng, tập trung thực hiện các quy hoạch về phát triển cây trồng, quy hoạch vùng, khuyến khích phát triển chăn nuôi, công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được chú trọng. Đồng thời, phát triển thêm nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; năng suất sản phẩm nông nghiệp tăng qua các năm. Tích cực thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”…

Những tàn dư của trận chiến ác liệt năm nào đã dần được khắc phục trên vùng đất “cánh cửa thép” kiên cường.

Trương Hiệu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-thang-tu-tren-vung-dat-canh-cua-thep.689144.html
Zalo