Dấu ấn tâm linh tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai

Trong không gian hùng vĩ của miền đá xám Mèo Vạc - Hà Giang, nơi hội tụ của núi non, mây trời và những câu chuyện tình mang đậm màu sắc huyền thoại, Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai đã trở thành điểm hẹn văn hóa giàu bản sắc.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, du khách và người dân tham gia dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, du khách và người dân tham gia dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà

Không chỉ là phiên chợ của tình yêu, của những cuộc gặp gỡ dang dở, lễ hội còn là nơi kết nối tâm linh thông qua nghi lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà và Lễ cầu duyên - hai nghi thức mang đậm chiều sâu văn hóa, hun đúc nên tinh thần nhân văn và đạo lý thủy chung của cộng đồng các dân tộc trên Cao nguyên Mèo Vạc.

Miếu Ông - Miếu Bà là địa chỉ tâm linh thiêng liêng, gắn liền với truyền thuyết tình yêu cảm động giữa chàng Ba (người Nùng) và nàng Út (người Giáy). Vì không thể đến được với nhau do định kiến dòng tộc, họ chọn cách âm thầm rời xa, nguyện ước mỗi năm chỉ gặp lại một lần tại mảnh đất Khâu Vai (Mèo Vạc - Hà Giang). Nơi đây, tình yêu được hóa thân thành biểu tượng vĩnh cửu, được nhân dân trân trọng gìn giữ qua bao thế hệ.

Vào khoảng 15 giờ đến 16 giờ chiều ngày 26/03 Âm lịch hằng năm (ngày chính hội), lễ dâng hương được tổ chức trang nghiêm tại Miếu Ông - Miếu Bà. Dưới chân miếu cổ, trong làn khói trầm bảng lảng, 40 mâm cỗ gồm các lễ vật như: xôi ngũ sắc, gà, lợn quay, bánh, trà, rượu, hoa quả… của các hộ gia đình thôn Khâu Vai được bày trí gọn gàng, đẹp mắt, thành kính dâng hương trước Miếu Ông và Miếu Bà, gửi gắm ước vọng cho mùa màng tươi tốt, gia đình yên ấm, tình duyên bền chặt. Anh Lương Văn Hùng, dân tộc Nùng ở thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai, xúc động chia sẻ: “Năm nào tôi cũng cùng con cháu lên miếu dâng hương. Đây không chỉ là nghi lễ, mà còn là cách để thế hệ trẻ hiểu về cội nguồn, về tình yêu thương thủy chung mà ông bà để lại”.

Nghi lễ không ồn ào, không phô trương nhưng đậm chất văn hóa bản địa. Những tiếng khèn, tiếng chim muông của núi rừng cất tiếng hót và lời khấn hòa quyện trong tiếng gió, tiếng bước chân hành hương khiến lòng người chợt lắng lại, cảm nhận sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.

Nếu lễ dâng hương là sợi dây kết nối tâm linh, thì lễ cầu duyên lại là không gian của cảm xúc, nơi tình yêu được cất lời một cách chân thành, mộc mạc mà sâu sắc. Tại đây, người trẻ đến để tìm bạn đời, người từng lỡ duyên tìm gặp người xưa trong tinh thần tôn trọng và hoài niệm, không ràng buộc, không định kiến. Mỗi năm, tại lễ cầu duyên có hàng trăm cặp nam, nữ đến từ các vùng miền của Tổ quốc và nam thanh nữ tú ở địa phương đến đây để cầu nguyện, mong cho tình cảm bền chặt. Những người cô đơn cầu nguyện tìm được người yêu, người vợ, người chồng tâm đầu ý hợp.

Mâm lễ gồm xôi, gà, rượu, bánh, hoa, trà và quả được người dân dâng tại Miếu

Mâm lễ gồm xôi, gà, rượu, bánh, hoa, trà và quả được người dân dâng tại Miếu

Bà Lò Thị Pênh, thôn Nà Trào, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc - Hà Giang cũng trải lòng về phiên chợ này: “Chợ tình Khâu Vai là nơi duy nhất mà con gái Giáy như tôi có thể nói tiếng lòng mình một cách tự do. Tôi đến không chỉ để cầu duyên, mà để cảm nhận rằng tình yêu chân thành vẫn luôn có chỗ đứng giữa cuộc sống hiện đại”.

Không gian lễ cầu duyên rộn ràng mà sâu lắng. Những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống đi trong tiếng khèn, tiếng sáo, ánh mắt tìm nhau giữa dòng người đông đúc. Tình yêu ở Khâu Vai không phải là điều xa xôi, mà hiện hữu trong từng bước chân, từng ánh nhìn và từng lời hứa hẹn.

Các du khách đến từ các tỉnh, thành trong cả nước sau lần đầu tham gia lễ hội cũng xúc động chia sẻ, cảm thấy rõ sự hòa quyện giữa tâm linh và tình cảm cá nhân. Một lễ hội mà con người không chỉ tôn vinh quá khứ, mà còn được sống thật với trái tim mình.

Du khách hồ hởi xin dây sợi tơ hồng tại lễ cầu duyên

Du khách hồ hởi xin dây sợi tơ hồng tại lễ cầu duyên

Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai, với các nghi lễ như dâng hương và cầu duyên, không chỉ là hoạt động văn hóa mang tính biểu tượng mà còn là minh chứng cho nỗ lực gìn giữ bản sắc dân tộc trong đời sống đương đại. Huyện Mèo Vạc cùng với ngành Văn hóa tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực gìn giữ không gian văn hóa truyền thống, phục dựng nghi lễ cổ.

Đồng chí Nông Thanh Trai, Chủ tịch UBND xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, khẳng định: “Chúng tôi coi Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai là không gian văn hóa sống. Việc bảo tồn và phát huy giá trị lễ dâng hương, lễ cầu duyên là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch gắn với văn hóa. Đây cũng là dịp để người dân, đặc biệt là giới trẻ, hiểu và tự hào về di sản của quê hương”.

Giữa miền đá xám tưởng như chỉ có lạnh và gió, Khâu Vai hiện lên như điểm hẹn ấm nồng của những trái tim yêu thương. Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà và lễ cầu duyên không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn góp phần tạo nên bản sắc độc đáo, hấp dẫn của du lịch văn hóa Hà Giang nói chung và Mèo Vạc nói riêng. Và rồi mỗi năm, khi tháng 3 âm lịch trở lại, dòng người lại tìm về Khâu Vai - không chỉ để tham quan một lễ hội, mà còn để tìm lại một phần tâm hồn mình trong tiếng khèn ngân dài và làn hương khói mờ ảo bên núi.

Minh Huệ - Mèo Vạc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/dau-an-tam-linh-tai-le-hoi-cho-phong-luu-khau-vai-a28298.html
Zalo