Dấu ấn kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Nền kinh tế Nhật Bản đã có những bước chuyển ấn tượng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Kishida, thị trường chứng khoán đạt kỷ lục, tăng trưởng kinh tế được duy trì và mặt bằng tiền lương cải thiện...

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 14/8 đã tuyên bố sẽ không tranh cử trong cuộc bầu cử Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, dự kiến diễn ra vào tháng Chín tới. Tờ Nikkei Shimbun ngày 18/8 có bài viết đánh giá lại những dấu ấn kinh tế trong khoảng thời gian Thủ tướng Kishida đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản từ ngày 4/10/2021 đến nay.

Thủ tướng tại vị lâu thứ ba của Nhật Bản tính từ đầu thế kỷ 21

Vị Thủ tướng Nhật Bản thứ 8 có thời gian tại vị hơn 1.000 ngày. Tính đến ngày 14/8, Thủ tướng Kishida đã tại vị được 1.046 ngày và tính đến cuối tháng 9/2024, thời điểm LDP có tân Chủ tịch và Thủ tướng Kishida chính thức tuyên bố từ chức sẽ là 1.093 ngày. Như vậy, Thủ tướng Kishida trở thành người thứ 8 điều hành Chính phủ Nhật Bản trên 1.000 ngày kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tính từ đầu thế kỷ 21, ông Kishida đã trở thành Thủ tướng tại vị lâu thứ ba sau ông Abe Shinzo và ông Junichiro Koizumi.

Trong số các nhà lãnh đạo hiện tại của Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Kishida đứng thứ tư về số ngày tại vị, sau Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden đã tuyên bố rút khỏi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và nhiệm kỳ của ông kết thúc sau 4 năm.

Dấu ấn kinh tế

Dưới sự điều hành của Thủ tướng Kishida, nền kinh tế Nhật Bản đã có những bước chuyển ấn tượng, thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục sau hơn ba thập kỷ, tăng trưởng kinh tế được duy trì và mặt bằng tiền lương cải thiện...

Chỉ số Nikkei 225, chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản, có xu hướng tăng kể từ tháng 10/2021. Chỉ số Nikkei đã tăng từ khoảng 28.000 điểm kể từ khi ông Kishida nhậm chức, lên hơn 40.000 điểm vào tháng 3/2024, vượt mức cao nhất trong thời kỳ bong bóng tài chính năm 1989, lần đầu tiên sau 34 năm.

Nhưng đầu tháng 8/2024, thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến phiên giao dịch chao đảo dữ dội, khi chỉ số Nikkei ghi nhận mức giảm lớn nhất từ trước đến nay chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó, chỉ số này đã phục hồi mạnh mẽ, đồng thời ghi nhận mức tăng lớn nhất trong một ngày.

Ở góc độ tài chính khác, giá trị đồng yen của Nhật Bản đã giảm với biên độ lớn từ mức 110 yen đổi 1 USD vào tháng 10/2021 (thời điểm Thủ tướng Kishida nhậm chức) xuống mức 160 yen đổi 1 USD vào ngày 29/4/2024, mức thấp kỷ lục sau 34 năm. Điều này buộc Chính phủ Nhật Bản phải có những động thái can thiệp để kiềm chế sự mất giá của đồng nội tệ, với việc bơm hàng chục nghìn tỷ yen vào thị trường, đặc biệt trong giai đoạn tháng Sáu và tháng Bảy năm nay.

Trong khi đó, chỉ số lạm phát của nền kinh tế Nhật Bản tăng do nhiều yếu tố như dịch bệnh COVID-19, bất ổn chính trị thế giới, nhưng vẫn quanh mục tiêu duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Cũng trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Kishida, BoJ đã quyết định chấm dứt lãi suất âm lần đầu tiên sau 17 năm vào tháng Ba năm nay và nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% từ mức phạm vi khoảng 0-0,1% vào tháng 7/2024, trên cơ sở đánh giá đã hội tụ đủ điều kiện để giảm dần chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế, trong năm tài chính 2023, đã tăng 1% so với năm trước, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng dương kể từ năm tài chính 2021. Trong năm tài chính 2020 (trước khi Thủ tướng Kishida nhậm chức), GDP của Nhật Bản đã có sự sụt giảm đáng kể do tác động của đại dịch COVID-19. Đồng yen yếu hơn đã khiến tổng GDP danh nghĩa của Nhật Bản tính theo đồng USD tụt xuống vị trí thứ tư thế giới và chính thức bị Đức vượt qua vào tháng 2/2024.

Trong số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tháng 6/2024, tổng thu nhập tiền mặt bình quân của một người lao động trong tháng 6/2024, hay tiền lương danh nghĩa, đã tăng 4,5% lên mức 498.884 yen (3.453,67 USD), tăng liên tục tháng thứ 30 liên tiếp. Trong khi đó, lạm phát tiêu dùng tăng ở mức 3,3%, qua đó ghi nhận mức tăng lương đã vượt qua tỷ lệ lạm phát lần đầu tiên sau 27 tháng.

Trong thông điệp đầu năm vào tháng 1/2024, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là thu nhập cao hơn mức tăng của vật giá vào năm 2024”. Chính sách tiền lương từ Chính phủ của Thủ tướng Kishida được thúc đẩy mạnh vào các cuộc đàm phán lao động vào mùa Xuân với mức tăng lương cao nhất trong vòng 33 năm qua, đồng thời với đó là các chính sách cắt giảm thuế thu nhập và thuế cư trú ở mức độ cố định đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng Sáu năm nay.

Hội đồng lương tối thiểu trung ương (cơ quan tham vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi) đã khuyến nghị mức lương tối thiểu trung bình toàn quốc là 1.054 yen/giờ cho năm tài chính 2024. Mức tăng là 50 yen, biên độ tăng lớn nhất từ trước đến nay trong năm thứ tư liên tiếp. Trong năm tài chính 2023, mức lương tối thiểu trung bình là 1.004 yen/giờ, lần đầu tiên vượt quá 1.000 yen.

Tại “Hội nghị hiện thực hóa chủ nghĩa tư bản mới” tổ chức năm 2023, Thủ tướng Kishida đã tuyên bố: “Chúng tôi kỳ vọng mức lương tối thiểu trung bình toàn quốc đạt 1.500 yen/giờ vào giữa năm 2030”. Chủ trương chung của Chính phủ Nhật Bản là duy trì việc tăng lương để theo kịp tốc độ tăng giá bằng cách tăng mức lương tối thiểu.

Để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc đảm bảo nguồn vốn tăng lương, chính phủ nước này đã đưa các khoản trợ cấp cho việc xây dựng nhà máy mới vào nhóm các biện pháp kinh tế của năm 2023, đồng thời chuẩn bị một hệ thống thuế mới nhằm khuyến khích đầu tư vốn của cả trong và ngoài nước.

Theo Tổng cục Thống kê Nhật Bản, đầu tư vốn cho tất cả các ngành (không bao gồm tài chính và bảo hiểm) trong giai đoạn từ tháng 1-3/2024 là 17.662,8 tỷ yen. Đây là số tiền cao thứ hai kể từ khoảng thời gian từ tháng 7-9/2001, khi cuộc khảo sát bắt đầu. Khoảng thời gian từ tháng 10-12/2023 là mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó ô tô, chất bán dẫn và các ngành công nghiệp tiên tiến khác đã củng cố hệ thống sản xuất tương đối ổn định.

Đối với vấn đề già hóa dân số, Thủ tướng Kishida từng tuyên bố, giai đoạn từ nay đến năm 2030 là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản thoát khỏi xu hướng tỷ lệ sinh giảm và dự kiến sẽ bổ sung khoản ngân sách trị giá 3.600 tỷ yen cho chính quyền trung ương và các địa phương để phục vụ nội dung này. Số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào tháng 6/2024 cho thấy tổng tỷ suất sinh ở nước này đã giảm còn 1,2 vào năm ngoái, thấp hơn 0,06 điểm so với năm 2022. Trên toàn quốc, tổng số ca sinh của công dân Nhật Bản cư trú tại nước này là 727.277 vào năm 2023, giảm 5,6% so với năm trước.

Thủ tướng Fumio Kishida đã thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình vào năm ngoái để giám sát các chính sách liên quan đến trẻ em. Ngày 3/6/2024, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các gia đình, bao gồm cả việc mở rộng trợ cấp cho trẻ em và giảm gánh nặng tài chính liên quan đến việc sinh con và giáo dục đại học.

Đối với vấn đề số hóa, tính đến tháng Bảy năm nay, tỷ lệ người dân Nhật Bản sở hữu thẻ “My Number” là 74,5%, nhưng tỷ lệ sử dụng “Thẻ bảo hiểm my number” chỉ là 9,9%. Dự kiến, việc phát hành thẻ bảo hiểm giấy như hiện nay sẽ kết thúc vào tháng 12/2024, nên sẽ là thách thức rất lớn đối với Chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy số hóa trong lĩnh vực bảo hiểm.

Phạm Tuân (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-an-kinh-te-cua-thu-tuong-nhat-ban-kishida-fumio/344177.html
Zalo