Dấu ấn Đệ Tam Tổ Huyền Quang, trụ trì chùa Côn Sơn với Phật giáo Việt Nam
Quá trình phát triển Phật giáo Việt Nam có dấu ấn đậm nét của Thiền phái Trúc Lâm và các vị tổ, trong đó có Đệ Tam tổ Huyền Quang.
![Tượng Thiền sư Huyền Quang ở chùa Côn Sơn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_428_51440897/e7ae80ccb4825ddc0493.jpg)
Tượng Thiền sư Huyền Quang ở chùa Côn Sơn
Vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm
Thời Trần có nền Phật giáo phát triển hưng thịnh với tinh thần nhập thế tích cực, có tinh thần đoàn kết, chống giặc Nguyên - Mông, gắn bó mật thiết với chính trị - xã hội. Cùng với 2 vị tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, sư tổ Huyền Quang đã có công lớn trong việc đặt nền móng, phát triển Thiền phái Trúc Lâm.
Thiền sư Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái, sinh năm Giáp Dần (1254) ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ ngài là Huệ Tổ dòng dõi quan lại, có công dẹp giặc Chiêm Thành, được nhà Trần bổ làm quan nhưng không nhận, chỉ ưa giao du sơn thủy. Thân mẫu ngài dòng họ Lê, là người hiền đức.
Thuở nhỏ, Lý Đạo Tái dung nhan kỳ lạ nhưng rất có chí hướng học hành. Ông rất thông minh, lanh lợi, đỗ Trạng Nguyên năm 20 tuổi. Sau khi thi đậu, nhà vua gọi gả công chúa cho nhưng ông từ chối. Ông được bổ nhiệm làm quan ở Hàn lâm viện, phụng mệnh tiếp đón sứ giả Trung Hoa.
Một hôm ông theo vua Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm thuộc huyện Phụng Nhã nghe thiền sư Pháp Loa giảng kinh. Từ đó, ông tâm đắc với đạo Phật, liền dâng biểu từ quan xin xuất gia tu hành và được nhà vua chấp thuận. Năm 1305, ông xuất gia thụ giới tại chùa Vĩnh Nghiêm, làm thị giảng của Đức Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và được ban pháp hiệu là Huyền Quang tôn giả.
Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), Huyền Quang tôn giả theo hầu Pháp Loa theo lời phó chúc của Đức Điều Ngự. Tôn giả vâng mệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Huyền Quang đa văn uyên bác, tinh thông đạo lý nên học đồ bốn phương tụ hội về tham vấn rất đông. Tương truyền, tăng ni về theo học ông đến khoảng 1.000 người.
Tôn giả phụng chiếu thường đi giảng kinh dạy học các nơi và soạn truyền kinh sách Phật học, cho khắc in nhiều bản để truyền bá trong dân. Vua Trần đã khen “các sách vở nói về đạo Phật do chính Huyền Quang viết ra không nên thêm bớt một chữ nào”.
Ngày 15 tháng giêng năm Quý Sửu (1313), vua Anh Tông mời Huyền Quang tôn giả về chùa Báo Ân ở kinh thành, giảng kinh Lăng Nghiêm. Sau đó, Huyền Quang dâng chiếu xin về quê thăm cha mẹ, nhân đây ngài lập ngôi chùa đề hiệu là Đại Bi Tự.
Năm 1317, ngài được Pháp Loa truyền y bát của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Pháp Loa viên tịch năm 1330, ngài kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm. Ngài trụ trì Thanh Mai trong 6 năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa.
Tại đây, ngài cho tôn tạo, mở rộng chùa với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như Cửu phẩm Liên hoa, am Bạch Vân, xây dựng tăng viện, đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp… đưa Côn Sơn trở thành đại danh lam, đại tùng lâm.
Tôn tạo, mở mang chùa Côn Sơn
![Từ lâu, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Ảnh: VĂN TUẤN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_428_51440897/0fe56f875bc9b297ebd8.jpg)
Từ lâu, Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Ảnh: VĂN TUẤN
Chùa Côn Sơn là 1 trong 3 trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm cùng với Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh.
Ngoài Huyền Quang, nơi đây đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Đán; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Ngày 23 tháng giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), Đệ Tam tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông đã ban thụy hiệu là Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại, đặc phong tự pháp Huyền Quang tôn giả. Ngày viên tịch của Đệ Tam tổ Huyền Quang trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hằng năm.
Xa xưa, theo lệ cổ vào ngày viên tịch của thiền sư Huyền Quang (23 tháng giêng âm lịch), triều đình đều cử các quan đại thần, các quan phủ, trấn vùng lân cận về đây dự tế lễ cầu quốc thái dân an. Từ đó đến nay, nhân dân và du khách gần xa vẫn nô nức hành hương về trảy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Lễ hội mùa xuân chính thức bắt đầu từ ngày 15 - 23 tháng giêng.
Điều thu hút khách thập phương về Côn Sơn do đây là vùng danh lam nổi tiếng. Hơn 600 năm trước, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ Nguyễn Trãi) đã miêu tả: “Khói đầu non, ráng ngoài đảo, gấm vóc phô bày, hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới, bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát hợp với tai mắt người ta ở đây đều có cả”. Nguyễn Trãi sau đó cũng mô tả bằng thơ: “Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai”.
Côn Sơn tức núi Kỳ Lân, hay tên dân gian quen gọi là núi Hun cao gần 200 m, dài trên 1 km. Ngày xưa dân trong vùng thường lên núi lấy củi mang xuống chân núi gần chùa đốt than, quanh chùa Côn Sơn khói luôn nghi ngút nên chùa còn được gọi là chùa Hun (nay thuộc phường Cộng Hòa, TP Chí Linh).
Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIII. Đến đầu thế kỷ XIV, chùa được thiền sư Huyền Quang trụ trì, mở mang với quần thể Giếng Ngọc, Bàn Cờ Tiên và Thạch Bàn trong khu di tích. Thế kỷ XVII - XVIII, chùa được trùng tu mở rộng. Sau nhiều lần trùng tu, ngày nay chùa càng khang trang, đẹp đẽ. Di tích Côn Sơn đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia ngay đợt đầu tiên năm 1962 và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm năm 1965.
Cùng với Côn Sơn, đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo cũng nằm trong quần thể di tích danh thắng, càng làm cho dải đất thiêng thêm lộng lẫy, tạo nên một vùng văn hóa tâm linh đặc sắc của dân tộc.
Hàng trăm năm tồn tại và phát triển, Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành lễ hội truyền thống không thể thiếu trong đời sống tâm linh người Việt. Ngày nay nhiều hình thái văn hóa phi vật thể trong các lễ hội đã được bảo lưu, trình diễn đặc sắc và hấp dẫn như tế, rước bộ, hội quân, lễ mộc dục, lễ cầu an và nhiều hình thức sinh hoạt tín ngưỡng đáp ứng các nhu cầu tâm linh.
Hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO và đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để xét công nhận di sản thế giới.