Dấu ấn hợp tác Việt Nam-CHLB Đức: Tương lai tươi sáng trên nền tảng vững bền

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là dịp để Việt Nam và Đức cùng nhìn lại chặng đường đã qua, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để hướng tới nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới và tương lai hợp tác toàn diện hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Wilhelm Pieck nhân chuyến thăm của Người tới Cộng hòa Dân chủ Đức, ngày 25/7/1957. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Wilhelm Pieck nhân chuyến thăm của Người tới Cộng hòa Dân chủ Đức, ngày 25/7/1957. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Từ tương đồng, gắn kết đến chung tầm nhìn

Năm 2025 hai nước kỷ niệm mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-CHLB Đức, đó là 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai Đối tác chiến lược.

Hai nước có sự tương đồng về diện tích, ý nghĩa địa chiến lược trong khu vực, về lịch sử nhiều đau thương chia cắt và thống nhất, có nền tảng vững chắc là mối quan hệ gắn bó và tin cậy với bề dày lịch sử được thử thách qua thời gian, chia sẻ nhiều lợi ích mang tính chiến lược, với những mối liên kết, gắn bó con người sâu sắc và chân thành. Hai dân tộc cũng có sự tương đồng về nhiều giá trị cốt lõi của con người, từ xã hội và gia đình đến lịch sử và văn hóa cũng như tính cách dân tộc.

Hai nước cũng đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý toàn diện cho hợp tác sâu rộng nhiều mặt với nhiều hiệp định và thỏa thuận mang tính nền tảng quan trọng như Hiệp định Hợp tác Văn hóa, Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Hợp tác Hàng không, Hợp tác Hàng hải, Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Hợp tác Khoa học-Kỹ thuật, Bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng… và đặc biệt là Hiệp định thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Có thể thấy, quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước không chỉ bắt đầu từ mốc nửa thế kỷ trước mà đã có lịch sử tốt đẹp trước đó nhiều thập kỷ, khi còn hai nước CHDC Đức (Đông Đức) và CHLB Đức (Tây Đức). Năm nay cũng là năm kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tên trước của CHXHCNVN) và Cộng hòa Dân chủ Đức, 3/2/1950-3/2/2025.

Bên cạnh mối quan hệ gắn bó với CHDC Đức (Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều đã thăm chính thức CHDC Đức), CHLB Đức cũng có nhiều thiện cảm với Việt Nam và phong trào phản chiến của nhân dân Tây Đức đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, với việc chính quyền Tây Đức từ chối tham gia gửi quân đội tham chiến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp thăm Việt Nam tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp thăm Việt Nam tháng 1/2024. (Nguồn: TTXVN)

Ngày nay, hai nước có điều kiện thuận lợi đặc biệt để tiếp tục đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, với mức độ bổ sung cao về mặt cơ cấu kinh tế, thương mại hiện nay và cả trong tầm nhìn phát triển. Hai nước không có di sản tiêu cực hay vướng mắc trong quá khứ, có vai trò và vị trí địa chính trị quan trọng, có thể tương tác và hỗ trợ hiệu quả cho nhau để đạt được những mục tiêu chiến lược dài hạn.

Đáng chú ý, lợi ích mà hợp tác toàn diện giữa hai nước mang lại cho mỗi nước mang tính phi đảng phái và dài hạn – có đồng thuận chính trị cao của cả hai nước về tầm quan trọng của quan hệ song phương và nhu cầu tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược tốt đẹp đang có.

Hợp tác sâu rộng và thực chất

Qua nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Đức luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp. Trên cơ sở phát huy những thành tựu trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Đức chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hợp tác sâu rộng và thực chất hơn nữa thời gian tới.

Về chính trị,điểm nổi bật trong mối quan hệ Việt Nam - Đức chính là nền tảng vững chắc, chia sẻ các giá trị chung về hòa bình, hợp tác quốc tế và giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế. Đây là những giá trị cốt lõi mà hai quốc gia đều đặt lên hàng đầu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Boris Rhein, Thủ hiến bang Hessen, CHLB Đức, ngày 28/11/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp ông Boris Rhein, Thủ hiến bang Hessen, CHLB Đức, ngày 28/11/2024. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sự tin cậy lẫn nhau đã được củng cố qua các chuyến thăm giữa các lãnh đạo Việt Nam và Đức những năm gần đây. Điển hình là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào cuối năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào năm 2024, chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Đức đến Việt Nam sau 17 năm.

Sự kiện này không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước mà còn tạo động lực mới cho các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là công nghiệp, thương mại và năng lượng. Chuyến thăm này thể hiện sự coi trọng của Đức đối với mối quan hệ với Việt Nam và mở ra những cơ hội hợp tác thực chất, hiệu quả hơn.

Như Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã phát biểu tại Hà Nội, Việt Nam là chỗ dựa của Đức tại Đông Nam Á.

Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược. Đức là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, và ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của Đức tại khu vực Đông Nam Á, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trên 10% hàng năm trong nhiều năm gần đây.

Cả hai quốc gia có cơ cấu kinh tế và sản phẩm bổ sung cho nhau, với Việt Nam mạnh về các mặt hàng công nghiệp nhẹ, dịch vụ, hàng tiêu dùng và nông sản thực phẩm, số hóa và IT, trong khi Đức có thế mạnh về công nghiệp nặng, máy móc thiết bị và nguyên vật liệu cũng như các công nghệ hàng đầu về năng lượng sạch.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), mà Đức là một đối tác ủng hộ tích cực nhất, đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ kinh tế song phương. Đức cũng là nước thúc đẩy và ủng hộ để Việt Nam trở thành Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với G7.

Vị thế địa chính trị của Việt Nam tại khu vực châu Á, Ấn Độ dương – Thái Bình dương đang ngày càng gia tăng, nền kinh tế năng động, lực lượng lao động trẻ và vị trí chiến lược đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn để mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke nhân chuyến thăm và làm việc tại Đức tháng 10/2024. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Đức)

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang và Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Đức Hans-Georg Engelke nhân chuyến thăm và làm việc tại Đức tháng 10/2024. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Đức)

Với chính sách đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư ở khu vực, các nhà đầu tư Đức đang ngày càng ưu tiên mở rộng hoạt động tại Việt Nam, do mức chi phí đầu tư thấp hơn và định hướng phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, công nghiệp chế tạo, dịch vụ, hậu cần, giáo dục… là những ưu tiên hợp tác của cả hai bên.

Các khuôn khổ triển khai Ngoại giao kinh tế cũng tiếp tục được tăng cường và mở rộng với nhiều bước tiến.

Hai nước đã kết thúc thành công đàm phán chính phủ hàng năm về viện trợ phát triển chính thức (ODA), qua đó Đức cam kết viện trợ không hoàn lại 61 triệu Euro cho Việt Nam cho giai đoạn 2024-2025, một kết quả hết sức đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế Đức gặp nhiều khó khăn và ngân sách nhà nước Đức thắt chặt.

Ngày càng có nhiều đoàn doanh nghiệp Đức tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác cấp Liên bang và các địa phương, với sự quan tâm và hỗ trợ hiệu quả từ các Hiệp hội doanh nghiệp Đức và các tổ chức xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, kinh doanh của hai nước cũng như chính quyền các bang của Đức và địa phương Việt Nam.

Quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninhđã có những bước tiến nổi bật, mang tính chiến lược trong những năm qua, đã trở thành một trụ cột chính, hết sức quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng trên toàn cầu và khu vực.

Quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Nam và CHLB Đức đã có truyền lâu đời từ những năm 1950-1960. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có chuyến thăm đầu tiên đến CHDC Đức. Năm 2003, Việt Nam cử tùy viên Quốc phòng thường trú tại Berlin.

Tháng 10/2004, Bộ Trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phạm Văn Trà đến thăm CHLB Đức, hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ đào tạo cho quân nhân Việt Nam.

Những năm sau đó là hàng loạt chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng hai nước để thúc đẩy quan hệ quốc phòng: Năm 2013, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thăm và làm việc tại Bộ Quốc phòng Đức; Năm 2016, Quốc vụ khanh Quốc phòng Đức, Tiến sỹ Ralf Brauksiepe thăm và làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam; Tháng 6/2019, Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và tháng 8/2019, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cũng đã đến làm việc với Bộ Quốc phòng Đức để thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới thăm trường Đại học Việt - Đức tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 24/1/2024.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới thăm trường Đại học Việt - Đức tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 24/1/2024.

Tháng 9/2019, CHLB Đức chính thức cử tùy viên Quốc phòng thường trú tại Hà Nội. Tháng 9/2020, Đức thông qua chiến lược “Định hướng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và đến tháng 1/2022, lần đầu tiên trong lịch sử, khinh hạm FGS Bayern với hơn 200 thành viên của hải quân Đức đã cập cảng thăm Việt Nam, thể hiện sự tăng cường hiện diện của Đức tại khu vực.

Một bước tiến mang tính lịch sử là tháng 11/2022, sau nhiều năm đàm phán, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký kết Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz.

Với Thỏa thuận quan trọng hàng đầu này, quan hệ quốc phòng giữa Đức và Việt Nam đã vươn đến tầm cao mới, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược. Nhiều lĩnh vực hợp tác quốc phòng được thúc đẩy như Đối thoại về Chính sách an ninh chiến lược, Đào tạo lực lượng sỹ quan Việt Nam của các quân binh chủng, các ngành công nghệ cao về quân sự; trao đổi về công tác lãnh đạo và giáo dục quân nhân; Hợp tác trong các Lực lượng Quân y, Lực lượng Gìn giữ hòa bình, Lực lượng hóa học, Hỗ trợ về công tác xây dựng và triển khai Luật quân sự, Hợp tác Phòng thủ dân sự, Công nghiệp quốc phòng... qua đó góp phần xây dựng lòng tin cậy chiến lược, phát triển tiềm lực quốc phòng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột trong khu vực và trên quốc tế.

Quan hệ đối tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ cũng như Cục Tình báo Quốc gia Đức (BDN) cũng chứng kiến những bước phát triển rất mạnh mẽ, với chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch BDN, ông Bruno Kahl năm 2023 và chuyến thăm Đức của Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lương Tam Quang năm 2024.

Hai bên cũng đã chính thức cử Đại diện Tình báo tại Thủ đô hai nước, thể hiện sự tin cậy cao nhất trong lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng đối với an ninh quốc gia của hai nước. Hai bên đang tiếp tục nỗ lực để sớm cử Đại diện Cảnh sát trong năm 2025 cũng như sớm ký kết một loạt các thỏa thuận then chốt trong hợp tác về an ninh giữa hai nước trong thời gian tới.

Với hơn 200.000 người đang sinh sống, học tập, hội nhập thành công vào mọi mặt đời sống xã hội tại nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam tại Đức ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên cầu nối giữa hai dân tộc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả kinh tế, văn hóa và giáo dục.

Cộng đồng Việt Nam tại đây không chỉ nỗ lực giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam, làm giàu có và phong phú hơn cho nền văn hóa đa sắc màu của Đức, mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, kinh tế và văn hóa Đức, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm mối quan hệ hai nước.

Tình đoàn kết, sự phát triển và và vai trò to lớn của Cộng đồng người Việt được khẳng định bằng việc thành lập Liên hiệp Hội người Việt tại CHLB Đức vào tháng 12/2023. Liên hiệp Hội là ngôi nhà chung, là tiếng nói chung của toàn bộ người Việt trên toàn nước Đức ở cấp Liên bang.

Đại sứ Vũ Quang Minh gặp gỡ Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp tham dự buổi tiếp chúc mừng Năm mới của Tổng thống, ngày 14/1. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Đức)

Đại sứ Vũ Quang Minh gặp gỡ Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhân dịp tham dự buổi tiếp chúc mừng Năm mới của Tổng thống, ngày 14/1. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Đức)

Đáng chú ý, thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt đã và đang thể hiện vị thế và vai trò ngày một tăng, với thành công lớn trong học tập và phát triển mọi mặt, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh của Cộng đồng Việt ở sở tại. Một số cá nhân trẻ Việt Nam xuất sắc đang dần tham gia và có vai trò trong đời sống chính trị của Đức.

Đây là tài sản vô giá, cầu nối và các sợi dây liên kết, thắt chặt vận mệnh gắn bó, đồng hành của hai dân tộc.

Lao động là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng và nổi bật nhất giữa Việt Nam và Đức, phản ánh sự kết nối sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai quốc gia.

Đức là nền kinh tế phát triển, tỷ lệ sinh ngày càng thấp và dân số già hóa nên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt các ngành như điều dưỡng, xây dựng, cơ khí, lái tàu, nhà hàng - khách sạn...

Từ nhiều năm nay, Chính phủ Đức đã phải thực hiện nhiều biện pháp để thu hút lao động từ các quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam lại sở hữu một lực lượng lao động trẻ, dồi dào và sẵn sàng hội nhập. Bên cạnh đó, là nước đang phát triển, Việt Nam cũng rất chú trọng vào việc đào tạo và nâng cao tay nghề cho lao động, xây dựng nguồn lao động chất lượng cao.

Đặc biệt, Đức đánh giá cao và yêu quý, tôn trọng người lao động Việt Nam vì tính cần cù, kỷ luật và tinh thần cộng đồng mạnh mẽ. Như lãnh đạo Thủ đô Berlin phát biểu tại Tết Cộng đồng 2025 tổ chức long trọng tại Tòa Thị chính Đỏ lịch sử của Berlin, cộng đồng Việt Nam đã trở thành một phần không thể tách rời của cộng đồng nhân dân Đức, là tấm gương về sự lao động cần cù, tinh thần kinh doanh và tính gắn bó, làm giàu có hơn nữa bản sắc của nước Đức hiện đại.

Sự phù hợp về các nhu cầu và nguồn lực giữa hai quốc gia đã và đang là nền tảng thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đức, mang lại lợi ích cho cả hai bên và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, đồng thời tăng thêm sức mạnh, tầm ảnh hưởng của cộng đồng Việt Nam tại Đức.

Chung sức vượt qua thách thức

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đức đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể những năm qua và dư địa phát triển vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cả hai nước cần giải quyết một số thách thức.

Về phía Đức, tình hình chính trị nội bộ phức tạp và những bất ổn kinh tế hiện tại có thể gây trở ngại cho việc triển khai các chính sách đối ngoại dài hạn. Trong khi đó, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo tính minh bạch môi trường đầu tư.

Bên cạnh đó, cả hai nước cần cải cách, nâng cấp các cơ chế hợp tác hiện có và đưa ra những cơ chế hợp tác mới phù hợp, nhằm giải quyết một số vấn đề khác biệt, đảm bảo lợi ích hài hòa và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Bước vào kỷ nguyên mới với chặng đường 50 năm tiếp theo, với sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo và sự đồng lòng của nhân dân hai nước, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam-Đức tiếp tục phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới trong năm 2025.

Tọa đàm Việt Nam - Trung tâm Công nghệ mới của thế giới ngày 23/1 tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: FBĐS)

Tọa đàm Việt Nam - Trung tâm Công nghệ mới của thế giới ngày 23/1 tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: FBĐS)

Có thể thấy, thế giới đã và đang trải qua một loạt biến động, như đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh Mỹ-Trung… cùng một số điểm nóng ở các khu vực khác, làm cho bức tranh địa chính trị toàn cầu ngày càng khó đoán định và có nhiều bất ổn, thách thức.

Bất chấp những khó khăn trước mắt này, xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững chắc chắn vẫn là yếu tố then chốt cho sự phát triển của các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Đức.

Chính trong bối cảnh biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới và khu vực, hai đối tác tin cậy Việt Nam và Đức càng cần tới nhau để chung sức vượt qua mọi thách thức. Như nhiều lãnh đạo Đức các cấp đã khẳng định, dù Đức có chính phủ được đảng chính trị nào lãnh đạo, thì Việt Nam luôn luôn được coi là một đối tác chiến lược thân thiết và đáng tin cậy của nước Đức, của nhân dân Đức.

Thời gian tới, hai nước cần tiếp tục quan hệ hợp tác đa dạng, đặc biệt, cần chú trọng đến các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác trao đổi nguồn nhân lực đã qua đào tạo... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.

Các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước cần tăng cường phối hợp để triển khai các dự án chung mang tính chất dài hạn, tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp khai thác tối đa lợi thế của nhau.

Cộng đồng người Việt tại các thành phố của CHLB Đức chào đón Xuân Ất Tỵ 2025.

Cộng đồng người Việt tại các thành phố của CHLB Đức chào đón Xuân Ất Tỵ 2025.

Bước vào kỷ nguyên mới với chặng đường 50 năm tiếp theo, với sự quyết tâm của các nhà lãnh đạo và sự đồng lòng của nhân dân hai nước, chúng ta chắc chắn sẽ thành công trong việc nỗ lực đưa quan hệ Việt Nam-Đức tiếp tục phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới trong năm 2025, tương xứng hơn với tình cảm, sự gắn bó và thấu hiểu của nhân dân hai nước cũng như mức độ quan trọng của mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Mối quan hệ này sẽ không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Vũ Quang Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dau-an-hop-tac-viet-nam-chlb-duc-tuong-lai-tuoi-sang-tren-nen-tang-vung-ben-303035.html
Zalo