Dấu ấn du lịch Tri Tôn đầu năm
Tết năm nay, huyện Tri Tôn đón gần 300.000 lượt khách đến tham quan điểm du lịch (DL), di tích lịch sử, văn hóa - dân tộc, tâm linh trên hành trình du Xuân. Con số ấn tượng trên chứng tỏ sức hút của huyện miền núi đối với du khách gần xa, mở ra kỳ vọng một năm đầy lạc quan cho DL địa phương.
Tri Tôn hiện đang là một địa điểm DL hấp dẫn mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến An Giang. Đặc biệt, những ngày Tết, nhiều tuyến đường, công viên, quảng trường, chùa chiền trên địa bàn huyện đều tràn ngập sắc Xuân, thu hút đông đảo bà con, du khách gần xa đến tham quan.
Điểm thu hút du khách của huyện Tri Tôn chính là địa hình. Trong 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn hùng vĩ thì có 4 ngọn núi nằm trên địa bàn huyện: Núi Tô - Phụng Hoàng Sơn, núi Nước - Thủy Đài Sơn, núi Dài - Ngọa Long Sơn và núi Tượng - Liên Hoa Sơn. Những ngọn núi này gắn với giai thoại huyền bí, tâm linh vô cùng độc đáo.
Bên cạnh đó, dưới chân núi còn có các hồ nước rộng lớn (hồ tự nhiên và nhân tạo), làn nước xanh ngắt, khí hậu mát mẻ quanh năm, trở thành điểm đến yêu thích của du khách. Có thể kể đến: Hồ Soài Chek, hồ Soài So, hồ Núi Dài 2, hồ Cô Tô... Khu DL Tức Dụp (xã An Tức); nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc); di tích lịch sử Ô Tà Sóc, hồ Ô Tà Sóc, rừng tầm vông (xã Lương Phi)… cũng được du khách tìm đến.
Du khách còn bị cuốn hút với những ngôi chùa Khmer mang nét kiến trúc độc đáo. Nổi bật là chùa Xvayton, ngôi chùa cổ của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nổi tiếng cả nước bởi lối kiến trúc đặc thù, cảnh quan đẹp mắt, nằm ngay trung tâm thị trấn Tri Tôn. Hay chùa Tà Pạ nằm ở lưng chừng núi, được ví như chốn tiên cảnh giữa nhân gian… Cùng với công trình tôn giáo, những giá trị văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng được du khách tìm hiểu. Các món ăn đặc trưng (gà đốt, ếch nướng, gỏi đu đủ đâm, bánh canh, cháo bò…), ngành nghề truyền thống (làm đường thốt nốt, cốm dẹp, bánh kà-tum, bánh bò thốt nốt) được lòng du khách.
Chị Lê Thị Yến Nhi (quê ở huyện Chợ Mới) làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Tranh thủ những ngày nghỉ Tết, chị quyết định cùng gia đình đến huyện Tri Tôn DL. “Cảnh vật thiên nhiên ở đây rất yên bình; người dân thân thiện, ẩm thực khá đa dạng, phong phú, nhất là ẩm thực của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer” - chị Nhi chia sẻ. Anh Lê Thanh Dũng (sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) cũng trở về quê đón Tết, rất hào hứng khi du Xuân tại các địa điểm DL trên địa bàn huyện Tri Tôn. Anh Dũng chia sẻ: “Tri Tôn có nhiều cảnh đẹp, rất có tiềm năng phát triển DL. Thời gian tới, tôi có kế hoạch mời những người bạn ở TP. Hồ Chí Minh về Tri Tôn tham quan một chuyến” - anh Dũng nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, từ 25/1 - 2/2/2025 (26 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), khách DL đến tham quan tăng 5,8% so cùng kỳ 2024. Nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách, các điểm tham quan, DL được đầu tư, nâng cấp. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo ngành văn hóa tôn tạo cảnh quan, xây dựng hình ảnh môi trường “xanh - sạch - đẹp”; trang trí đèn hoa, đèn led, chong chóng, lồng đèn, tiểu cảnh, linh vật tại Nhà Thiếu nhi huyện, công viên thị trấn Tri Tôn, công viên Lê Văn Tám, phố đi bộ Thái Quốc Hùng, điểm DL Tà Pạ… nhằm tạo hình ảnh thân thiện đối với du khách.
Năm 2025, huyện tiếp tục phát triển DL gắn với triển khai các môn thể thao mạo hiểm, thể thao dân tộc, như: Đua bò, dù lượn, xe đạp, môtô, ôtô địa hình... Bên cạnh đó, biểu diễn văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, như: Dì-kê, đàn Chà-pây, cùng các loại hình nghệ thuật độc đáo khác. Huyện Tri Tôn tiếp tục tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa; huy động, khuyến khích nguồn lực đầu tư để tăng số lượng cơ sở lưu trú, điểm dừng chân, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí, nhằm đáp ứng nhu cầu cho du khách. Đồng thời, nâng cao kỹ năng làm DL cho người lao động đang công tác tại quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn, đào tạo phát triển loại hình DL cộng đồng…