Dấu ấn Di sản văn hóa năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025
Năm 2024, Di sản văn hóa Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số thành tích đáng tự hào. Báo điện tử Tổ Quốc trân trọng giới thiệu bài viết: 'Dấu ấn Di sản văn hóa năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025' của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.
Năm 2024, Di sản văn hóa Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số thành tích đáng tự hào. Hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa được củng cố, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng và ban hành chính sách tới việc thực thi, triển khai trong thực tiễn. Ngành đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Di sản văn hóa với nhiều chính sách mới, kiến tạo, khơi thông nguồn lực cho di sản văn hóa phát huy giá trị, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa.
Về kết quả hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Một là, hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2024 đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa, thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, với 10 điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước, của các địa phương, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, "phát huy vai trò động lực của văn hóa, thể thao và du lịch đối với sự phát triển bền vững đất nước".
Luật đã củng cố, khắc phục những bất cập và bổ sung những quy định mà thực tiễn phát sinh nhưng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh. Với đột phá quy định của Luật bằng việc gia tăng đáng kể nhóm quy định liên quan đến hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác sử dụng di sản văn hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa, quỹ bảo tồn di sản văn hóa, tạo cơ chế thu hút tối đa nguồn lực cho hoạt động bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy định của Luật đồng bộ với các Luật liên quan trong hệ thống pháp luật cho phép thực hiện các dự án đầu tư, công trình kinh tế - xã hội, nhà ở riêng lẻ trong khu vực di sản, tạo cơ chế hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần định vị thương hiệu địa phương, của quốc gia và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế, vai trò di sản văn hóa Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa của nhân loại.
Luật Di sản văn hóa với các quy định liên quan đến việc chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa và phát huy giá trị di sản văn hóa trên môi trường điện tử. Việc chuyển đổi số di sản văn hóa quy định trong Luật góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: "tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất để đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn mình và hiện đại".
Hai là, nhận diện giá trị, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế để thiết lập cơ chế bảo vệ của pháp luật.
Năm 2024, Di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ; "Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" của Việt Nam được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO… Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê, trong đó có 34 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh (gồm 08 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 16 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và 10 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh); 138 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng, 3.653 di tích quốc gia, 620 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 294 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia; 202 bảo tàng, gồm 126 bảo tàng công lập và 76 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập, hiện vật đặc biệt quý hiếm…. Việc các di sản văn hóa được xếp hạng, ghi danh ở các cấp độ địa phương, quốc gia, quốc tế đã khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.
Ba là, thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhiều di tích tiếp tục được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo gắn với khai thác, phát triển du lịch, đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách tham quan, qua đó góp phần phát triển kinh tế của địa phương nơi có di sản, đồng thời tạo việc làm cho người lao động. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, nhất là các di tích lịch sử gắn với cách mạng kháng chiến đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ tổ quốc, tinh thần yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẩm định, thỏa thuận và trực tiếp có văn bản góp ý 447 Quy hoạch dự án, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích tại các địa phương; báo cáo đánh giá tác động môi trường; các dự án, khai thác khoáng sản…. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 vốn Trung ương hỗ trợ cho địa phương, đã hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư phát triển 1.428 tỷ đồng cho 17 dự án bảo quản, tu bổ phục hồi di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu ở 15 địa phương, hiện nay đang được các địa phương triển khai.
Di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn; quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại di tích đã có những bước tiến rõ rệt hơn, số vụ mất cắp cổ vật tại di tích đã giảm hẳn cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng; tình trạng thăm dò, khai quật khảo cổ không phép, đào bới làm sai lệch hoặc hủy hoại địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ, trao đổi, mua bán và vận chuyển trái phép di vật khảo cổ đã giảm hẳn.
Bốn là, di sản văn hóa đã khẳng định vai trò, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế và đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường. Trong số các di tích, không ít di sản có các khu vực bảo vệ rộng lớn và còn gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng về động, thực vật, nước, hang động, rừng, không khí (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Yên Tử, Vườn Quốc gia Cát Tiên)..., góp phần quan trọng vào việc đảm bảo môi trường bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam), Tràng An (Ninh Bình) - chính quyền và nhân dân địa phương đã đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại, tạo sinh kế cho người dân khu vực có di sản có thu nhập và đời sống kinh tế ổn định. Tại các khu di sản còn hình thành các tuyến, điểm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch làng vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái..., vừa tạo ra sản phẩm du lịch văn hóa mới, vừa góp phần giảm tải cho các khu vực vùng lõi di sản. Năm 2024, chỉ tính riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14.802.132 khách du lịch (trong đó có 6.395.510 khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 7.749 tỷ đồng.
Năm 2024, nhiều bảo tàng đã tích cực, chủ động đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày và giáo dục di sản văn hóa trên không gian số, điển hình là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc cho giải pháp không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến VAES); Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đã có 123 số tương đương với 123 câu chuyện về hiện vật cung cấp nội thuyết minh tối đa 8 tiếng sau khi khách tham quan tải app và quét mã vé... Nhiều bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh đã vươn lên trở thành điểm đến thường xuyên của các tua, tuyến du lịch, đó là Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng… Đặc biệt, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (nhiều năm liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách tham quan và đã từng bình chọn trong các danh sách cấp độ quốc tế như "Bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á", "Bảo tàng tốt nhất thế giới năm 2018") vẫn tiếp tục giữ vững vị thế trong năm 2024. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Namvới kiến trúc độc đáo, công nghệ hiện đại, nội dung và hình thức trưng bày hiện đại, tiệm cận trình độ quốc tế đã lập kỷ lục đón khách tham quan lên tới 40.000 lượt/ngày - đây là con số chưa từng được ghi nhận tại bất kỳ bảo tàng nào của Việt Nam (thậm chí vượt xa lượng khách trung bình một ngày của nhiều bảo tàng đông khách nhất trên thế giới).
Năm là, di sản văn hóa Việt Nam đã khẳng định vai trò, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Di sản văn hóa Việt Nam đã góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định uy tín và kinh nghiệm với thế giới, tạo nên mô hình mẫu trong quản lý di sản văn hóa, vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và bảo vệ môi trường theo đánh giá của UNESCO. Tham gia 4/6 công ước về văn hóa và di sản văn hóa của UNESCO, các chuyên gia của Việt Nam đã ứng cử và được các quốc gia thành viên các Công ước của UNESCO (hơn 190 quốc gia) tín nhiệm bầu giữ các trọng trách quan trọng trong Ủy ban Di sản thế giới của Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2023-2027, Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á Thái Bình Dương 02 nhiệm kỳ 2020-2024, 2024-2026 và là thành viên Hội đồng tư vấn AIC của UNESCO thẩm định các hồ sơ di sản tư liệu trình ghi danh nhiệm kỳ 2024-2026. Việt Nam là thành viên tích cực của Hội đồng Bảo tàng quốc tế (ICOM).
Một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay đối với di sản văn hóa
Nhận thức xã hội về di sản văn hóa chưa thật sự đồng đều, sâu sắc và toàn diện, nhất là trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; việc tuyên truyền, quảng bá về di sản văn hóa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Nguồn lực đầu tư cho di sản văn hóa còn chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn; kinh phí đầu tư cho hoạt động tu bổ di tích còn thấp dẫn đến tình trạng một số di tích bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Nguồn nhân lực thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu.
Ở một số nơi, một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa. Hoạt động đăng ký di vật, cổ vật chưa thực sự tương xứng với hiện trạng di vật, cổ vật hiện đang được lưu trữ trong cộng đồng, dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chưa được thực sự hiệu quả, minh bạch, đặc biệt trong xu hướng có nhiều hoạt động trao đổi, chuyển nhượng cổ vật, bảo vật có giá trị cao.
Nguy cơ mai một di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu còn cao, ngày càng xuất hiện nhiều các yếu tố tác động là nguyên nhân dẫn tới sự mai một của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.
Hoạt động buôn bán trái phép cổ vật có nguồn gốc ở Việt Nam vẫn đang diễn ra tại một số thị trường buôn lậu quốc tế, chủ yếu là các cổ vật có giá trị bị đưa ra khỏi Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo tàng. Việc tổ chức hoạt động dịch vụ của bảo tàng dù đã có trong quy định của pháp luật về di sản văn hóa nhưng vẫn vướng mắc trong triển khai.
Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới
Một là,tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả Luật Di sản văn hóa 2024 sau khi Luật có hiệu lực thi hành; triển khai hiệu quả các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025"; "Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030".
Hai là, tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các tỉnh/thành phố xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận, ghi danh di sản văn hóa tại các Danh sách của UNESCO.
Ba là,thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện các dự án, công trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và các công trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của các địa phương.
Bốn là, phối hợp với các cơ quan, các tổ chức quốc tế xây dựng danh mục di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam có giá trị hiện đang bị lưu lạc ở nước ngoài. Từng bước đề xuất phương án thu hồi, mua, đưa những di vật, cổ vật này về nước theo Công ước 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; nghiên cứu đề xuất khả năng Việt Nam tham gia Công ước UNESCO 2001 về Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và Công ước UNIDROIT để đẩy mạnh, hoàn thiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước và tìm kiếm, hồi hương di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam về nước.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; tổ chức liên hoan trình diễn, triển lãm về di sản văn hóa; tăng cường các hoạt động trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa tại các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài và các bảo tàng có quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Sáu là, tăng cường công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực, trình độ khoa học cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa thông qua các cuộc tập huấn, đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở trong và ngoài nước.
Bảylà, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử: "Mỗi di sản văn hóa của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản đồ di sản số để mỗi người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số"./.