Dấu ấn chuyến công tác của Chủ tịch nước tới Mỹ, Cuba

Chủ tịch nước đã tạo động lực, luồng sinh khí mới khi thăm Cuba; có phát biểu quan trọng ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, lãnh đạo các nước khi ở New York.

Những con số ấn tượng này được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề cập khi trao đổi với báo chí sau chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.

Tối 25/9 giờ Việt Nam, chuyên cơ chở Chủ tịch nước đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc chuyến thăm, làm việc kéo dài 7 ngày tại hai nước Cuba và Mỹ.

Thúc đẩy ngoại giao vaccine, kêu gọi hỗ trợ vật tư y tế chống dịch

- Với lị ch trình dày đặc trong 7 ngày công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, kết quả thu được sau chuyến đi là gì, thưa Bộ trưởng?

- Chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu có nhiều ý nghĩa sâu sắc, đạt được tất cả mục tiêu đề ra và mang lại kết quả toàn diện, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước hết, chuyến công tác góp phần tích cực thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIII, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam.

Trong đó, chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba của Chủ tịch nước tạo động lực và luồng sinh khí mới thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt giữa hai nước.

Minh chứng nổi bật nhất là dù nguồn vaccine trong nước chưa đủ cho toàn dân, Cuba đã cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine Abdala và chuyển giao công nghệ sản xuất cho Việt Nam, trước mắt giao ngay một triệu liều trong chuyến thăm.

Còn Việt Nam dù đối mặt không ít khó khăn, đã tặng nhân dân Cuba 23.000 tấn gạo từ khi dịch Covid-19 bùng phát, riêng trong chuyến thăm này, Việt Nam tặng nước bạn 6.000 tấn gạo cùng một số thiết bị, vật tư y tế, giống ngô lai, máy tính…

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Thuận Thắng.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Thuận Thắng.

Trong chuyến công tác tại Mỹ dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, Chủ tịch nước đã có những phát biểu quan trọng. Qua đó, chúng ta khẳng định với bạn bè quốc tế về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển và vươn lên, có trách nhiệm và đóng góp một cách tích cực và xây dựng vào các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển bền vững trong và sau đại dịch.

Các thông điệp, đề xuất của Chủ tịch nước tại phiên họp của Liên Hợp Quốc được nhiều lãnh đạo các nước, các đối tác chia sẻ, đánh giá cao và hưởng ứng tích cực.

Trong chuyến công tác, chúng ta đã tranh thủ tối đa các phiên họp tại Liên Hợp Quốc để gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước, tổ chức quốc tế, củng cố cục diện đối ngoại vững chắc, ổn định.

Trong hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới.

Lãnh đạo các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương trong đoàn rất chủ động, tích cực gặp gỡ lãnh đạo đối tác liên quan, trong đó có khoảng 20 bộ trưởng ngoại giao các nước.

Đặc biệt, đoàn công tác do Chủ tịch nước dẫn đầu đã tranh thủ được sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng quốc tế cho phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

 Việt Nam ký hợp đồng chính thức mua 5 triệu liều vaccine Abdala do Cuba sản xuất. Ảnh: Hoài Thu.

Việt Nam ký hợp đồng chính thức mua 5 triệu liều vaccine Abdala do Cuba sản xuất. Ảnh: Hoài Thu.

Vận động hỗ trợ vaccine và phòng, chống dịch bệnh là chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của đoàn ở các cấp, các kênh. Bên cạnh một triệu liều vaccine Abdala của Cuba chuyển về nước theo chuyên cơ của Chủ tịch nước, nhiều đối tác đã cam kết viện trợ và bán vaccine cho Việt Nam. Cụ thể như Hàn Quốc cam kết hỗ trợ và sẽ giao hơn một triệu liều vào giữa tháng 10/2021, Hungary cam kết giao ngay 400.000 liều…

Ngoài vaccine, đoàn công tác đã thúc đẩy nhiều đối tác hỗ trợ vật phẩm y tế như tập đoàn Northwestern Medicine hỗ trợ thiết bị y tế trị giá 3,8 triệu USD; Công ty Thermo Fisher cung cấp 270.000 bộ test kit trị giá 2 triệu USD...

Ngoài ra, việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều tập đoàn hàng đầu đã thúc đẩy các đối tác ký kết nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD với doanh nghiệp Việt Nam ngay trong chuyến thăm, tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ưu tiên hàng đầu là hợp tác đẩy lùi đại dịch

- Sau chuyến thăm chính thức Cuba lần này, hai nước sẽ tập trung vào những định hướng và trọng tâm hợp tác nào để thúc đẩy quan hệ trong bối cảnh mới , thưa ông ?

- Hai nước trước hết tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ hữu nghị truyền thống trên tất cả lĩnh vực. Cùng với đó, phát huy tối đa các cơ chế hiện có để tăng cường trao đổi lý luận, kinh nghiệm thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Cuba các bài học, kinh nghiệm của mình trong tiến hành đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In bên lề phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Moon Jae-In tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam hơn một triệu liều vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Hoài Thu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In bên lề phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ông Moon Jae-In tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam hơn một triệu liều vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Hoài Thu.

Hai nước cũng sẽ đẩy mạnh mở rộng hợp tác kinh tế, trong đó, trọng tâm là hợp tác nông nghiệp, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, du lịch, y tế, dược phẩm, vaccine... Việt Nam trong khả năng của mình tiếp tục thúc đẩy hợp tác, góp phần hỗ trợ Cuba bảo đảm an ninh lương thực.

Việt Nam - Cuba sẽ tiếp tục đoàn kết, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao vị thế của mỗi nước.

- Với kết quả sau khi dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76, theo ông, Việt Nam tới đây có thể đóng góp như thế nào cho Liên Hợp Quốc và các công việc chung của thế giới?

- Sẽ có nhiều việc cần làm, nhưng trước hết chúng ta cần ưu tiên một số vấn đề.

Thứ nhất là tăng cường tham gia sâu rộng, chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc, khẳng định và phát huy vai trò với bản sắc riêng của Việt Nam thông qua các sáng kiến thiết thực, cùng quốc tế thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động.

Chúng ta sẽ cố gắng hết sức mình bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Việt Nam cần tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và triển khai ưu tiên hàng đầu, nhất là hợp tác đẩy lùi đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển bền vững, bao trùm sau đại dịch.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức Liên Hợp Quốc về nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm phát triển, nâng cao năng lực, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trong những năm năm tới.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-chuyen-cong-tac-cua-chu-tich-nuoc-toi-my-cuba-post1266035.html
Zalo