Dấu ấn cải cách hành chính
Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện khâu đột phá về 'Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn' giai đoạn 2021-2025. Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, 23 nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng đầu năm đã được hoàn thành. Đây là nền tảng quan trọng để Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại trong những tháng cuối năm.

Công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Hoằng Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Công tác chỉ đạo, điều hành được xem là “chìa khóa” quan trọng nhất quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách. Bởi thế, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để cụ thể hóa và phân công nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương. Dù phải thực hiện một khối lượng lớn công việc về sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng các ngành và các huyện, thị xã, thành phố (cũ) luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp.
Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, Thanh Hóa đã tập trung rà soát, đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền. Công tác kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử được triển khai đồng bộ. Trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, chuyển giao nhiệm vụ giữa các sở, ngành, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân vẫn diễn ra thông suốt. Các ban, sở, ngành chủ động phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh triển khai kịp thời, đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền của mỗi ngành sau khi công bố đều có quy trình nội bộ và quy trình điện tử để thực hiện trên hệ thống. 100% hồ sơ TTHC do cơ quan Nhà nước tiếp nhận, giải quyết được công khai tiến độ, kết quả giải quyết để tổ chức, công dân theo dõi. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tiếp nhận 508.350 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 408.503 hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 405.750 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,33%.
Công tác xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số được thực hiện toàn diện gắn với các nhiệm vụ cải cách hành chính. Hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư, nâng cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng ngày càng hiệu quả. Các phần mềm chuyên ngành trên địa bàn tỉnh được kết nối liên thông với hệ thống của quốc gia. Để bảo đảm tính minh bạch, công khai, Thanh Hóa duy trì hoạt động của Cổng dữ liệu mở để phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, người dân tra cứu, khai thác, sử dụng miễn phí các dữ liệu do cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp.
Nhằm tạo đà phát triển cho kinh tế số, xã hội số và quá trình chuyển đổi số được thuận lợi, các địa phương, đơn vị tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch về y tế, giáo dục, điện, nước... Hiện nay, Thanh Hóa đã triển khai nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (telehealth) cho các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai KIOSK khám, chữa bệnh thông minh; triển khai một số mô hình chuyển đổi số như “làng số”, “thôn thông minh”..., tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển đổi số. Phần lớn các điểm du lịch được lắp đặt wifi miễn phí và xây dựng QR Code phục vụ du khách tra cứu, tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan, địa phương, đơn vị khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hạ tầng mạng, hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. 166 xã, phường mới thành lập đã được cấp mã định danh điện tử để kết nối, liên thông các phần mềm và được đăng ký thiết bị mã hóa để hoạt động đồng bộ, bảo mật cao. Hạ tầng cài đặt phần mềm và lưu trữ dữ liệu được bổ sung thêm dung lượng để tăng cường cho hệ thống; hạ tầng mạng nội bộ (LAN), hệ thống phòng họp trực tuyến, trang thiết bị ký số, trang thông tin điện tử của các đơn vị được khởi tạo, xây dựng, phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp hoạt động hiệu quả.
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, ngày 27/6/2025, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã đóng giao diện Cổng dịch vụ công tỉnh để đưa vào vận hành chính thức trên Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 1/7/2025. Đây trở thành điểm “một cửa số” duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến của quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Cùng với đó, trung tâm đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức 166 xã, phường; xây dựng tài liệu, video mẫu hướng dẫn xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn Lê Trọng Trường cho biết: “Sau sắp xếp, sáp nhập, hệ thống công nghệ thông tin được xã đầu tư đồng bộ; đội ngũ cán bộ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công xã được tập huấn quy trình giải quyết TTHC mới, đặc biệt là quy định về giải quyết TTHC phi địa giới hành chính theo Nghị định số 118/2025/NĐ-CP của Chính phủ. Với dân số đông nên trong thời gian đầu thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, xã đã bố trí thêm đoàn thanh niên, công an xã hướng dẫn người dân thực hiện các TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhân viên VNPT Thanh Hóa cũng thường trực để xử lý các vấn đề liên quan đến hạ tầng mạng, bảo đảm các TTHC không bị gián đoạn”.
Những kết quả mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong những tháng đầu năm là rất phấn khởi. Với quyết tâm cao, Thanh Hóa sẽ tiếp tục khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành nhằm thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu “gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ”.