Dấu ấn 15 năm - Nơi chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình

Trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chiều nay 18.4 đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác phối hợp với các địa phương huy động đồng bào dân tộc tham gia tổ chức hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam do Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) tổ chức. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, 15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, 15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: 15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sông động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương.

Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét thông qua những con số biết nói, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, với hàng chục nghìn lượt đồng bào từ khắp mọi miền đất nước đã về đây, mang theo phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống, nghi lễ đặc trưng của cộng đồng... đã góp phần tạo nên không gian văn hóa phong phú, đặc sắc trên khắp các bản, buôn làng tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, phương châm để "chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình" được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn như Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc", Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần "Đại đoàn kết - Di sản Văn hóa Việt Nam"...

Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, những chương trình điểm nhấn, hoạt động hàng ngày như: lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian... đã "thổi hồn" vào từng nếp nhà ở "Ngôi nhà chung" Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam và quan trọng hơn là đã đưa giá trị văn hóa của các dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

“Có được những kết quả đáng khích lệ ấy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa VHTTDL với các địa phương trên cả nước, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo và đặc biệt là sự đồng hành tâm huyết, trách nhiệm, bền bỉ của đồng bào các dân tộc - những hạt nhân văn hóa giữ lửa và truyền lửa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở địa phương và tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.

Tính đến năm 2025, Làng đã huy động được 16 nhóm cộng đồng các dân tộc với gần 150 nghệ nhân, đồng bào về đây sinh sống, duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên.

Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp với các địa phương, tăng cường kết nối, đảm bảo nhân lực, nội dung, chất lượng chương trình, để từng hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn giàu bản sắc và mang dấu ấn riêng.

Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho các địa phương đã có thành tích tiêu biểu trong công tác phối hợp huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng trong giai đoạn 2015 - 2024

Bộ VHTTDL tặng Bằng khen cho các địa phương đã có thành tích tiêu biểu trong công tác phối hợp huy động đồng bào các dân tộc về tổ chức hoạt động tại Làng trong giai đoạn 2015 - 2024

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu rõ, ngày 17.9.2024, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư số 05/2024/TT-BVHTTDL, quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng và định mức chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày cho đồng bào được mời tham gia hoạt động tại Làng.

Đây là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ và là kết quả nỗ lực của toàn thể tập thể lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong việc cụ thể hóa chính sách thành hiện thực. Nhờ đó, bà con yên tâm gắn bó lâu dài, coi Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam là "quê hương thứ hai" của mình.

“Nhìn lại hành trình 15 năm thực hiện công tác huy động, gắn bó, đồng hành cùng đông bào dân tộc cho thấy khi có sự phối hợp nhịp nhàng, cộng đồng trách nhiệm, luôn đổi mới, sáng tạo giữa Bộ VHTTDL, các địa phương và cộng đồng các dân tộc thì việc bảo tồn và phát huy văn hóa mới thật sự hiệu quả, bên vững. Tôi mong muốn, từ Hội nghị này, chúng ta cùng xác lập một định hướng phát triển lâu dài, bền vững hơn để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là điểm đến văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc và mang tính nhân văn sâu sắc”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Từ năm 2020, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mời luân phiên 16 nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số về sinh hoạt, biểu diễn và tái hiện đời sống truyền thống tại Làng

Từ năm 2020, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã mời luân phiên 16 nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số về sinh hoạt, biểu diễn và tái hiện đời sống truyền thống tại Làng

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Chung, Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bộ VHTTDL) cho biết, từ năm 2010 đến nay, ba sự kiện văn hóa thường niên được tổ chức tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm: Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, sự kiện “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19.4) và “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam”.

Từ năm 2020, Làng đã mời luân phiên 16 nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số về sinh hoạt, biểu diễn và tái hiện đời sống truyền thống tại Làng theo hợp đồng 3 - 6 tháng.

Các nhóm dân tộc gồm: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Khơ Mú, Thái, Lào, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Raglai, Ê Đê, Khmer… với số lượng từ 6 - 8 người/nhóm.

Tính đến cuối năm 2024, Làng đã huy động gần 9.000 nghệ nhân, già làng, trưởng bản từ 350 lượt địa phương, đại diện cho 481 lượt dân tộc. Đặc biệt, chú trọng mời đồng bào các dân tộc ít người tham gia.

Đã có 101 hoạt động chuyên đề, sự kiện theo tháng được tổ chức với nhiều chủ đề phong phú như “Bác Hồ với Tây Nguyên”, “Biển đảo trong lòng đồng bào”, “Vui Tết Độc lập”, “Món ngon đầu năm”… cùng hơn 230 lễ hội, nghi lễ truyền thống được tái hiện.

Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, hiện đã có 61/63 tỉnh, thành phối hợp tổ chức các hoạt động tại Làng. Nhiều địa phương có tần suất tham gia cao như: Sơn La (47 lần), Hà Giang (31), Hòa Bình (25), Đắk Lắk (22), Kon Tum (18), Ninh Thuận (17), Lai Châu (16), Sóc Trăng (14)…

Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh giới thiệu nhạc cụ dân tộc Xơ đăng cho khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh giới thiệu nhạc cụ dân tộc Xơ đăng cho khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Một số chương trình lớn để lại dấu ấn như: Lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), đua ngựa dân tộc Mông (Lào Cai), tái hiện chợ nổi Nam Bộ (Cần Thơ), khánh thành quần thể Tháp Chăm – Chùa Khmer (Ninh Thuận, Sóc Trăng), các ngày hội văn hóa vùng miền…

Giai đoạn đến 2030, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu mời thường xuyên 40–50% thành phần dân tộc trong tổng số 54 dân tộc Việt Nam tham gia sinh hoạt hằng ngày, mỗi nhóm tối thiểu 8 người, đảm bảo tính đại diện vùng miền và luân phiên giữa các cộng đồng.

“Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp, ưu tiên lựa chọn Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương; đồng thời đưa nội dung huy động đồng bào tham gia hoạt động tại Làng vào kế hoạch hằng năm”, ông Trịnh Ngọc Chung nói.

Bên cạnh các tham luận, đóng góp từ các địa phương, ý kiến của các đồng bào dân tộc đang sinh sống tại Làng cũng được Hội nghị quan tâm.

Gắn bó với Làng suốt hơn 10 năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh (dân tộc Xơ đăng) cho biết, Làng không chỉ là nơi giúp thể hiện lòng yêu mến và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là cơ hội để góp phần quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc và địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Nhiều năm trước, vấn đề kinh phí sinh hoạt là điều những người như bà Y Sinh trăn trở. Những năm về trước, có thời điểm mức hỗ trợ chỉ 1.500.000đ/người/tháng và cao nhất là 3.000.000đ/người/tháng.

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của bà con tại Làng mà còn cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân tộc

Việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của bà con tại Làng mà còn cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân tộc

Từ ngày 15.9.2024 nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL và lãnh đạo Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng bào sinh sống tại Làng đã được nhận mức hỗ trợ là 4.800.000đ/người/tháng theo Thông tư 05 của Bộ VHTTDL.

Đây là mức hỗ trợ rất đáng quý bởi hầu hết bà con đều sống dựa vào mức hỗ trợ từ Làng. Trong khi đó, đời sống của đồng bào còn khó khăn, một số địa phương vẫn chưa có chính sách hỗ trợ riêng.

Cùng với đó, bà Y Sinh cho rằng, khó khăn lớn nhất chính là việc huy động nhân sự tham gia hoạt động. Hiện tại, hầu hết các nhóm đồng bào đang sinh hoạt tại Làng đều do trưởng nhóm tự vận động bà con từ địa phương, nên nguồn nhân sự không ổn định, số lượng còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều.

Một số thành viên chưa thực sự am hiểu sâu về văn hóa truyền thống, thiếu kỹ năng giao tiếp, biểu diễn, giới thiệu. Thực tế đã có những thời điểm, do không đủ người hoặc nhân sự chưa được đào tạo bài bản, nên các hoạt động như: giới thiệu văn hóa dân tộc, biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn nghề thủ công truyền thống, tái hiện lễ hội...

Từ những thực tế đó, Nghệ nhân ưu tú Y Sinh đề xuất các địa phương hỗ trợ trong công tác tuyển chọn, giới thiệu nhân sự đảm bảo đúng tiêu chí. Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia hoạt động tại Làng, đặc biệt là những nghệ nhân, người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, một vấn đề cũng rất thiết thực là thiếu hiện vật trưng bày. Mỗi ngôi nhà dân tộc tại Làng chính là một “bảo tàng sống” thu nhỏ. Nhưng để nhà có hồn, để khách đến là thấy được cái hồn của văn hóa dân tộc, thì rất cần thêm hiện vật, từ nông cụ, nhạc cụ, đồ sinh hoạt truyền thống cho đến trang phục, đạo cụ lễ hội...

“Chúng tôi hiểu rằng việc bảo tồn văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm của bà con tại Làng mà còn cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các cơ quan quản lý và cộng đồng dân tộc. Vì vây, chúng tôi mong sẽ luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên từ các địa phương để những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc tiếp tục được giữ gìn, phát huy và lan tỏa rộng rãi tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, Nghệ nhân Ưu tú Y Sinh nói.

HUY AN; ảnh: TUẤN MINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/dau-an-15-nam-noi-chu-the-van-hoa-tu-gioi-thieu-ve-minh-128473.html
Zalo