Đặt tên xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính: Gìn giữ và tạo nên những 'thương hiệu' mới

Một trong những nội dung được nhiều người đặc biệt quan tâm khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là lựa chọn tên gọi cho các xã sau sáp nhập. Đây không đơn thuần là việc thay đổi địa danh, mà còn là cơ hội để gìn giữ hồn cốt văn hóa, đồng thời kiến tạo nên những 'thương hiệu' mới-vừa mang tính kế thừa, vừa gắn với chiến lược phát triển của địa phương trong thời kỳ mới.

Sắp xếp đơn vị hành chính được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian, thúc đẩy phát triển cho các địa phương. Trong ảnh: Một góc của xã Khánh Hòa (Yên Khánh).

Sắp xếp đơn vị hành chính được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian, thúc đẩy phát triển cho các địa phương. Trong ảnh: Một góc của xã Khánh Hòa (Yên Khánh).

Trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính, Ninh Bình cũng đã và đang từng bước thực hiện quá trình này với tinh thần thận trọng, hiệu quả và bền vững. Đây là yêu cầu cấp thiết trong tiến trình cải cách hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân; đồng thời góp phần mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương. Khi hai hay nhiều đơn vị hành chính sáp nhập thành một, ngoài việc sắp xếp cán bộ, trụ sở, tài sản, đất đai thì việc lựa chọn tên gọi mới trở nên vô cùng quan trọng.

Tên gọi của một địa phương không đơn giản chỉ là ký hiệu hành chính để xác lập ranh giới quản lý, mà còn mang bản sắc văn hóa, chiều dài lịch sử và tinh thần của cộng đồng cư dân nơi đó. Do đó lựa chọn tên gọi vừa đảm bảo tính khoa học, vừa giữ gìn bản sắc, lại có khả năng kiến tạo “thương hiệu” mới và tạo sự đồng thuận rộng rãi trong Nhân dân là một vấn đề cần được cân nhắc thận trọng.

Theo Nghị quyết số 1318 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 tại huyện Yên Khánh, thành lập xã Khánh Thiện trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Khánh Tiên vào xã Khánh Thiện. Xã Khánh Thiện bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/1/2025. Khánh Tiên và Khánh Thiện có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, truyền thống văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán và vị trí địa lý.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Khánh Tiên, Khánh Thiện là một khu du kích kháng chiến trọng điểm của huyện Yên khánh, luôn kiên cường chiến đấu chống giặc, lập được nhiều thành tích và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lịch sử trước đây ghi nhận, hai địa phương thuộc một đơn vị hành chính với nhiều lần tách, nhập theo tên Khánh Thiện. Do đó, tên gọi này sau khi sáp nhập là phù hợp và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Đồng chí Phạm Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện chia sẻ: “Khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, địa phương đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, Nhân dân hiểu và đồng thuận về chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tên gọi Khánh Thiện sau khi sáp nhập Khánh Thiện và Khánh Tiên có nhiều thuận lợi: đảm bảo yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa, giúp ổn định tâm lý người dân khi làm quen với bộ máy mới và thuận tiện trong công tác quản lý nhà nước, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ pháp lý”.

Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 quy định việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.

Tỉnh Ninh Bình dự kiến sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sẽ còn 39 đơn vị (gồm 8 phường và 31 xã), giảm 86 đơn vị so với hiện tại. Trước khi quyết định tên gọi mới, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân. Trong quá trình lấy ý kiến, tỉnh đã tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân và chỉ đạo huyện Yên Khánh, Yên Mô dừng phương án đặt tên gọi các xã mới theo số thứ tự, tập trung nghiên cứu tên mới theo hướng gắn với địa danh.

Việc đặt tên theo đơn vị hành chính mới đảm bảo bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tiễn ở địa phương, phù hợp quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý-tự nhiên và cộng đồng dân cư. Có nơi giữ nguyên tên xã có truyền thống lâu đời, có nơi lựa chọn tên mới mang tính bao quát và trung lập, có nơi kết hợp tên gọi của các xã cũ, hoặc chọn tên gợi mở hướng phát triển mới.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã huyện Gia Viễn năm 2025, thành lập 6 xã gồm xã Gia Viễn, xã Đại Hoàng, xã Gia Hưng, xã Gia Phong, xã Gia Vân, xã Gia Trấn. Bên cạnh những địa danh quen thuộc, xã Tiến Thắng, xã Gia Phương, xã Gia Trung sẽ sáp nhập và đổi tên thành xã Đại Hoàng. Việc lấy tên mới dựa trên yếu tố lịch sử địa phương, Đại Hoàng từng là tên gọi của các xã này, làng Đại Hoàng (xã Gia Phương) là nơi sinh của vua Đinh Tiên Hoàng-vị anh hùng dân tộc, người lập nên nhà nước Đại Cồ Việt xưa.

Ông Đào Văn Duy, Thủ từ Đền thờ vua Đinh bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất đồng tình khi xã mới có tên Đại Hoàng-địa danh gắn liền với vùng đất "địa linh" sinh hoàng đế, về truyền thống cách mạng quê hương. Tên gọi mới lưu giữ hồn cốt làng quê, mang chiều sâu văn hóa, giúp kết nối lịch sử với hiện tại sau khi các xã được sáp nhập”. Với tên gọi mang “thương hiệu” như Đại Hoàng, địa phương sẽ có thêm lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương, xây dựng các chương trình giáo dục truyền thống. Người dân tin rằng tên gọi này sẽ góp phần tạo ra bước phát triển mới, gắn với lòng tự hào và bản sắc quê hương.

Việc đặt tên làng, xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có ý nghĩa quan trọng, không chỉ giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương mà còn là biểu tượng cho khát vọng đổi mới, vươn lên phát triển, trở thành niềm tự hào, là động lực thúc đẩy mỗi người dân chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Hồng Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dat-ten-xa-sau-khi-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-gin-giu-va-tao-513481.htm
Zalo