Chuyên gia: Đặt tên phường ở Hà Nội sau sắp xếp là quyết định 'nhạy cảm, sâu sắc'
Chỉ có 2/126 xã, phường ở Hà Nội đổi tên sau sắp xếp, trong đó nhiều tên được giữ lại, theo chuyên gia, điều này thể hiện sự coi trọng ký ức tập thể, lấy con người làm trung tâm, đặt lòng dân làm gốc.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với VietNamNet xung quanh câu chuyện đặt tên xã, phường ở Hà Nội.
Nhiều địa phương đang tiến hành sắp xếp, đặt tên cho đơn vị hành chính cấp xã. Theo ông tên gọi địa giới hành chính có ý nghĩa như thế nào đối với dòng chảy lịch sử, văn hóa?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Tên gọi địa giới hành chính không chỉ là một ký hiệu để quản lý nhà nước, sâu xa hơn nó mang trong mình cả một dòng chảy lịch sử, một lớp trầm tích văn hóa của từng vùng đất.
Mỗi tên gọi đều gắn với những câu chuyện, những ký ức, những dấu ấn mà qua thời gian đã trở thành một phần của tâm hồn cộng đồng cư dân địa phương.
Một cái tên hay, giàu ý nghĩa, dễ gợi nhớ, không chỉ giúp cư dân địa phương thêm tự hào, thêm yêu mến quê hương mình, mà còn gây ấn tượng với du khách, với bạn bè bốn phương. Đó là lý do vì sao nhiều địa phương nổi tiếng trên thế giới đã gìn giữ tên gọi của mình qua hàng trăm năm, coi đó như một phần “thương hiệu” không thể thay thế.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: Lê Anh Dũng
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua phương án sắp xếp, đặt tên 126 xã phường mới. Trong đó, nhiều tên được giữ lại, ông đánh giá như thế nào về việc giữ tên này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc HĐND TP Hà Nội thông qua phương án sắp xếp, đặt tên 126 xã phường mới, đặc biệt giữ lại nhiều tên gọi quen thuộc như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Ngọc Hà, Hai Bà Trưng, Ba Vì… là một quyết định rất đáng trân trọng.
Điều đó thể hiện sự nhạy cảm, sâu sắc và tinh tế của những người làm quản lý đối với đời sống tinh thần của người dân. Bởi theo tôi, tên gọi không chỉ là một dấu hiệu hành chính, không chỉ là cái tên trên bản đồ hay biển hiệu, mà còn là ký ức, là niềm tự hào, là phần linh hồn của mỗi vùng đất và của những người gắn bó với nơi ấy.
Những tên gọi như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Ba Vì không chỉ có ý nghĩa đối với cư dân địa phương, còn mang giá trị biểu tượng trong tâm thức người dân cả nước. Chúng gắn liền với lịch sử, với những sự kiện trọng đại, với những câu chuyện, những giá trị văn hóa đã bồi đắp qua nhiều thế hệ. Việc giữ lại những tên gọi ấy chính là giữ lại một phần ký ức tập thể, giữ lại niềm tự hào và sự gắn kết cộng đồng.
Đây cũng là cách để khi khách du lịch, những người con xa quê trở về, vẫn nhận ra bóng dáng quê hương, vẫn thấy thân thuộc, vẫn tìm được mạch nối với quá khứ.
Bên cạnh đó, đây cũng là một thông điệp rất nhân văn gửi ra xã hội rằng: Đổi mới không có nghĩa là xóa bỏ quá khứ, cải cách không có nghĩa là phủ nhận truyền thống. Trái lại, phát triển bền vững là khi chúng ta biết trân trọng và kế thừa những giá trị đã được hun đúc qua thời gian, biết hòa quyện cái cũ và cái mới, để tạo ra một diện mạo mới nhưng vẫn giàu bản sắc.
Bên cạnh những tên gọi được giữ lại, Hà Nội cũng đặt nhiều tên mới: Hồng Hà, Bất Bạt... theo ông những tên mới này có làm mất đi sợi dây kết nối?
PSG.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng Hà Nội lựa chọn những tên gọi mới như Hồng Hà, Bất Bạt cho các xã phường sau sáp nhập là một quyết định rất đáng hoan nghênh và có nhiều tầng ý nghĩa sâu xa.
Đặt tên mới trong bối cảnh này không chỉ đơn thuần là để phân biệt địa giới hành chính, mà còn là một thông điệp gửi gắm khát vọng phát triển, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa – lịch sử của vùng đất.
Tôi nhận thấy tên gọi Hồng Hà, chẳng hạn, không chỉ gợi nhắc đến một dòng sông lớn mang phù sa bồi đắp cho đồng bằng Bắc Bộ, mà còn là một biểu tượng của sức sống mãnh liệt, của sự trường tồn, của dòng chảy lịch sử đã nuôi dưỡng nền văn minh Việt Nam qua bao đời.
Khi một phường, một xã mang tên Hồng Hà, đó không chỉ là tên gọi, mà là lời nhắc nhở về cội nguồn, về sức mạnh bền bỉ của thiên nhiên, của lòng người, và cũng là sự khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương.
Còn với tên Bất Bạt, đây không chỉ là tên một vùng đất cụ thể ở ngoại thành Hà Nội, mà còn mang một sắc thái rất riêng, rất độc đáo, gắn với những câu chuyện, những huyền tích, những giá trị địa phương đã tồn tại qua nhiều thế hệ.
Việc đưa những tên gọi như vậy vào danh mục chính thức của các đơn vị hành chính mới là cách tôn vinh, bảo tồn và làm giàu thêm kho tàng địa danh của Thủ đô, đồng thời tạo nên một diện mạo mới vừa giàu tính hiện đại, vừa đậm đà bản sắc.
Và điều quan trọng nhất khi đặt tên mới chính là phải lắng nghe, thấu hiểu và đồng thuận với người dân. Khi tên gọi mới không chỉ hợp lý về mặt quản lý mà còn chạm vào cảm xúc, niềm tin, khát vọng của cộng đồng thì nó sẽ thực sự sống trong lòng người dân chứ không chỉ là dòng chữ trên giấy tờ hành chính.
Theo phương án ban đầu chỉ có 2/126 xã của Hà Nội được đổi tên sau khi lấy ý kiến người dân. Điều này cho thấy việc đặt tên của Hà Nội ra sao, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Con số chỉ có 2/126 xã phường phải đổi tên sau khi lấy ý kiến người dân là một tín hiệu rất tích cực, phản ánh cách làm thận trọng, tôn trọng và đầy trách nhiệm của Hà Nội trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới. Điều này cho thấy Hà Nội đã nghiên cứu sâu sắc, thấu đáo trước khi công bố phương án đặt tên, chứ không phải làm một cách vội vàng hay áp đặt từ trên xuống.
Để đạt được sự đồng thuận cao như vậy, trước hết là nhờ Hà Nội đã bám sát thực tiễn, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ cộng đồng dân cư, từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các chuyên gia. Những cái tên được giữ lại phần lớn đều gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần, ký ức cộng đồng, niềm tự hào của người dân địa phương, nên dễ nhận được sự đồng thuận, sẻ chia. Đó là một cách làm rất đáng trân trọng.
Đây chính là biểu hiện rõ ràng của một tư duy phát triển có chiều sâu, coi trọng ký ức tập thể, lấy con người làm trung tâm, đặt lòng dân làm gốc.
Trong các công việc liên quan đến sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính, chuyện đặt tên tưởng chừng nhỏ, nhưng lại là vấn đề rất nhạy cảm, tác động trực tiếp tới cảm xúc, tâm lý của người dân. Vì thế, khi chính quyền có sự lắng nghe, đồng hành, giải trình cặn kẽ, để nhân dân hiểu, nhân dân đồng ý, sự đồng thuận gần như là tự nhiên, không cần cưỡng cầu. Hà Nội đã thực sự làm được điều đó.
Xin cảm ơn ông !