Đặt tên xã mới ở Thanh Hóa: Nơi đánh số, chỗ ghép tên
Thanh Hóa dự kiến sẽ có tên xã mới gắn liền với thương hiệu du lịch nổi tiếng - Pù Luông nhưng không còn xã Ba Đình – địa danh lịch sử từng được lựa chọn đặt tên cho quảng trường tại thủ đô Hà Nội
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn, ngày 20/4 ký ban hành công văn lấy ý kiến nhân dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Theo đó, phương án sắp xếp và tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp do Ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy đề xuất, đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân.

TP. Thanh Hóa dự kiến sẽ có 7 phường
Đợt này, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện sắp xếp 529 ĐVHC cấp xã (gồm 435 xã, 63 phường, 31 thị trấn) thành 166 ĐVHC cấp xã mới gồm: 18 phường và 148 xã (73 xã đồng bằng, 75 xã miền núi). Số xã, thị trấn giáp nước bạn Lào là 16 đơn vị. Toàn tỉnh giảm 381 ĐVHC cấp xã so với hiện nay, tương ứng giảm 69,65%.
Tên xã mới = tên huyện + số thứ tự
Thành phố Sầm Sơn dự kiến sắp xếp 10 phường và xã Quảng Giao thuộc huyện Quảng Xương và một phần địa giới hành chính của phường Quảng Cát thuộc thành phố Thanh Hóa thành 2 phường với tên gọi phường Sầm Sơn 1 và phường Sầm Sơn 2.
Tượng tự, thị xã Bỉm Sơn sắp xếp 7 phường, xã và xã Hà Vinh thuộc huyện Hà Trung thành 2 phường: Bỉm Sơn 1 và Bỉm Sơn 2. Thị xã Nghi Sơn sau sắp xếp từ 30 phường, xã sẽ có số lượng ĐVHC cấp xã nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa với 10 đơn vị, bao gồm 8 phường và 2 xã, đặt tên theo thứ tự từ phường Nghi Sơn 1 đến phường Nghi Sơn 8. 2 xã đặt tên là xã Nghi Sơn 9 và xã Nghi Sơn 10.

Sầm Sơn dự kiến có 2 phường sau sắp xếp ĐVHC. Trong ảnh là bãi tắm sẽ thuộc phường Sầm Sơn 1
6 huyện sử dụng công thức đặt tên xã mới = tên huyện + số thứ tự bao gồm: huyện Hà Trung: sắp xếp 18 xã, thị trấn thành 5 xã; huyện Nga Sơn sắp xếp 23 xã, thị trấn thành 6 xã; huyện Hoằng Hóa sắp xếp 36 xã, thị trấn thành 8 xã; huyện Yên Định sắp xếp 25 xã, thị trấn và một phần địa giới hành chính của xã Thiệu Long thuộc huyện Thiệu Hóa thành 7 xã; huyện Vĩnh Lộc sắp xếp 13 xã, thị trấn thành 3 xã; huyện Ngọc Lặc sắp xếp 21 xã, thị trấn thành 6 xã…
Bên cạnh đó, một số huyện cũng lựa chọn phương án theo gợi ý của Bộ Nội vụ, giữ lại tên huyện đặt cho 1 xã mới, giữ nguyên một số xã cũ trong quá trình sắp xếp để tránh sự xáo trộn về thủ tục hành chính tại cơ sở.
Tên mới lưu giữ giá trị lịch sử, mở ra dư địa phát triển
Một số huyện ở Thanh Hóa trình phương án tên gọi không đánh số thứ tự, thay vào đó, đặt tên xã mới trên cơ sở lấy lại tên địa danh cũ từng gắn bó với lịch sử, truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức người dân địa phương như xã Lưu Vệ, huyện Quảng Xương. Lưu Vệ vốn là “thủ phủ” của huyện Quảng Xương qua nhiều thời kỳ. Xã Lưu Vệ mới bao gồm xã Quảng Đức, xã Quảng Định và thị trấn Tân Phong, sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 26,84 km2, quy mô dân số là 40.381 người.
Huyện Lang Chánh thành lập xã Linh Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Trí Nang và thị trấn Lang Chánh. Linh Sơn là tên gọi mới được lựa chọn từ địa danh cũ “Chí Linh Sơn”, nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Nhiều năm qua, huyện Lang Chánh đang khôi phục lễ hội Chí Linh Sơn và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị lịch sử tại khu vực này. Huyện Thạch Thành giữ nguyên tên xã Ngọc Trạo, di tích chiến khu cách mạng nổi tiếng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Ngọc Trạo, Thành An, Thành Long, Thành Tâm.

Bá Thước sẽ có xã mới mang tên Pù Luông, một địa điểm du lịch nổi tiếng của xứ Thanh
Địa bàn huyện Bá Thước sẽ có xã mới mang tên khu du lịch nổi tiếng Pù Luông cũng sẽ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn. 3 xã Lương Nội, Lương Trung, Lương Ngoại cũng được sắp xếp với tên gọi mới xã Quý Lương. Tương tự, huyện Nông Cống đặt tên mới cho 2 xã mới là Thắng Lợi (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Trung Thành, Tế Nông, Tế Thắng, Tế Lợi) và Trường Văn (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Trường Minh, Trường Trung, Trường Sơn, Trường Giang). Huyện Hậu Lộc thành lập xã Vạn Lộc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Minh Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc.
Tiếc địa danh Hải Tiến và Ba Đình?
Sau sắp xếp, huyện Hoằng Hóa còn 8 xã, đặt tên theo công thức: tên huyện + số thứ tự. Theo đó, các xã thuộc khu du lịch biển Hải Tiến sẽ được đặt tên mới là xã Hoằng Hóa 2. Nhiều ý kiến người dân và đại diện doanh nghiệp kinh doanh du lịch bày tỏ tiếc nuối khi không có xã mới mang tên Hải Tiến để tiện cho việc xây dựng thương hiệu, mở ra dư địa phát triển.

Phương án sắp xếp ĐVHC của huyện Hoằng Hóa không có xã Hải Tiến
Tại huyện Nga Sơn, xã Ba Đình sẽ thuộc xã Nga Sơn 6 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã: Ba Đình, Nga Vịnh, Nga Trường, Nga Thiện. Như vậy, địa danh Ba Đình không còn tồn tại với tư cách đơn vị hành chính. Đây là tên gọi gắn với cuộc khởi nghĩa thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu lẫm liệt của các nghĩa sỹ trong phong trào Cần Vương. Tên cuộc khởi nghĩa này sau đó còn được lựa chọn đặt tên cho quảng trường Ba Đình tại thủ đô Hà Nội.
Tại thành phố Thanh Hóa, tên Ba Đình cũng không còn tồn tại với tư cách đơn vị hành chính. Thay vào đó, phường Ba Đình sẽ nhập với các phường Trường Thi, Phú Sơn, Điện Biên, Lam Sơn, Ngọc Trạo, Đông Sơn, Đông Hương, Đông Hải và một phần phường Đông Thọ, một phần phường Đông Vệ để trở thành ĐVHC mới có tên gọi phường Hạc Thành.

Huyện Nga Sơn không giữ tên Ba Đình trong đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã
Thành phố Thanh Hóa, sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân, đề án đặt tên phường sau sắp xếp đã điều chỉnh theo hướng không chọn đặt tên theo số thứ tự Hạc Thành 1,2,3,4 và Đông Sơn 1,2,3 mà chuyển sang phương án đặt tên 7 phường mới bằng các tên gọi gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương bao gồm Hạc Thành, Quảng Phú, Đông Quang, Đông Sơn, Đông Tiến, Hàm Rồng, Nguyệt Viên.
Tính trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, duy nhất huyện Mường Lát chỉ đổi tên thị trấn thành xã Mường Lát, giữ nguyên địa giới hành chính 8 đơn vị như cũ.
Tỉnh Thanh Hóa đánh giá, quá trình xây dựng đề án đã chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu sát dân, gần dân, phục vụ nhân dân; quản lý của chính quyền cơ sở.