Đặt tên phường, xã mới ở TP.HCM: Đề xuất lấy lại những tên cũ, tôi mừng lắm!

Người dân TP.HCM cho biết những địa danh cũ gắn với lịch sử, truyền thống của địa phương được sử dụng lại để đặt cho phường, xã mới sau sáp nhập mang lại nhiều ý nghĩa.

Hiện nay tại TP.HCM, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đang trình các phương án sáp nhập phường, xã, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nhằm thực hiện chủ trương chung của Trung ương là bỏ cấp huyện, sắp xếp cấp xã.

Các phương án đang được Sở Nội vụ tổng hợp, tiếp tục trao đổi với các địa phương để chỉnh sửa trước khi đi đến thống nhất trình lên UBND TP.HCM.

Dù vậy, việc dự kiến đặt tên các phường, xã mới theo các địa danh cũ gắn với lịch sử, văn hóa đang được người dân đồng tình, ủng hộ, nhất là các quận như Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận... đã lấy chính tên quận cũ để đặt cho phường mới.

 Người dân TP.HCM đồng tình với việc đặt tên phường, xã mới theo tên địa danh cũ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Người dân TP.HCM đồng tình với việc đặt tên phường, xã mới theo tên địa danh cũ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Nhiều tên phường mới rất hay

Anh Hoàng Minh Tuấn (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho rằng việc đổi tên phường gắn với các địa danh xưa sẽ mang nhiều ý nghĩa lịch sử, dù vậy ban đầu anh khá bất ngờ vì chưa từng nghe đến những cái tên như Thạnh Mỹ Tây hay Bình Hòa.

“Tôi chỉ quen với tên Bình Thạnh từ trước đến nay nên khi nghe, tôi không hiểu vì sao lại thay đổi tên như vậy. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết Bình Thạnh thực chất là sự kết hợp giữa hai địa danh cũ là Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây. Hóa ra, vùng đất này có bề dày lịch sử hơn tôi nghĩ” – anh Tuấn nói và chia sẻ việc đặt lại những tên này là cần thiết, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử địa phương.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm (68 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nhận xét rằng giữ lại tên Phú Nhuận để đặt cho phường mới là hợp lý vì đây là một địa danh vốn quen thuộc với người dân từ xưa đến nay. Đồng thời, việc bổ sung tên Đức Nhuận cũng mang giá trị lịch sử, giúp thế hệ sau hiểu thêm về vùng đất này.

“Nhắc đến Phú Nhuận là ai cũng biết, giờ bỏ đi thì tiếc lắm. Còn cái tên Đức Nhuận, hồi trước tôi cũng từng nghe các cụ nhắc đến nhưng dần dà ít ai nhớ. Giờ quận đặt lại, tôi thấy cũng hay vì ít nhất nó có ý nghĩa lịch sử” – ông Tâm nêu ý kiến.

Theo ông Tâm, so với cách đặt tên phường theo số như trước, tôi thấy cách đặt theo địa danh cũ có ý nghĩa hơn.

“Nghe một cái tên gắn với lịch sử vẫn thân thuộc và có chiều sâu hơn là chỉ gọi phường 1, phường 2. Nhưng cũng phải mất một thời gian để người dân quen dần bởi lâu nay mọi người đã quen gọi theo số rồi” - ông Tâm bộc bạch.

 Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân TP.HCM làm thủ tục hành chính. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong khi đó, nghe tin phường Thạnh Xuân được đề xuất sáp nhập với Thạnh Lộc và An Phú Đông để thành phường An Phú Đông, ông Bùi Minh Thành (60 tuổi, quận 12) cho rằng đây là phương án hợp lý.

“Ba khu vực này gần nhau, bà con đi lại, buôn bán cũng thân thuộc từ lâu. Khi sáp nhập thì cơ sở hạ tầng, quản lý hành chính chắc sẽ đồng bộ hơn, người dân cũng đỡ mất công khi làm giấy tờ” – ông Thành nói và cho rằng ban đầu có thể bà con Thạnh Xuân, Thạnh Lộc chưa quen nhưng dần dần khi hiểu rõ ý nghĩa, chắc chắn ai cũng sẽ thấy tự hào.

Ông Lê Văn Tám (72 tuổi, quận Gò Vấp) nghe tin quận muốn đặt lại tên Thông Tây Hội với An Nhơn thì mừng lắm. Ông nói hai cái tên này không chỉ là địa danh mà còn là cả một quãng đời của những người đã gắn bó với vùng đất này.

“Hồi trước, Thông Tây Hội là khu chợ lớn, người ra vô mua bán rần rần, nhộn nhịp lắm. Còn An Nhơn thì yên ả hơn, nhà cửa san sát nhưng vẫn giữ được nét quê, xung quanh toàn ruộng đồng xanh mướt. Giờ nghe đặt lại mấy cái tên cũ, tôi thấy hay quá. Phải giữ lấy mấy cái tên này cho con cháu sau này còn biết hồi xưa quê mình từng có những gì” - ông Tám kể.

Ưu tiên địa danh lịch sử, văn hóa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhấn mạnh việc đặt tên phường, xã sau sáp nhập tại TP cần ưu tiên giữ gìn bản sắc địa phương, sử dụng các địa danh lịch sử, văn hóa, hoặc địa lý nổi tiếng của khu vực.

Những cái tên gắn liền với đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của người dân sẽ tạo nên sự gần gũi và gắn bó. Chẳng hạn như tên các chợ truyền thống (Bến Thành, Chợ Lớn), các con sông (Sài Gòn, Thị Nghè), hoặc các địa danh lịch sử (Tân Định, Gia Định).

 TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhấn mạnh cần ưu tiên yếu tố văn hóa, lịch sử khi đặt tên phường, xã mới.

TS Nguyễn Đức Quyền, chuyên gia Quản lý Công, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhấn mạnh cần ưu tiên yếu tố văn hóa, lịch sử khi đặt tên phường, xã mới.

TS Quyền cũng gợi ý có thể kết hợp tên gọi trong trường hợp sáp nhập nhiều đơn vị hành chính, kết hợp tên gọi của các đơn vị cũ để tạo ra một tên gọi mới, vừa mang tính kế thừa, vừa tạo sự thống nhất.

Qua theo dõi các phương án được quận, huyện trình Sở Nội vụ, TS Nguyễn Đức Quyền cho rằng các phương án cho thấy sự đa dạng trong cách tiếp cận của từng địa phương. Theo ông Quyền, bên cạnh xem xét đến yếu tố lịch sử, văn hóa và địa danh truyền thống của địa phương thì cũng cần thống nhất về cách đặt tên chữ hay số, để tạo sự đồng nhất trong hệ thống hành chính. Bởi nếu chỉ dựa vào yếu tố lịch sử, văn hóa cũng có thể gây ra sự trùng lặp và khó khăn trong việc quản lý.

“Việc đặt tên phường, xã cần đảm bảo tính khoa học, dễ nhớ, dễ nhận biết và phù hợp với thực tiễn quản lý hành chính” – ông Quyền nói và gợi ý có thể sử dụng số thứ tự để giúp đơn giản hóa việc quản lý cũng như số hóa dữ liệu.

Bên cạnh sự đồng thuận của người dân địa phương, ông Quyền cho rằng cần kết hợp với các yếu tố nhận diện khác để đảm bảo tính dễ nhớ, dễ đọc hệ thống và đồng nhất trong việc đặt tên trên toàn thành phố, tránh sự lộn xộn và khó khăn trong quản lý.

TS Quyền cũng nhấn mạnh phải chú ý đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi được thông qua để tuân thủ các tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính, thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc đặt tên các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập.

 Trong giai đoạn sắp xếp trước, quận 8 đã lấy tên chợ Rạch Ông để đặt cho phường mới. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong giai đoạn sắp xếp trước, quận 8 đã lấy tên chợ Rạch Ông để đặt cho phường mới. Ảnh: THUẬN VĂN

Dùng lại tên quận cũ ra sao cho phù hợp?

Về việc sử dụng tên quận cũ để đặt tên cho phường mới, TS Nguyễn Đức Quyền cho rằng điều này có thể giúp duy trì tính liên tục và nhận diện địa phương.

Theo vị chuyên gia, những tên quận như Gò Vấp, Tân Bình đã trở nên quen thuộc và gắn bó với người dân. Những địa phương có bề dày lịch sử văn hóa thì việc sử dụng lại tên là điều nên làm. Như thế cũng giúp đơn giản hóa việc quản lý hành chính, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau sáp nhập.

"Hạn chế của cách làm này có thể gây ra sự nhầm lẫn về địa giới hành chính hoặc không phù hợp với đặc điểm địa lý, văn hóa của phường mới" - TS Quyền phân tích.

Để dung hòa giữa việc giữ gìn bản sắc địa phương và tính khoa học, TS Quyền gợi ý có thể kết hợp việc sử dụng tên quận với số thứ tự hoặc các yếu tố nhận diện khác. Chẳng hạn như Phường 1 - Gò Vấp, Phường 2 - Tân Bình…

“Đây là phương án cần được xem xét kỹ lưỡng và kết hợp với các yếu tố khác để đảm bảo tính khoa học, lịch sử và sự đồng thuận của người dân” – ông Quyền nhấn mạnh.

Có thể đặt phường Linh Chiểu, Linh Chiểu 2, Đông Thủ Đức...

Vừa qua TP Thủ Đức đề xuất đánh số thứ tự cho các phường cụ thể như Thủ Đức 1, Thủ Đức 2…, Thủ Đức 9, tôi cho rằng việc sử dụng chung tiền tố “Thủ Đức” giúp tạo ra sự thống nhất và nhận diện thương hiệu cho toàn TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, sử dụng số thứ tự có thể làm mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa và địa danh truyền thống của các phường cũ cũng như có thể không mang lại cảm giác gần gũi, gắn bó cho người dân địa phương.

Do đó, tôi đề xuất thiết kế tên gọi cân bằng giữa tính khoa học và tính lịch sử, văn hóa. Trong đó có thể xem xét các phương án sử dụng tên các địa danh nổi tiếng hoặc có ý nghĩa lịch sử của khu vực, kết hợp với số thứ tự.

Chẳng hạn như phường Linh Chiểu, phường Linh Chiểu 2… hoặc sử dụng tên khu vực địa lý đặc trưng để đặt tên phường như phường Đông Thủ Đức, phường Tây Thủ Đức…

Đây là phương án vừa giữ lại những tên gọi phường cũ có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc được người dân địa phương yêu thích những cũng kết hợp với số thứ tự nếu cần thiết để tạo ra những tên gọi phù hợp và ý nghĩa.

TS NGUYỄN ĐỨC QUYỀN

LÊ THOA

HỒNG THẮM

Nguồn PLO: https://plo.vn/dat-ten-phuong-xa-moi-o-tphcm-de-xuat-lay-lai-nhung-ten-cu-toi-mung-lam-post841009.html
Zalo