Đất soi bãi ven sông Cầu: Tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên có chiều dài trên 100km (qua các huyện, thành phố: Thái Nguyên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên). Dòng sông tạo nên những bãi soi dọc hai bên bờ, với diện tích hàng nghìn héc-ta. Tận dụng những bãi soi này, người dân các địa phương đã đưa nhiều loại cây phù hợp vào trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một trong những tiềm năng để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đa dạng hóa cây trồng
Xã Minh Lập (Đồng Hỷ) hiện có 30ha đất soi bãi ven sông Cầu, thuộc các xóm Trại Cài, Cà Phê, Minh Lý, An Bình. Trước đây, trên những diện tích đất này, bà con nông dân chủ yếu trồng ngô, sắn, khoai…, sau đó chuyển dần sang trồng chè. Đến nay, gần 100% diện tích đất soi bãi ở xã đã được phủ xanh bởi cây chè, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Hải, ở xóm Trại Cài, chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 10 sào đất soi bãi, đều trồng giống chè lai F1 và theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, cây chè cho thu hái 8 lứa, năng suất bình quân đạt khoảng 1 tấn búp tươi/lứa. Nếu tính giá bán chè tươi trồng theo hướng hữu cơ như hiện nay là 60 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ hết chi phí, gia đình thu được khoảng 40 triệu đồng/lứa.
Nhằm nâng cao giá trị cây chè cũng như tạo điểm nhấn để phát triển du lịch trải nghiệm, từ năm 2020, xã Minh Lập đã quy hoạch khu vực trồng chè rộng 20ha tại các bãi soi để phát triển du lịch. Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Vừa qua, địa phương đã đầu tư xây dựng xong tuyến đường dài 1km nối từ đường trục chính của xã vào điểm du lịch. Đối với vùng chè được quy hoạch, hiện nay bà con đang chỉnh trang đường đi và chuyển hết sang trồng chè theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, từ nguồn xã hội hóa, xã cũng đã tu sửa xong ngôi đền Thác Nhật nằm ngay cạnh khu trải nghiệm để tạo thêm điểm tham quan cho du khách...
Xuôi theo dòng chảy của sông Cầu, chúng tôi đến xã Bảo Lý (Phú Bình). Nơi đây có diện tích khoảng 50ha đất soi bãi ven sông Cầu, thuộc các xóm Đại Lễ, Ngược, Đồng Áng, Cô Dạ. Ông Dương Bá Tại, Phó Trưởng xóm Đồng Áng, cho biết: Xóm hiện có 110 hộ dân với 170 nhân khẩu, gần như hộ nào cũng có khoảng 1-2 sào đất soi bãi. Người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày (như lúa, ngô, lạc, rau màu khác) và trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Lý, chia sẻ: Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, sản xuất theo hình thức luân canh tăng vụ, khu vực bãi ven sông trở thành vùng kinh tế nông nghiệp chủ lực của xã, giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất nông nghiệp của xã không ngừng tăng qua các năm, năm 2023 đạt trên 120 triệu đồng/ha...
Hướng đến những mô hình công nghệ cao
Trong những năm qua, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và các xã có dòng sông Cầu chảy qua nói riêng ngày càng thu hẹp để ưu tiên cho phát triển công nghiệp, khu dân cư, đường giao thông… Do vậy, với điều kiện thuận lợi, rộng và bằng phẳng nên diện tích đất soi bãi ven sông được xác định có nhiều tiềm năng để áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị cây trồng.
Xã Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) trước đây có khoảng 600ha đất sản xuất nông nghiệp, là một trong những “thủ phủ” trồng hoa, rau màu của tỉnh. Nhưng mấy năm trở lại đây, do nhường đất để phát triển các khu dân cư, đường giao thông, địa phương còn khoảng trên 500ha đất nông nghiệp, trong đó đất bãi soi ven sông Cầu khoảng 200ha (chủ yếu tập trung ở khu vực xóm Cậy).
Ông Trương Công Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp ít nhiều ảnh đến giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như việc làm của bà con nông dân. Chính vì thế, chúng tôi đã và đang vận động, khuyến khích các hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực đất ven sông Cầu. Qua đó hình thành vùng sản xuất hàng nông sản chất lượng cao, nâng cao giá trị cây trồng, giải quyết việc làm cho người dân. Hiện nay, đã có một số hộ dân đầu tư nhà màng, nhà lưới, tưới tự động… đi vào sản xuất.
Phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) hiện có khoảng 30ha đất soi bãi ven sông Cầu. Trước việc diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp để ưu tiên cho phát triển công nghiệp, khu dân cư, phường cũng đang có định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế trang trại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ông Hà Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Tiên Phong, cho biết: Khu vực đất bãi ven sông của phường có tiềm năng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng công nghệ cao. Thời gian tới, phường sẽ tập trung nỗ lực đầu tư hạ tầng khu vực đất bãi, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này nhằm khai thác tốt tiềm năng vùng đất soi bãi.