Đặt phòng khách sạn ở Đà Lạt, khách bị lừa hàng chục triệu đồng

Có nhu cầu đặt phòng khách sạn ở Đà Lạt dịp cuối năm cho nhóm bạn đi chơi, khách bị lừa mất hàng chục triệu đồng vì trang fanpage giả mạo.

Phản ánh với Báo Người Lao Động, chị Ngọc Bích (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết chị vừa ra công an phường nơi cư trú để trình báo về việc bị lừa đảo gần 40 triệu đồng tiền đặt cọc một khách sạn ở Đà Lạt.

Cụ thể, gần đây chị và nhóm bạn có nhu cầu đặt phòng khách sạn dịp cuối tuần ở Đà Lạt. Chị đã tìm thấy khách sạn Túi Ba Gang (phường 1, Đà Lạt, Lâm Đồng) trên một fanpage về du lịch.

Sau khi trao đổi về nhu cầu phòng, ngày nhận phòng và có cả "Phiếu nhận đặt phòng" với đầy đủ thông tin, địa chỉ, ngày nhận phòng, số tiền thanh toán, chị Bích được yêu cầu chuyển khoản số tiền 3,5 triệu đồng để đặt cọc. Tuy nhiên, khi chị vừa chuyển khoản xong thì phía bên kia báo chị chuyển sai nội dung và sẽ chuyển lại số tiền cọc cho chị.

"Kẻ mạo danh nói tôi chuyển sai số tài khoản, sai nội dung, cần chờ kích hoạt lại tài khoản mới hoàn cọc. Kẻ gian còn gọi video call hướng dẫn tôi làm theo các thao tác với mục đích hoàn lại tiền cọc. Tuy nhiên, càng làm theo, tiền trong tài khoản tôi càng bị trừ, đến khi mất gần 40 triệu đồng, tôi mới tá hỏa biết mình bị lừa" - chị Bích kể.

Ban đầu là chuyển tiền đặt cọc 3,5 triệu đồng nhưng chị Bích bị lừa tổng cộng gần 40 triệu đồng với thủ đoạn mạo danh fanpage khách sạn ở Đà Lạt

Ban đầu là chuyển tiền đặt cọc 3,5 triệu đồng nhưng chị Bích bị lừa tổng cộng gần 40 triệu đồng với thủ đoạn mạo danh fanpage khách sạn ở Đà Lạt

Liên hệ tới khách sạn Túi Ba Gang, phóng viên được biết không chỉ chị Bích mà rất nhiều người khác cũng bị lừa tiền cọc từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng với thủ đoạn tương tự.

Nhân viên của khách sạn này nói có nhận được phản ánh của khách nên đã tạm ngừng chạy quảng cáo trên mạng xã hội, không nhận đặt phòng qua Facebook và đã báo cáo việc bị mạo danh cho cơ quan công an ở Đà Lạt. Khách sạn này cũng đăng cảnh báo lên fanpage chính thức, về việc bị mạo danh.

Ghi nhận của phóng viên, tình trạng mạo danh các khách sạn 3-4 sao ở những thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu… dịp cuối năm không ít. Báo Người Lao Động mới đây cũng phản ánh tình trạng nở rộ lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng.

Thủ đoạn phổ biến là khách đặt phòng được yêu cầu chuyển tiền cọc để xác nhận, sau khi nhận tiền cọc kẻ gian sẽ tiếp tục dùng thủ đoạn lôi kéo khách nhấp vào các liên kết giả mạo với lời hứa giảm thêm tiền cho các đặt chỗ và thanh toán trực tuyến…

Tuy nhiên, khi nhấp vào các liên kết này, nhiều khách hàng đã bị trừ thêm tiền từ tài khoản mà không nhận được ưu đãi nào.

Nhiều khách sạn 3-4 sao ở các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu bị mạo danh bằng kẻ gian cách lập fanpage giả mạo để lừa đảo. Trong ảnh: khách sạn Túi Ba Gang ở Đà Lạt bị mạo danh, không ít người bị mất tiền oan vì chuyển đặt cọc cho đối tượng lừa đảo.

Nhiều khách sạn 3-4 sao ở các thành phố du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu bị mạo danh bằng kẻ gian cách lập fanpage giả mạo để lừa đảo. Trong ảnh: khách sạn Túi Ba Gang ở Đà Lạt bị mạo danh, không ít người bị mất tiền oan vì chuyển đặt cọc cho đối tượng lừa đảo.

Theo các cơ quan quản lý du lịch, mạo danh cơ sở lưu trú, nhất là các khách sạn 3-4 sao ở những thành phố du lịch để lừa tiền đặt phòng là chiêu trò không mới, thường rộ lên trong mùa cao điểm du lịch. Điểm chung của thủ đoạn này là giá phòng rẻ hơn giá niêm yết được cơ sở chính chủ công bố để thu hút sự quan tâm của du khách.

Lâm Đồng mới đây đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo thông qua các fanpage mạo danh khách sạn để lừa đảo. Cơ quan quản lý du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có công văn gửi cơ quan chức năng các cấp đề nghị hỗ trợ xử lý, ngăn chặn kịp thời các đối tượng xấu mạo danh cơ sở lưu trú để lừa đảo.

Thái Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dat-phong-khach-san-o-da-lat-khach-bi-lua-hang-chuc-trieu-dong-196241223101635132.htm
Zalo