Đất nền tăng giá nhanh nhưng thanh khoản kém
Giá đất nền tại một số tỉnh đã tăng gấp đôi sau 2 năm, tuy nhiên chỉ các lô đất có giá hợp lý, thường dưới 2 tỷ đồng, được ưa chuộng.

Nhiều lô đất nền tăng giá rao nhưng khó giao dịch. Ảnh: MG.
Báo cáo thị trường quý I của nền tảng Batdongsan.com.vn cho biết người tiêu dùng Hà Nội đang quan tâm nhiều đến đất nền vùng ven. Bằng chứng là nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại các tỉnh lân cận Thủ đô trở nên sôi động hơn trong những tuần đầu tháng 3.
Cụ thể, so với tháng 2, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội đã tăng 54%. Tương tự, tại Ninh Bình, lượng tìm kiếm đất nền đã tăng 122%, Phú Thọ tăng 110%, Bắc Giang tăng 106%, Thái Bình tăng 105%...
Cùng với mức độ quan tâm, giá rao bán các sản phẩm đất nền cũng tăng đột biến tại nhiều khu vực. So với đầu năm 2023, trung bình giá đất nền tại Hải Dương đã tăng 100%, Bắc Giang tăng 80%, Hưng Yên tăng 75%, Bắc Ninh tăng 52%, Hà Nam tăng 50%, Nam Định và Thái Bình cùng tăng 44%...

Nguồn: Batdongsan.com.vn.
So với thị trường phía Nam, biến động về mức độ quan tâm cũng như giá rao bán đất nền tại các tỉnh phía Bắc cao hơn đáng kể. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho biết trong 2 năm qua, giá đất nền tại Đồng Nai chỉ tăng trung bình 30%, Bình Dương tăng 25%, TP.HCM tăng 5%...
Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam mới đây cũng cho biết giá bất động sản tại thị trường phía Bắc đã tăng mạnh trong quý đầu năm. Ở nhiều địa phương, đất nền, biệt thự, nhà liền kể bỏ hoang đã tăng giá 30%, có sản phẩm tăng gấp đôi so với năm 2023.
Giá rao bán tăng song Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng lượng giao dịch và giá giao dịch chỉ ghi nhận tăng tại một số khu vực hoặc các sản phẩm có vùng giá đặc thù.
Chẳng hạn các lô đất có giá trị đầu tư hợp lý, thường ở dưới 2 tỷ đồng, có pháp lý đảm bảo tại các khu vực có hạ tầng đang triển khai thực hoặc tại các sản phẩm thấp tầng trong các dự án đại đô thị mà quanh đó đã được đầu tư về hạ tầng, và có đầy đủ các dịch vụ tiện ích.
Nguyên nhân chính của hiện tượng tăng giá đột biến thời gian qua, theo các chuyên gia, là do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập tỉnh, thành phố.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng diễn biến tăng giá đất theo biến động quy hoạch không mới với thị trường bất động sản Việt Nam. Lịch sử cho thấy mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) của nhà đầu tư.
Theo chuyên gia này, việc sáp nhập các tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới kinh tế địa phương nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế xã hội. Chưa kể, phần lớn hiện tượng tăng giá theo quy hoạch đều xuất phát từ chiêu trò của nhóm đầu cơ, nhóm này thường tạo sóng để thu hút nhà đầu tư mới nhằm kiếm lời, sau đó rút khỏi thị trường.
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Batdongsan.com.vn, cho rằng giá trị của một sản phẩm bất động sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hạ tầng, vị trí, pháp lý, nhu cầu việc làm, nhập cư, nền tảng kinh tế địa phương... Nếu chỉ thay đổi về mặt hành chính mà không đi kèm các yếu tố hỗ trợ khác, giá trị của một bất động sản sẽ không tăng lên.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng sau khi sáp nhập, nhiều khả năng các địa phương sẽ phải thực hiện điều chỉnh các quy hoạch sẵn có hoặc bổ sung các quy hoạch mới. Do đó, những lô đất được đánh giá có giá trị cao tại thời điểm này không chắc sẽ giữ giá trị sau khi hợp nhất các tỉnh, thành phố.