Đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 lên 70 tỷ USD

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng toàn ngành ở mức 3,5-4%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 lên mức 70 tỷ USD…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày hàng nông sản ở sảnh hội nghị

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày hàng nông sản ở sảnh hội nghị

Chiều 27/12/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025. Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024.

BA THÀNH TỰU NỔI BẬT

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, quyết liệt của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, sự giúp đỡ bạn bè quốc tế, đất nước ta đã vượt qua nhiều thách thức, tháo gỡ được nhiều khó khăn, đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực; đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội; đời sống người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc; uy tín và vị thế của đất nước được nâng lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Về các chỉ tiêu chính trong năm 2025, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%..."

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Về các chỉ tiêu chính trong năm 2025, đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,5-4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD; tỉ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 60%; tỉ lệ che phủ rừng 42,02%..."

Thủ tướng nhấn mạnh thêm 3 thành tựu, kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thứ nhất, việc phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đặc biệt là việc tham mưu, tổ chức, thực hiện điều tiết, vận hành, bảo đảm an toàn hồ đập như hồ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, không để ai bị đói rét, thiếu nhà ở, học sinh thiếu trường lớp; nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão.

Thứ hai, ngành đã khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai, bão lụt...

Thứ ba, ngành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Ngành chưa khai thác hết, chưa phát triển ngang tầm tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nền văn minh lúa nước. Công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nhanh và bền vững còn hạn chế. Việc gỡ bỏ "Thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản còn nhiều khó khăn, thách thức...

Cũng theo Thủ tướng, muốn phát triển các mặt hàng, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thì cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, làm sao để khi nói đến cà phê, tiêu, điều... là nói tới Việt Nam. Cùng với đó, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển thị trường; xây dựng chỉ dẫn địa lý, mẫu mã; huy động nguồn vốn ngân hàng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích.

NHIỀU ĐIỂM NHẤN ẤN TƯỢNG

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024 giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78,7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính: 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi: 533,6 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính: 17,28 tỷ USD, tăng 19,4%; thủy sản: 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

Quanh cảnh hội nghị

Quanh cảnh hội nghị

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã để lại nhiều điểm nhấn ấn tượng.

Một là,cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Năng suất, sản lượng lúa Đông xuân, lúa Hè thu và một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản đều tăng.... Trong đó, sản lượng lúa cả năm đạt gần 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%; năng suất đạt 61,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (tăng 0,5%), đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu gạo khoảng 9 triệu tấn.

Cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực, như: Sầu riêng đạt 1,45 triệu tấn, tăng 21,2%; Thanh Long đạt1,35 triệu tấn, tăng 13,3%; Cao su đạt gần 1,37 triệu tấn, tăng 7,5%; Cà phê đạt 1,95 triệu tấn, giảm 0,3 %; Điều đạt 340,1 nghìn tấn, giảm 2,2%.

Đối với chăn nuôi: Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023. Ngành thủy sản phát triển ổn định, tổng sản lượng đạt 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; trong đó khai thác 3,86 triệu tấn, tăng 0,6% và nuôi trồng 5,75 triệu tấn, tăng 3,7%.

Hai là,mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do Elnino và thiệt hại nặng nề từ cơn Bão số 3 - khoảng 83.746 tỷ đồng), nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Ba là,đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản, nổi bật như: Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn. Công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực phục vụ nhu cầu của thị trường xuất khẩu; nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển.

Bốn là, từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào.

Năm là, việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả.

Sáu là,đã tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao; đã tập trung xây dựng và trình ban hành nhiều chính sách quan trọng và 4 Quy hoạch Ngành cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển Ngành theo đúng định hướng.

Bảy là, một số dự án đầu tư công triển khai vượt tiến độ, như: Cống âu Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang: Hoàn thành công trình chính kịp phục vụ chống hạn mặn mùa khô 2024; các công trình kè chống sạt lở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vượt tiến độ 2-4 tháng.

KIẾN TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết năm 2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 64 - 65 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; có 325 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 60%.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, toàn ngành nông nghiệp sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ và các giải pháp.

Một là, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của Ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Hai là, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Bốn là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dat-muc-tieu-dua-kim-ngach-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2025-len-70-ty-usd.htm
Zalo