Đặt mục tiêu cao để nỗ lực lớn hơn

Chủ trì hội nghị về khắc phục hậu quả bão Yagi, diễn ra ngày 15-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 7%.

Có thể nói, để đạt mục tiêu đạt tăng trưởng GDP khoảng 7% trong năm nay đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực rất lớn. Từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến nền kinh tế có nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực.

Nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn phục hồi giúp doanh nghiệp có nhiều đơn hàng. Sản xuất công nghiệp tăng trở lại với diễn biến quý sau cao hơn quý trước. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, giữ vai trò là một trong 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng GDP…

Tuy nhiên, bão số 3 được đánh giá lớn nhất trong hàng chục năm qua, đổ bộ vào khu vực miền Bắc gây thiệt hại rất lớn, ước tính sơ bộ hơn 50.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thiệt hại do bão số 3 gây ra có thể làm giảm 0,15% tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2024 so với kịch bản đề ra là trong khoảng 6,8-7%. Với một số địa phương có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cả nước, như thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên…, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm 0,5% so với dự kiến trước khi có bão số 3. Bên cạnh hệ thống hạ tầng, công trình thiết yếu, dân sinh… bị hư hại, hệ thống cơ sở sản xuất, nhà máy cũng chịu thiệt hại khá lớn.

Xét cả giai đoạn 5 năm 2021-2025, trong nửa đầu, kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19. GDP năm 2021 và 2022 tăng rất thấp. Sang các năm 2023, 2024, ngoài tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng lớn từ lạm phát, bất ổn của kinh tế thế giới, khiến cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả giai đoạn 5 năm chồng chất khó khăn.

Vì thế, đặt mục tiêu tăng trưởng cao lúc này là để nỗ lực hơn, quyết tâm hơn nữa. Trước hết, các cấp, ngành cần bám sát và chủ động triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17-9-2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó với kinh tế, nhiệm vụ trước mắt là nỗ lực sớm khôi phục hạ tầng, cơ sở sản xuất. Các cấp, ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ, như khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay tín dụng, miễn, giảm thuế, phí…, trong thẩm quyền của mình để có thể ban hành nhanh chóng, kịp thời. Cùng với đó, giám sát thị trường, giá cả, cung ứng hàng hóa kịp thời, kiểm soát lạm phát, không để lạm phát ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất chủ động huy động nguồn lực vừa khắc phục hậu quả bão, vừa sớm bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh.

Ở phạm vi cả nước, các địa phương khác phải nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, để tăng đóng góp vào tăng trưởng GDP, bù đắp cho địa phương chịu thiệt hại nặng nề. Đó là tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để thu hút đầu tư; tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng; kích cầu thị trường trong nước để thúc đẩy tăng trưởng; làm mới động lực tăng trưởng truyền thống bên cạnh thúc đẩy động lực mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo… Không chỉ địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 mà tất cả các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dat-muc-tieu-cao-de-no-luc-lon-hon-678926.html
Zalo