Đất hiếm, 'con bài chiến lược' trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn
Đất hiếm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế hiện đại và an ninh quốc gia của nhiều nước, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và cạnh tranh công nghệ. Với vai trò quan trọng đó, không khó hiểu khi đất hiếm đang trở thành 'con bài chiến lược' cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn.

Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới
Nga - Mỹ bắt tay hợp tác
Ngày 30/3/2025, Đặc phái viên Tổng thống Nga về đầu tư và hợp tác kinh tế quốc tế Kirill Dmitriev cho biết, Nga và Mỹ bắt đầu đàm phán về các dự án hợp tác liên quan đến đất hiếm và một số dự án khác tại Nga. Đây là động thái được cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý, nằm trong xu hướng ấm dần lên trong quan hệ song phương.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thực hiện một số điều chỉnh chiến lược, trong đó đặc biệt là thúc đẩy đối thoại với Nga. Ông Trump đã thực hiện 2 cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin. Các phái đoàn ngoại giao hai nước đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ trực tiếp tại Saudi Arabia (ngày 18/2/2025 và 24/3/2025).
Với chủ trương thực dụng, đặc biệt là tầm nhìn của một người làm kinh tế, Tổng thống Trump sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác với Nga khi Nga sở hữu trữ lượng đất hiếm khổng lồ. Ngược lại, Nga có thể tận dụng công nghệ hiện đại của Mỹ trong việc khai thác và chế biến đất hiếm. Theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên Nga, tổng trữ lượng tất cả các kim loại hiếm của Nga lên tới 658 triệu tấn, trong đó 28,5 triệu tấn là kim loại đất hiếm. Tuy nhiên, thị phần sản xuất của Nga trên thị trường thế giới không vượt quá 1% và việc chế biến những kim loại đất hiếm gần như không tồn tại ở Nga.
Vào tháng 2/2025, Tổng thống Nga Putin đã thông qua dự án quốc gia “Vật liệu và hóa học mới”, nhằm mục đích thiết lập chu trình hoàn chỉnh của ngành công nghiệp kim loại hiếm và đất hiếm, bảo đảm khai thác và chế tạo chúng cho đến khi sản xuất ra hàng hóa công nghệ cao, có giá trị kinh tế lớn. Động thái cho thấy tham vọng rất lớn của Moscow, đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực quan trọng này.
Trong khi đó, tại Mỹ, khoảng 45.000 tấn kim loại đất hiếm được khai thác mỗi năm. Khoảng 1.500 tấn được sản xuất dưới dạng oxit, phần còn lại được Trung Quốc chế biến và sau đó người Mỹ mua lại từ nước này.
Bên cạnh đó, hợp tác Nga - Mỹ trong lĩnh vực đất hiếm còn tạo động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác của cả hai nước. Đất hiếm có vai trò vô cùng quan trọng trong công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là trong sản xuất vũ khí, hệ thống radar, máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự hiện đại. Nếu Mỹ và Nga hợp tác, hai nước có thể củng cố khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực này, bảo vệ các chuỗi cung ứng chiến lược quan trọng
Đất hiếm cũng có vai trò quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, nam châm vĩnh cửu sử dụng trong động cơ điện của xe điện và các thiết bị năng lượng tái tạo, như tuabin gió và pin mặt trời.
Mỹ và Nga đều sở hữu nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Việc hợp tác trong nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực đất hiếm có thể giúp cải thiện các phương pháp khai thác, chế biến và tái chế đất hiếm, từ đó nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Trung Quốc duy trì thế độc quyền đất hiếm
Với vai trò đặc biệt quan trọng của đất hiếm, Mỹ - Nga khó có thể chấp nhận thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Hiện nay, ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và cũng đang thu hút sự chú ý từ nhiều quốc gia khác, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm công nghệ cao.
Về trữ lượng tài nguyên, Trung Quốc là quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 37% tổng trữ lượng toàn cầu. Những nguồn tài nguyên này chủ yếu tập trung ở khu vực Tân Cương và Nội Mông. Về khả năng sản xuất, Trung Quốc không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, mà còn có khả năng sản xuất và chế biến đất hiếm ở quy mô lớn. Điều này giúp Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Theo ước tính, Trung Quốc sản xuất khoảng 60 - 70% tổng lượng đất hiếm toàn cầu. Về kiểm soát chuỗi cung ứng, Trung Quốc không chỉ khai thác đất hiếm, mà còn có khả năng chế biến và sản xuất các linh kiện quan trọng từ đất hiếm như nam châm vĩnh cửu, pin và các sản phẩm điện tử.
Trung Quốc kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng, từ khai thác đến sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp ô tô điện, điện tử, năng lượng tái tạo. Về chiến lược phát triển, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chiến lược để bảo vệ và mở rộng sự thống trị của mình trong ngành công nghiệp đất hiếm. Một trong những chiến lược quan trọng là hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong những năm gần đây, nhằm giữ lại nguồn tài nguyên quý giá này và kiểm soát giá trị toàn cầu. Điều này giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đất hiếm và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên từ các quốc gia khác.
Ngay cả Mỹ cũng đang phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm, đặc biệt là ở khâu tinh chế và sản xuất các sản phẩm trung gian. Theo dữ liệu của US Geological Survey (USGS), 80% số lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong nhiều năm qua đến từ Trung Quốc.
Trong cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, có một ngoại lệ đáng chú ý là 31 loại khoáng sản quan trọng, bao gồm các nguyên tố đất hiếm đã được miễn thuế quan theo một cách chiến lược.
Rõ ràng, Mỹ đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc Trung Quốc về đất hiếm, mới nhất là thông qua động thái bắt tay hợp tác với Nga, nhưng hiện tại vẫn cần Trung Quốc ở nhiều khâu quan trọng, đặc biệt là chế biến sâu và cung cấp đất hiếm nặng (như dysprosium, terbium…). Đây sẽ là “điểm yếu” hạn chế đáng kể chiến lược của Mỹ trong bối cảnh xu hướng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang.