Đặt giới hạn phù hợp cho con cái

Việc đặt giới hạn cho trẻ nhỏ là cần thiết, nó sẽ giúp bé điều chỉnh các hành vi và học cách cư xử đúng mực. Tùy độ tuổi của con, cha mẹ có thể điều chỉnh giới hạn cho phù hợp.

 Trong việc ăn uống hàng ngày, cha mẹ nên đặt ra các giới hạn cho con cái. Ảnh: I.P.

Trong việc ăn uống hàng ngày, cha mẹ nên đặt ra các giới hạn cho con cái. Ảnh: I.P.

Giới hạn luôn là vấn đề gây tranh cãi trong giáo dục. Trên thế giới có những xu hướng giáo dục và các bậc cha mẹ quyết tâm giảm thiểu các giới hạn và quy tắc. Những người đầu tiên không đồng ý với việc thiết lập các giới hạn trong quá trình giáo dục chính là trẻ em. Cách tốt nhất để nhìn thấy mặt tối của bất kỳ đứa trẻ nào là thiết lập một giới hạn mà chúng chưa tính đến.

Ngay cả đứa trẻ ngọt ngào nhất cũng có thể trở thành một con quỷ nhỏ khi đối mặt với sự thất vọng do phải tuân theo một giới hạn mà trước đây chưa từng tồn tại. Đây chắc chắn là lý do tại sao nhiều bậc phụ huynh và các nhà giáo dục gặp khó khăn trong việc đặt ra giới hạn và thực thi chúng.

Sự hốt hoảng do phải đối phó với một đứa trẻ đang tức giận, hay nỗi tuyệt vọng khi nhìn thấy sự đau khổ của trẻ lớn đến nỗi các lý thuyết giáo dục đã được phát triển dựa trên việc giảm thiểu những giới hạn này. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi và dưới góc độ của những nhà giáo dục hàng đầu thì đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Từ quan điểm của tôi với tư cách là một nhà tâm lý học thần kinh, tôi có thể đảm bảo với mọi phụ huynh và nhà giáo dục rằng những giới hạn là cần thiết cho việc giáo dục trí não. Tôi có thể ủng hộ tuyên bố này vì có nguyên một vùng não dành riêng cho việc thiết lập các giới hạn, thực thi chúng và giúp mọi người đối mặt với cảm giác thất vọng khi phải tuân thủ chúng.

Hơn nữa, phần não này, được gọi là vùng “trước trán”, chắc chắn là phần quan trọng nhất để đạt được hạnh phúc. Khi gặp một bệnh nhân bị tổn thương phần não này, tôi đối diện với một người không thể kiềm chế cơn tức giận, không tôn trọng giới hạn của người khác và không thể tuân thủ các chuẩn mực xã hội để đạt được mục tiêu của mình.

Trong hàng triệu năm, bộ não con người đã phát triển những cấu trúc thiết lập ranh giới này vì chúng cải thiện cơ hội sống sót và chung sống cùng nhau trong xã hội, cả trong quá khứ và hiện tại.

Một số cha mẹ nhất quyết kỳ thị việc đặt ra các giới hạn mà không nhận ra rằng đồng thuận với trẻ mỗi khi trẻ không muốn ăn tại bàn, khi trẻ đòi bố bế vì không muốn đi bộ hoặc đòi bú mẹ mỗi khi không muốn ăn, là phi lý. Cha mẹ cũng phải đặt ra những giới hạn về nhu cầu và mong muốn của con để bé có thể trải nghiệm những giới hạn tiêu chuẩn của cuộc sống.

Hãy xem ví dụ về việc cho con bú vì nó có lẽ là chủ đề gây tranh cãi nhất. Khi trẻ được ba hoặc bốn tháng tuổi, trẻ có thể bình tĩnh chờ đợi trong một khoảng thời gian ngắn trước khi được cho bú. Điều này có nghĩa là ở một chừng mực nào đó, người mẹ có thể điều chỉnh thời gian ăn của trẻ. Nếu bạn định lái xe đi đâu đó, bạn có thể cho bé bú trước khi lên xe để bé không cần bú khi bạn đang lái xe.

Tương tự như vậy, nếu người mẹ đang xếp hàng lên xe bus, mẹ có thể lặng lẽ chờ đợi đến khi ngồi thoải mái trên xe nhằm đáp ứng nhu cầu của bé. Cho con bú theo nhu cầu chắc chắn là lựa chọn tốt nhất để nuôi con, nhưng điều này cũng phù hợp với việc bạn muốn dạy con rằng trong một số tình huống nhất định, con có thể đợi một chút.

Álvaro Bilbao/ Thái Hà Books & NXB Lao động

Nguồn Znews: https://znews.vn/dat-gioi-han-phu-hop-cho-con-cai-post1532151.html
Zalo