Đất đấu giá Hà Nội cao bất thường rồi thi nhau bỏ cọc, sắp quay đầu hạ nhiệt?

Tình trạng 80% nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá ở Thanh Oai (Hà Nội) đã được dự báo trước, cho thấy phần lớn người trúng thuộc nhóm đầu tư, đầu cơ, không có nhu cầu sử dụng thực. Người dân cần cân nhắc kỹ, thận trọng với quyết định mua đất.

“Quay xe” bỏ cọc, đất đấu giá có hạ nhiệt?

Trái với tình cảnh ảm đạm năm ngoái, phiên đấu giá đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đầu tháng 8 đã thổi bùng lên sức nóng đất vùng ven Hà Nội, khi có tới hơn 4.000 hồ sơ, với khoảng 1.600 người tham gia.

Đáng chú ý, từ giá khởi điểm 8,6-12,5 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, trong khi khu vực này chưa có chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng.

Chưa dừng lại ở đó, phiên đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (ngày 19/8), giá trúng đấu giá cao nhất lập đỉnh cao, lên đến 133,3 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được trả gấp hơn 18 lần.

Ngay sau các cuộc đấu giá tại Thanh Oai và Hoài Đức, trao đổi với PV VietNamNet, một lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội nhận xét, có hiện tượng một số lô đất tại các phiên đấu giá được trả giá cao gấp nhiều lần. Giá trúng đấu giá đất liên tục đội lên, phiên sau cao hơn trước có thể gọi là “bất thường”.

Sau sự “bất thường” trên, nhiều cuộc đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội tiếp tục ghi nhận mức trúng cao nhất trên 50 đồng/m2.

Như 3 phiên đấu giá đất gần đây tại huyện Phúc Thọ liên tục ghi nhận kỷ lục mới trên địa bàn, khi mức trúng cao nhất phiên sau cao hơn phiên trước, từ 60 đến 69,8 và 75 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, so với các cuộc đấu giá đất tại nhiều huyện ven Hà Nội vừa qua, có thể thấy các phiên đấu giá này đã có ít hồ sơ tham gia.

Diễn biến những phiên đấu giá đất thời gian qua tại Hà Nội. Biểu đồ: Hồng Khanh

Cụ thể, phiên đấu giá ngày 29/8, có 39 thửa đất với hơn 650 hồ sơ, 350 nhà đầu tư tham gia.

Ngày 10/9, cuộc đấu giá 47 thửa đất có tổng số 416 hồ sơ, thu hút 180 khách hàng đăng ký.

Phiên đấu giá 13 thửa đất ngày 16/9, thu hút khoảng 140 hồ sơ đăng ký hợp lệ với 75 khách hàng tham gia.

Hơn một tháng sau khi phiên đấu giá 68 thửa đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (10/8) gây xôn xao thị trường, cơ quan chức năng "chốt lại" có khoảng 80% người trúng đấu giá đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80-100,5 triệu đồng/m2 đều không nộp tiền.

Đến ngày 18/9, phiên đấu giá 32 lô đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh đã cắt chuỗi giá trúng cao nhất trên 50 triệu đồng/m2 duy trì hơn một tháng qua. Tại phiên đấu giá này, giá trúng cao nhất là 48,9 triệu đồng/m2, chưa tới gấp đôi giá khởi điểm.

Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, kết quả 80% nhà đầu tư bỏ cọc đấu giá ở Thanh Oai đã được dự báo trước và “không có gì bất ngờ”. Điều này cho thấy phần lớn người trúng thuộc nhóm đầu tư, đầu cơ, không có nhu cầu sử dụng thực.

Tuy nhiên, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra việc đấu giá đất, mức trúng tại các cuộc đấu giá đất vùng ven Hà Nội không có sự đột biến. Giá khởi điểm tại các phiên đấu giá này cũng tương đối cao, với số tiền đặt cọc từ trên 400 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Nhìn vào số hồ sơ và người tham gia có thể thấy ở mức hợp lý, bởi số tiền đặt cọc lớn nên sẽ hạn chế đầu cơ.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc đấu giá đất. Đồ họa: Hồng Khanh

Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc đấu giá đất. Đồ họa: Hồng Khanh

"Nhìn nhận một cuộc đấu giá cần đánh giá trên nhiều yếu tố như tiềm năng khu vực, sự quan tâm của người mua, biến động về giá... Nhà đầu tư cần quan sát thị trường để đánh giá đúng, tránh bị cuốn vào vòng xoáy thị trường ảo do giới đầu cơ tạo ra", ông Toản nói.

Đẩy giá, “thổi” bay giấc mơ an cư của nhiều người

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc đẩy giá đấu giá đất lên cao rồi bỏ cọc sẽ gây ra nhiều hệ lụy đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Việc tạo sốt ảo dẫn đến giá nhà ở bị kéo lên cao, gây nhiễu loạn thị trường.

Phần đông người dân có nhu cầu ở thực khó thực hiện giấc mơ an cư, trong khi việc thu lợi chỉ thuộc về một nhóm nhỏ nhà đầu tư. Người dân cần cân nhắc kỹ, thận trọng với quyết định mua đất tại các khu vực này.

Một trong những thiệt hại thấy ngay là sự sụt giảm về thu ngân sách. Tại Thanh Oai, tổng số tiền thu từ phiên đấu giá 10/8 đạt hơn 80 tỷ đồng, chỉ bằng 20% mức dự kiến tại thời điểm kết thúc phiên đấu.

Theo ông Phạm Đức Toản, các địa phương vẫn thu được khoản tiền từ việc bán hồ sơ và tiền đặt trước, nhưng xét về lâu dài tình trạng bỏ cọc hàng loạt sẽ gây lãng phí nguồn lực khi địa phương phải tổ chức đấu giá lại, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều địa phương tại Hà Nội tạm dừng một số phiên đấu giá đất. Đồ họa: Hồng Khanh

Nhiều địa phương tại Hà Nội tạm dừng một số phiên đấu giá đất. Đồ họa: Hồng Khanh

Lãnh đạo doanh nghiệp còn cho rằng, đất đấu giá bị đẩy lên cao có thể gây trở ngại cho công tác thẩm định giá đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án xung quanh.

Để hoạt động đấu giá đất đi vào ổn định và phù hợp thực tế, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, địa phương tổ chức đấu giá đất phải tiến hành xác định lại mức giá khởi điểm sát với giá thị trường. Từ đó mức giá đặt cọc sẽ được nâng lên.

TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam, kiến nghị cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ, cải cách chính sách, quy hoạch đồng bộ, tạo nguồn cung dồi dào về nhà ở nói chung.

Đồng thời, ban hành sớm chính sách thuế như phải cam kết về thời gian xây dựng nhà ở trên đất, từ 1-2 năm sau khi trúng đấu giá mới được phép chuyển nhượng, được mua bán. Nếu chuyển nhượng lại trong khoảng thời gian trên thì tính thuế thật cao, như các nước trên thế giới đã áp dụng, nhằm giữ ổn định thị trường, chống đầu cơ và rửa tiền.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dat-dau-gia-ha-noi-cao-bat-thuong-roi-thi-nhau-bo-coc-sap-quay-dau-ha-nhiet-2324850.html
Zalo