'Đặt câu hỏi với Thủ tướng là dễ nhất'

Đây là chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 lần thứ 5 diễn ra chiều 25/9.

 Thủ tướng đối thoại với các tỉnh thành và doanh nghiệp chiều 25/9. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đối thoại với các tỉnh thành và doanh nghiệp chiều 25/9. Ảnh: VGP.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 (HEF 2024) lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, tập đoàn trong nước và quốc tế.

Điều phối chương trình, TS Trần Du Lịch bày tỏ rằng "đặt câu hỏi với Thủ tướng là khó nhất" và mong Thủ tướng có đôi lời chia sẻ với buổi đối thoại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau đó đã đính chính lại ý kiến của TS. Trần Du Lịch. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là khó nhất mà là dễ nhất".

Tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ rất vui và tự hào về TP.HCM khi diễn đàn HEF đã bước sang lần tổ chức thứ 5.

"Mỗi lần tổ chức, quy mô ngày càng lớn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề ngày càng sâu sắc, đặc biệt là nhận được sự tham gia của bạn bè và đối tác quốc tế", Thủ tướng chia sẻ.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ đề của HEF 2024 về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM. Đồng thời, đây cũng là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế.

Do đó, HEF 2024 rất có ý nghĩa với TP.HCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng sau diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm "phần quà" là kiến thức mà diễn đàn mang lại. "Từ sáng đến giờ, tôi cũng đã học hỏi rất nhiều và hiểu được nhiều vấn đề do các diễn giả trao đổi", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Chính phủ phải nắm chắc tình hình của quốc tế, khu vực và nội tại Việt Nam. Ông nhắc lại phần trình bày của một đại biểu từ Hàn Quốc tại HEF 2024 vào sáng cùng ngày, về việc phát triển công nghiệp phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, chứ không nhất thiết là công nghiệp hóa đơn thuần hay là các ngành công nghiệp đơn thuần khác.

"Tôi muốn nói để thấy rằng thể chế hóa cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thế giới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai là vấn đề xây dựng thể chế. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi rất nhiều luật, trong đó có Luật Giao dịch điện tử, đang xây dựng Luật Dữ liệu, Luật Môi trường, trước đó là Luật Đất đai, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...

Thủ tướng cho biết trong kỳ họp thứ 8 lần này, Quốc hội sẽ thông qua các luật và sửa đổi các luật nhiều nhất từ trước đến nay, tổng cộng sẽ có khoảng 16-17 luật được thông qua và hơn 10 luật được thảo luận. Ngoài ra, cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện.

"Thứ ba, muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa. Thứ tư, phải hình thành quản trị phù hợp chuyển đổi. Thứ năm, phải đào tạo nguồn nhân lực có chiến lược, có kế hoạch, lộ trình, bước đi, mục tiêu", Thủ tướng nói thêm.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng cần huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế.

"Ví dụ như từ sáng đến giờ nghe chia sẻ của bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn, kinh nghiệm hơn, bản lĩnh tự tin hơn để thực hiện chuyển đổi. Việc chuyển đổi này là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay", Thủ tướng chia sẻ.

Liên quan đến việc phát triển kinh tế tuần hoàn, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện.

"Chủ trương của Đảng đã rất rõ, pháp luật đang được hoàn thiện dần. Việt Nam nói chung và Chính phủ nói riêng đang tập trung vào 2 nội dung: Nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân, mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định", Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/dat-cau-hoi-voi-thu-tuong-la-de-nhat-post1500075.html
Zalo