Đất cằn 'nở hoa'

'Canh tác nhiều năm, đất đai nào cũng bạc màu' - đó là lời khẳng định của những chủ vườn. 'Cái khó ló cái khôn' những người nông dân đã biến đất cằn 'nở hoa' theo cách mà họ muốn. Họ không chỉ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mà còn ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng sản lượng, tạo ra sản phẩm hàng hóa tốt hơn về chất lượng.

Đất nhả “tinh hoa”

Về thôn Làng Làm, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) hôm nay, mới thấy người Mông ở đây đã thay đổi nếp nghĩ, cánh làm rất nhiều so với trước đây. Anh Vàng Quang Phòng dẫn chúng tôi thăm vườn hồng xiêm bắt đầu cho bói quả bảo: “Ngày trước người Mông chỉ trồng ngô. Nương nào bạc màu thì bỏ làm chỗ khác nhưng giờ không thế nữa. Như nhà mình đã cải tạo lại vườn trồng hơn 500 cây hồng xiêm xoài Thái Lan đã hơn 4 năm, đang cho quả năm đầu 220 cây.

Vừa rồi chín một lần, to thì 5 quả/kg, nhỏ hơn thì 7 quả/kg với giá 20 nghìn/kg, đã thu được khoảng 20 triệu đồng. Chưa kịp quảng cáo đã bán hết rồi”. Anh Phòng phấn khởi: “Hy vọng cây hồng xiêm này sẽ đem đến nguồn thu nhập khá cho gia đình. Qua quá trình trồng, tôi thấy cây hồng xiêm xoài này khá dễ tính, cây sinh trưởng và phát triển tốt trên đất cằn, chi phí đầu tư, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh thấp hơn cây cam. Hơn nữa, khi cây trồng này phù hợp với đất Làng Làm sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người Mông ở đây”.

Cán bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thăm mô hình hồng xiêm xoài của gia đình anh Vàng Quang Phòng, thôn Làng Làm.

Cán bộ xã Kiến Thiết (Yên Sơn) thăm mô hình hồng xiêm xoài của gia đình anh Vàng Quang Phòng, thôn Làng Làm.

“Theo tính toán của các nhà vườn, trồng hồng xiêm xoài ở Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Ninh giá trị trung bình đạt 500 - 600 triệu đồng/ha sau khoảng 5 - 6 năm trồng. Loại cây này khá phù hợp với đất soi bãi, ven suối của xã Kiến Thiết. Kỳ vọng đây sẽ là cây trồng có thể nhân rộng trong những năm tới” - Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Lục Chí Hiếu nói.

Câu chuyện ông Trần Văn Tú ở thôn Ao Sen 1, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cải tạo khu đất đồi cằn cỗi, ruộng trũng kém hiệu quả thành khu vườn trù phú vẫn được người dân thán phục. Ông Tú kể: “Năm 1988, sau hơn ba năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận tỉnh Hà Giang, xuất ngũ trở về quê hương, tôi loay hoay cải tạo 1,5 ha vườn chè cỗi, ruộng thụt ở thôn 20, xã Đức Ninh mãi nhưng do đất bạc màu lại thiếu nước nên không mang lại giá trị kinh tế khiến ông đau đầu ngày đêm. Năm 2017, một lần tình cờ biết đến cây ba kích vừa cho kinh tế vừa có khả năng hợp với đất cằn, tôi đã lặn lội đi tham quan cách trồng ba kích ở tỉnh Quảng Ninh, Vĩnh Phúc để học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm”.

Dẫn chúng tôi xem vườn ba kích dưới tán bưởi và hồng xiêm, ông Tú bảo: “Năm 2021 thu hoạch xong 5 sào ba kích tím, tổng được 5 tấn củ tươi, bán với giá 130 nghìn đồng/kg. Sau đó đã trồng thêm 6 sào nữa, dự kiến cuối năm nay thu hoạch. Củ ba kích tím không lo đầu ra”. Ông Tú nhẩm tính, ba kích trồng mà chăm sóc tốt sau 3 năm là thu hoạch được. Tổng chi phí thâm canh 1 sào ba kích từ 20 - 30 triệu đồng và thu về 1 tấn củ ba kích tươi.

Với giá hiện nay, người nông dân thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/sào. Chỉ cần giá từ 50 nghìn đồng/kg củ tươi là người trồng đã có lãi. Trồng cây ba kích tím hiệu quả kinh tế hơn các cây trồng khác. Ưu điểm của trồng ba kích tím, không áp lực về đầu ra vì có thể thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất thường từ tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Đặc biệt, cây ba kích tím càng để lâu, củ càng to, giá trị dược liệu và kinh tế càng cao. Với tâm lý nhiều người làm sẽ tạo ra vùng hàng hóa, ông Tú đã chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ dân có nhu cầu của xã và các xã lân cận. Đến nay đã có 16 hộ trồng ba kích tím. Ông Tú cười bảo: “Dù đất có cằn, con người cũng có cách để đất nhả tinh hoa”.

Làm nông nghiệp thông minh

Với cách làm khác biệt, vườn bưởi da xanh 7 ha của anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân (Yên Sơn) xanh tốt, cho giá trị trên tỷ đồng mỗi năm đã khiến nhiều người cảm phục. Bí quyết được anh Yên chia sẻ: “Mất nhiều công lắm! Hàng chục năm nay, tôi tìm mọi cách để phát triển vườn bưởi theo hướng hữu cơ. Một trong những yếu tố quyết định đó là tự tìm cách làm phân bón hữu cơ”.

Tận mắt xem cách làm phân hữu cơ của anh Yên, mới thấy sự sáng tạo của anh trong sản xuất. Mở một hũ ủ phân từ xương gà và cá, anh Yên dùng tay vớt chiếc xương gà mềm như bún lên phân tích, đây là xương đùi gà mới được ngâm ủ 25 ngày nhưng đã mềm và có thể đem bón cây trồng. Hũ phân này khoảng 50 lít đậm đặc có thể pha ra 300 lít để tưới 300 cây bưởi đủ dinh dưỡng trong 3 tháng phát triển mà không cần dùng thêm phân hóa học gì.

Vườn chanh tứ quý 2.000 gốc của gia đình chị Trần Thu Hạnh, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) áp dụng tưới nước tiên tiến.

Vườn chanh tứ quý 2.000 gốc của gia đình chị Trần Thu Hạnh, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) áp dụng tưới nước tiên tiến.

Trong phân hữu cơ này, cùng với xương gà là sữa bò tươi, mật mía, đậu tương, vi sinh ủ chung, tạo nên phân hữu cơ hỗn hợp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng. Anh Yên bảo: “Giá phân bón ngày càng cao, cộng với đất ngày càng bạc màu do dùng phân hóa học khiến cây bưởi có hiện tượng bó rễ.

Bao nhiêu công sức, tiền của đổ vào vườn bưởi, giờ không nghĩ cách thì “trắng tay”. Áp dụng tưới phân bón hữu cơ tự làm 3 năm, vườn bưởi của anh Yên đã có sự khác biệt rõ nét. Lá bưởi xanh đậm hơn, cây có sức sống và cho quả to hơn trước. Trung bình, một quả bưởi da xanh tại vườn anh Yên đạt 1,8 kg, nhiều quả đạt từ 2,2 - 2,4 kg, đạt loại A. Với giá bán 23 nghìn/kg, một quả đạt khoảng 45 - 50 nghìn đồng. Tiếng lành đồn xa, thương lái, người tiêu dùng đến với vườn bưởi nhà anh Yên ngày càng nhiều hơn. “Họ đến không chỉ mua bưởi mà còn xem thực hư mình có phân bón đặc biệt nữa” - Anh Yên chia sẻ.

Hơn 2.000 gốc chanh tứ quý trên đất đồi thấp của gia đình chị Trần Thu Hạnh, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên) được trồng và chăn sóc theo hướng hữu cơ và áp dụng hệ thống tưới tiên tiến (tưới nhỏ giọt) quả đẹp, cây tốt đang đem lại cho gia đình nguồn thu tiền triệu mỗi ngày.

Chị Hạnh chia sẻ: Yếu tố quyết định đến chất lượng, mẫu mã của quả chanh là phải đủ nước. Vì thế gia đình đã đầu tư hệ thống tưới tiên tiến trị giá trên 500 triệu đồng gồm khoan giếng, hệ thống ống tưới. Hiện gia đình tưới 3 ngày/lần nếu trời nắng liên tục. Nhờ có đủ nước, tỷ lệ hoa đậu quả đạt 95%. Khi lớn, quả chanh đều, đẹp, mọng nên khách buôn tìm đến tận vườn mua. Đặc biệt ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến này, gia đình được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt. Đó chính là động lực để nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”.

Chị Hạnh dẫn chúng tôi tham quan vườn chanh đã bước sang năm thứ 4 khoe: “Dự kiến năm 2024 này, vườn chanh của gia đình cho thu hoạch khoảng 40 - 45 tấn quả, với giá bán trung bình từ 20 - 27 nghìn đồng/kg thì thu được khoảng 1 tỷ đồng”.

Mỗi nông dân thành công đều có cách làm riêng, nhưng điểm chung ở họ là sự chăm chỉ học hỏi, không đầu hàng trước mọi khó khăn, thử thách. Từ trong lao động sản xuất đã phát huy được khả năng sáng tạo để thay đổi, họ đã làm đất cằn nở hoa.

Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dat-can-no-hoa-197011.html
Zalo