Đạp xe đi làm - hướng đi xanh của Hàn Quốc

Đạp xe đi làm, theo dõi hành trình, tích điểm và có cơ hội chiến thắng, đồng thời chung tay chống biến đổi khí hậu – đây là ý tưởng đơn giản nhưng hiệu quả của 'Thử thách Đạp xe đi làm' đầu tiên tại Hàn Quốc.

Ảnh minh họa làn đường dành cho xe đạp gần cầu Hangang tại thành phố Seoul. Ảnh: Yonhap

Ảnh minh họa làn đường dành cho xe đạp gần cầu Hangang tại thành phố Seoul. Ảnh: Yonhap

Sáng kiến này được Mạng lưới Khí hậu và Môi trường Hàn Quốc tài trợ, do sáu Hội đồng Phát triển Bền vững từ các thành phố Gwangju, Daegu, Daejeon, Suwon, Jeonju và Changwon chủ trì.

Sáng kiến thông minh tận dụng công nghệ và cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy sự tham gia, nâng cao nhận thức cộng đồng. Lấy cảm hứng từ "Thử thách Đạp xe Xã hội", “Đạp xe đi làm” sử dụng ứng dụng EcoBike – một nền tảng của Hàn Quốc giúp người dùng theo dõi hành trình đạp xe, tính toán lượng CO2 đã cắt giảm và tích điểm “Tago”.

Theo bài viết trên trang talkofthecities của tổ chức quốc tế ICLEI - một mạng lưới toàn cầu với hơn 1.750 chính quyền cấp vùng và địa phương cam kết phát triển bền vững khu vực đô thị, năm 2019, “Thử thách Đạp xe đi làm” đã giảm tổng lượng khí thải nhà kính lên tới 45.495 kg CO2. Chỉ trong hơn một tháng, lượng CO2 được cắt giảm tương đương lượng phát thải của 9,7 ô tô chạy trong một năm, cho thấy tiềm năng to lớn trong việc góp phần xây dựng các thành phố bền vững. Đáng chú ý, Changwon là thành phố có số lượng người đi xe đạp cao nhất trong giờ cao điểm, với tổng quãng đường đạp xe lên tới 58.618 km.

Khuyến khích đạp xe để giảm tắc nghẽn giao thông

Nhiều thành phố Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu trở thành “thành phố sinh thái lấy con người làm trung tâm, thân thiện với môi trường”. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng đang là mối lo ngại lớn. Nhờ quá trình đô thị hóa nhanh và tăng trưởng kinh tế vượt bậc, số lượng ô tô cá nhân trên đường phố Hàn Quốc đã đạt khoảng 18 triệu chiếc – gấp hơn hai lần so với năm 2000. Chỉ riêng giai đoạn 2010-2016, lưu lượng giao thông ước tăng hơn 20% do số xe cá nhân gia tăng mạnh. Tại hầu hết sáu thành phố tham gia “Thử thách Đạp xe đi làm”, có tới 50% tổng số chuyến đi được thực hiện bằng ô tô.

Để giải quyết tình trạng ách tắc và ô nhiễm không khí, các thành phố đang triển khai các chính sách khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và xe đạp. Đạp xe được xem là phương tiện giao thông sạch với nhiều tiềm năng chưa khai thác ở khu vực đô thị. Nghiên cứu cho thấy, tại nhiều thành phố trên thế giới, 35% số chuyến đi nằm trong phạm vi 5 km – tương đương 20 phút đạp xe. Việc chuyển đổi những chuyến đi ngắn từ xe cơ giới sang xe đạp giúp giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn, hạn chế phát thải CO2 và giảm ùn tắc giao thông đô thị. Sáng kiến này đã góp phần khuyến khích người dân biến đạp xe thành thói quen hàng ngày và chứng minh đạp xe có thể là cách di chuyển nhanh chóng, thú vị.

Xây dựng văn hóa đạp xe tích cực trong đô thị

Trong hơn 10 năm trở lại đây, chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường dành cho xe đạp dọc theo bốn con sông lớn và các dòng sông địa phương nhằm thúc đẩy đạp xe thể dục, du lịch và thưởng ngoạn.

Nhiều thành phố đang đầu tư cơ sở hạ tầng cho xe đạp bao gồm mở rộng làn đường, xây dựng thêm bãi để xe, mở các phòng tắm công cộng như giải pháp thay thế sạch và lành mạnh cho xe máy, ô tô. Trong “Tầm nhìn Giao thông Seoul 2030” công bố năm 2013, chính quyền Seoul xác định nhu cầu mở rộng mạng lưới đường dành cho xe đạp và các cơ sở liên quan, nhằm tạo ra không gian đô thị thân thiện với người đi bộ và xe đạp. Thành phố Suwon cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và dự kiến cải thiện mạng lưới làn đường dành cho xe đạp dài 350 km. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cho xe đạp tại nhiều thành phố vẫn còn hạn chế và chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu. Việc cải thiện cơ sở vật chất là cần thiết nhưng không đủ để tạo ra thay đổi thực sự.

Nỗi lo về an toàn khi đạp xe trong đô thị vẫn là rào cản lớn ảnh hưởng đến thay đổi hành vi cộng đồng và phát triển văn hóa đạp xe. Để khắc phục, các thành phố đang nâng cao an toàn giao thông. Giới hạn tốc độ nhiều tuyến đường đô thị đã được giảm từ 80 km/h xuống còn 60-70 km/h. Từ năm 2018, Seoul thí điểm hạ tốc độ tối đa xuống dưới 50 km/h ở một số đoạn và đạt kết quả tích cực: số vụ tai nạn giảm 15,8%, số người tử vong giảm 22,7% trong một năm ở khu vực thí điểm.

Rõ ràng, “Thử thách Đạp xe đi làm” có tiềm năng thay đổi tích cực văn hóa giao thông đô thị. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu mà còn nâng cao nhận thức về đạp xe như lựa chọn khả thi cho người đi làm hàng ngày, đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xây dựng chính sách giao thông qua các buổi tham vấn mở. Các hoạt động thi đua, trò chơi hóa qua ứng dụng không chỉ khuyến khích thói quen bền vững mà còn tạo ra cộng đồng người đi xe đạp có chung chí hướng, gắn kết trong và giữa các thành phố Hàn Quốc. Sáng kiến cũng giúp các thành phố đạt mục tiêu phân chia phương thức giao thông, đồng thời cung cấp dữ liệu để định hướng chính sách hiệu quả hơn.

Khi xe đạp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược giao thông kết hợp với phương tiện công cộng, việc phát triển các làn đường riêng sẽ mang lại không khí trong lành và đường phố an toàn hơn. Những sáng kiến đơn giản nhưng hiệu quả như “Thử thách Đạp xe đi làm” sẽ hỗ trợ tầm nhìn bền vững này thông qua công nghệ thông minh, hợp tác chặt chẽ và sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dap-xe-di-lam-huong-di-xanh-cua-han-quoc-20250717102156396.htm
Zalo