Khoai lang saponin - cây 'đổi đời' của nông dân miền Trung?
Giữa vùng đất nắng gió của dải đất miền Trung, nơi từng được biết đến với cây quế Trà My hay sâm Ngọc Linh - những biểu tượng của dược liệu quý, nay lại bừng lên một hy vọng mới mang hình hài rất đỗi thân quen: củ khoai lang. Nhưng không phải khoai lang thường gặp trong bữa ăn hằng ngày, mà là một giống khoai đặc biệt có chứa hàm lượng saponin cao, hợp chất quý được ví như 'linh hồn' của các loại dược liệu tự nhiên. Sự xuất hiện của giống khoai này đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho nông dân thành phố Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Hồng Sanh, trưởng nhóm nghiên cứu kiểm tra giống khoai lang saponin trồng thử nghiệm tại phường Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Tân An
Giống khoai “lạ” chứa chất quý như sâm Ngọc Linh
Trên một sườn đồi lộng gió ở xã Lãnh Ngọc, thành phố Đà Nẵng, giữa những luống đất còn lấm lem bùn đỏ sau cơn mưa đêm qua, chị Nguyễn Thị Hồng Sanh - người phụ nữ nhỏ nhắn mang theo giấc mơ dược liệu khẽ nghiêng mình nhổ lên một khóm khoai. Những củ khoai vàng ươm, hiện ra dưới lớp đất tơi xốp. Nhưng điều đặc biệt không nằm ở hình dáng hay màu sắc, mà ở thứ ẩn sâu bên trong củ khoai, đó chính là hợp chất saponin, hợp chất này từng chỉ được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về sâm Ngọc Linh. “Ai nghĩ khoai lang mà lại có chất quý như sâm? Nhưng thực sự nó có. Và chúng tôi đang cố gắng chứng minh điều đó bằng từng vụ trồng, từng đợt kiểm nghiệm” - chị Sanh nói, giọng rắn rỏi.
Ý tưởng về một giống khoai lang có chứa saponin đến với chị Sanh không phải từ phòng thí nghiệm, mà từ thực tiễn quan sát. Từng gắn bó với công tác bảo tồn cây thuốc, chị chú ý đến một giống khoai bản địa có vị đắng, dây xanh thẫm, mọc khỏe ở vùng đồi của xã Nam Trà My. Khi đem mẫu phân tích, nhóm nghiên cứu phát hiện hàm lượng saponin khá cao, đây là một phát hiện khiến cả những chuyên gia dược liệu cũng ngạc nhiên. Sau thời gian nghiên cứu, chọn lọc và nhân giống, giống khoai này được đưa đi trồng thử nghiệm ở nhiều nơi của thành phố Đà Nẵng như phường Hội An Tây, xã Lãnh Ngọc, xã Hòa Vang... Kết quả thu được bước đầu rất khả quan. Loại khoai lang củ vàng trồng tại phường Hội An Tây có hàm lượng saponin tổng lên đến 1,34%, dây khoai còn chứa hàm cao hơn, lên đến 1,79%. Còn loại khoai trồng ở xã Lãnh Ngọc thì cũng cho mức saponin đạt 0,67% trong củ. Con số ấy, nếu so sánh với sâm Ngọc Linh (vốn chứa khoảng 4–5% saponin) thì vẫn còn khoảng cách, nhưng với một loại cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc và phổ biến như khoai lang thì đây là đột phá lớn.
Giải bài toán kinh tế cho nông dân miền Trung
Trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn ở thành phố Đà Nẵng vẫn đang loay hoay với bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” để thích ứng với biến đổi khí hậu và thị trường nông sản bấp bênh, thì mô hình trồng khoai lang saponin nổi lên như một giải pháp khả thi. Không cần điều kiện khí hậu khắt khe như sâm Ngọc Linh, không đòi hỏi kỹ thuật canh tác quá cao, giống khoai này có thể thích nghi tốt với vùng đất đỏ bazan và thổ nhưỡng trung du vốn rất phổ biến ở nhiều xã, phường của thành phố Đà Nẵng như: phường Hội An Tây, Tam Kỳ, xã Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Trà My...
Anh Trần Văn Lực, một nông dân ngoài 40 tuổi, trú tại xã Lãnh Ngọc - nơi đang triển khai mô hình thử nghiệm, vui mừng cho biết: "Lúc đầu nghe bảo giống khoai này quý, tôi còn bán tín bán nghi. Nhưng giờ thấy củ to, năng suất khá, lại có người đến lấy mẫu đem kiểm nghiệm, thì tôi bắt đầu tin thiệt rồi. Nếu có đầu ra ổn định, thì bà con mình mừng lắm". Theo anh Lực, khoai lang là giống cây quen thuộc ở vùng trung du miền núi của thành phố Đà Nẵng. Nhưng giống khoai này đặc biệt hơn cả về sinh trưởng lẫn công dụng. Bên cạnh đó, thời gian sinh trưởng của khoai ngắn, chỉ khoảng 3-4 tháng, chi phí đầu tư không lớn, lại có thể tận dụng cả phần dây để làm dược liệu hoặc thực phẩm, giúp tăng giá trị kinh tế trên mỗi diện tích đất canh tác. Theo tính toán sơ bộ từ nhóm nghiên cứu, năng suất khoai có thể đạt từ 15-20 tấn/ha, nếu được chế biến sâu và thương mại hóa hiệu quả, giá trị thu về có thể gấp nhiều lần so với khoai lang thông thường.

Các loại khoai lang tím có chứa hàm lượng saponin cao được trồng thử nghiệm. Ảnh: Tân An
Không chỉ vậy, sản phẩm khoai lang saponin còn hướng tới phân khúc tiêu dùng cao cấp dành cho những người quan tâm đến sức khỏe và sẵn sàng chi trả cho thực phẩm giàu dược tính. Một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm chức năng tại miền Trung đã bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác bao tiêu sản phẩm, mở ra chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc phát triển giống khoai lang chứa saponin sẽ góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng trong nước. Không chỉ dừng lại ở ăn tươi, khoai có thể được chế biến thành bột, viên nang, trà hòa tan hoặc chiết xuất tinh chất. Ngoài ra, việc sở hữu hàm lượng saponin cao còn giúp giống khoai này có tiềm năng xuất khẩu. Thị trường quốc tế hiện rất quan tâm đến các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên có tác dụng bảo vệ sức khỏe. Nếu có thể xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý rõ ràng, khoai lang saponin của thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có thể vươn ra thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... - những nơi vốn rất ưa chuộng thực phẩm dược tính.
Kỳ vọng “củ khoai đổi đời”
Dù tiềm năng rất lớn, nhưng mô hình khoai lang saponin vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và cần thêm thời gian để đánh giá toàn diện về sinh trưởng, năng suất, hiệu quả kinh tế, cũng như cơ chế tác dụng của saponin trong từng giống khoai cụ thể. Để hiện thực hóa hướng đi này, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ đất đai, giống cây, hướng dẫn kỹ thuật và tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho nông dân. Đồng thời, việc kết nối với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ cũng là yếu tố then chốt nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho loại cây trồng mới. Mặt khác, cần sớm tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu để xác định chính xác cơ chế tích lũy saponin trong khoai lang, tối ưu quy trình trồng trọt và chế biến nhằm giữ được hàm lượng hợp chất quý này sau thu hoạch. Việc xây dựng thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho giống khoai lang saponin cũng cần được quan tâm từ sớm.
Một chuyên gia về dược liệu tại thành phố Đà Nẵng khi khảo sát mô hình trồng khoai saponin đã nhận định: “Nếu các cấp chính quyền và các hộ nông dân làm bài bản, có thể hình thành một chuỗi giá trị: từ vùng nguyên liệu, chế biến sâu, xây dựng sản phẩm đến mở rộng xuất khẩu. Đây là hướng đi hoàn toàn khả thi trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng đang tăng trưởng mạnh”.
Người nông dân thành phố biển Đà Nẵng vốn quen lam lũ với ruộng khoai, ruộng sắn. Nhưng lần này, họ không chỉ kỳ vọng vào những bữa cơm no, mà còn tin vào giấc mơ lớn hơn, đó là giấc mơ làm giàu từ chính củ khoai của quê hương. Giống khoai lang chứa saponin nếu được định hướng và phát triển đúng cách thì không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà còn là cầu nối giữa tri thức khoa học với thực tiễn sản xuất, giữa tiềm năng dược liệu và sinh kế bền vững. Giống như hành trình đi lên của sâm Ngọc Linh, biết đâu một ngày không xa, khoai lang saponin sẽ trở thành thương hiệu được nhắc đến với sự tự hào, một sản phẩm vừa gần gũi, vừa quý giá, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp miền Trung.