Đáp ứng vốn vay ưu đãi để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Bên cạnh nguồn vốn được Trung ương giao, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Bên cạnh nguồn vốn được Trung ương giao, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Tín dụng chính sách giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Nà Phòn (Mai Châu) phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Tín dụng chính sách giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Nà Phòn (Mai Châu) phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hòa Bình là tỉnh miền núi với đồng bào DTTS chiếm đa số. Hiện nay, tỉnh có 1 huyện nghèo (Đà Bắc), 145 đơn vị cấp xã thuộc vùng DTTS&MN, 507 thôn, xóm đặc biệt khó khăn. Do đó, nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế của người dân còn rất cao. Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ở vùng đồng bào DTTS&MN, tín dụng chính sách (TDCS) ghi đậm dấu ấn, thực sự là "bà đỡ” cho bà con vươn lên. Như chia sẻ của bà Mùa Y Số (dân tộc Mông), xóm Cang, xã Pà Cò (Mai Châu), rằng: "Nếu không có vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi sẽ không có được đàn bò như bây giờ, đời sống chắc vẫn còn nhiều khó khăn lắm”.

Ghi nhận thực tế tại các vùng quê trong tỉnh cho thấy, nhiều hộ đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu khi có sự đồng hành của TDCS. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận hộ dân gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, hoặc chưa được vay mức tối đa để đầu tư phát triển kinh tế. "Có được sự thay đổi như ngày hôm nay có vai trò rất quan trọng của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Ở trong xóm, hầu như hộ nào cũng từng được vay vốn để chăn nuôi, trồng trọt. Những năm gần đây, NHCSXH triển khai nhiều chương trình cho vay, điều chỉnh mức vay. Điều này rất phù hợp với nhu cầu thực tế, tuy nhiên nhiều hộ chưa được vay mức tối đa nên bày tỏ mong muốn được NHCSXH tạo điều kiện thêm về nguồn vốn”, đó là chia sẻ của bà Bùi Thị Niên, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xóm Ong Man, xã Chí Đạo (Lạc Sơn).

Thấu hiểu niềm mong mỏi chính đáng đó, những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã không ngừng nỗ lực trong việc huy động các nguồn vốn. Nổi bật là bước đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội. Đến ngày 31/7/2024, tổng nguồn vốn TDCS trên địa bàn tỉnh đạt 5.104 tỷ đồng, tăng 3.236 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn huy động dân cư là 308 tỷ đồng, nguồn tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV là 141 tỷ đồng với 100% tổ viên vay vốn đều tham gia gửi tiền tiết kiệm. Đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH các cấp đạt 202 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng, gấp 32 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.

Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh nhấn mạnh: Chi nhánh luôn xác định, ngoài nguồn vốn được Trung ương giao thì việc huy động các nguồn lực tại địa phương để thực hiện các chương trình TDCS là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, chi nhánh đã tích cực, chủ động tham mưu và triển khai nhiều giải pháp để huy động nguồn vốn tại địa phương. Mới đây, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã phát động phong trào "gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH, chung tay vì người nghèo” đến các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp để vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH. Qua đó giúp NHCSXH bổ sung thêm nguồn vốn để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là hộ DTTS&MN.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/192630/dap-ung-von-vay-uu-dai-de-dong-bao-dan-toc-thieu-so-vuon-len.htm
Zalo