Đáp ứng 10/10 tiêu chí điều kiện khi kiểm định sẽ là thách thức đối với CSGDĐH
Dự thảo Thông tư mới đề xuất thêm mức 'Đạt có điều kiện' (cần cải tiến chất lượng tối đa trong vòng 18 tháng) là một tiếp cận theo hướng mở cho các CTĐT.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học để lấy ý kiến dư luận.
Bổ sung thêm mức “đạt có điều kiện” đối với kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, đề xuất thêm các tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng là những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT về kiểm định chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm - gọi tắt là Thông tư 04 và thay thế các Thông tư có liên quan).
Dự thảo Thông tư mới bao gồm bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Dự thảo hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các cơ sở giáo dục đại học.
Hướng tiếp cận mở cho các chương trình đào tạo
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc -Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mức “đạt có điều kiện” đã và đang được các tổ chức kiểm định quốc tế (FIBAA, ABET…) áp dụng.
Việc “đạt có điều kiện” xảy ra khi tiêu chuẩn hoặc tiêu chí của chương trình đào tạo chưa thể hiện/chứng minh được tính bền vững trong quá trình vận hành. Thời gian cho phép để thực hiện các hành động cải tiến của các tổ chức kiểm định quốc tế cũng khác nhau, tùy theo mức độ mà chương trình đào tạo được cho thời gian 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng…
Dự thảo Thông tư mới đã đề xuất thêm mức “Đạt có điều kiện” (cần cải tiến chất lượng tối đa trong vòng 18 tháng), đây là một tiếp cận theo hướng mở cho các chương trình đào tạo, để các chương trình có thời gian triển khai hành động cải tiến. Và thời gian 18 tháng là thời gian tối đa cho phép.
Như vậy, chương trình đào tạo hoàn toàn có thể cải tiến tiêu chuẩn/tiêu chí chưa đạt trước thời hạn 18 tháng, vì tính chất/nội dung cải tiến của từng hoạt động sẽ cần một khoảng thời gian khác nhau.
Do đó, thời gian tối đa 18 tháng là hợp lý, vì nếu lâu hơn, khi đó các số liệu thống kê, các báo cáo tổng hợp… có thể sẽ thay đổi so với thời điểm đánh giá.
Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Lê Ngọc – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý chất lượng – Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, theo Điều 13 (Quy trình và chu kỳ), Khoản 2 của Dự thảo: Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo được thực hiện theo chu kỳ 05 năm đối với chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt.
Đối với đơn vị “đạt có điều kiện” có thời gian 18 tháng (1,5 năm, tức là bằng 30% một chu kỳ kiểm định) để cải tiến theo tôi thời gian này là phù hợp để các đơn vị tiếp tục cải tiến chất lượng, không quá ngắn. Cơ sở giáo dục đại học cải tiến chất lượng các tiêu chí chưa đạt trong khoảng thời gian này để được đánh giá lại mức đạt là phù hợp.
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghệ Miền Đông, việc đề xuất thêm mức “đạt có điều kiện” trong dự thảo Thông tư mới nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học có thời gian cải thiện và đạt tiêu chuẩn kiểm định là một động thái tích cực.
Thời gian 18 tháng là đủ để các cơ sở giáo dục đại học nhận thức rõ các thiếu sót và thực hiện các biện pháp cải tiến cần thiết. Khoảng thời gian này tạo ra áp lực vừa đủ để các trường không bị trì hoãn quá lâu nhưng vẫn có đủ thời gian để triển khai các cải tiến cần thiết.
Đồng thời, khi có khung thời gian cụ thể có thể thúc đẩy các trường đại học nhanh chóng triển khai các cải tiến và đổi mới trong chương trình đào tạo, nhằm đạt được mức độ chất lượng mong muốn.
Vì vậy, thời gian 18 tháng có thể được xem là hợp lý và có thể đủ cho một số trường đại học nếu họ đã có kế hoạch cải thiện rõ ràng và quyết tâm thực hiện.
Một số thách thức đặt ra cho các chương trình đào tạo
Bên cạnh đó, so với Thông tư 04, dự thảo lần này có 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các chương trình đào tạo cần đạt 10/10 tiêu chí điều kiện thì mới đạt chất lượng.
Chia sẻ về điểm mới này, thầy Phúc cho biết, đây sẽ là một thách thức đặt ra cho các chương trình đào tạo. Vì những tiêu chí này theo báo cáo thống kê của các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế, thường là những tiêu chí mà các chương trình đào tạo chưa đạt hoặc đạt với kết quả không cao. Do đó, các chuyên gia đảm bảo chất lượng cho rằng việc đưa các tiêu chí ràng buộc sẽ định hướng cho các chương trình đào tạo tập trung các hoạt động cải tiến thực trạng trên, hướng đến bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo toàn diện.
“Khó khăn đối với các chương trình đào tạo là việc đo lường chuẩn đầu ra ở cấp độ học phần và chương trình đào tạo. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cũng như biểu mẫu về vấn đề này. Các chương trình đào tạo đang triển khai phần lớn dựa trên kinh nghiệm kiểm định quốc tế từ các yêu cầu của ABET, AUN-QA, FIBAA… Với cách tiếp cận và cải tiến rõ nét hiện nay, tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có các hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục”, thầy Phúc chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền, quy định này sẽ giúp chuẩn hóa chất lượng các chương trình đào tạo, đảm bảo rằng sinh viên được học tập trong môi trường đạt chuẩn và nhận được chất lượng giáo dục đồng nhất. Điều này cũng góp phần nâng cao uy tín của các cơ sở giáo dục, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, việc đạt 10/10 tiêu chí bắt buộc có thể đặt ra áp lực lớn cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những trường chưa có sự đầu tư đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, và chương trình đào tạo.
Việc đáp ứng 10/10 tiêu chí điều kiện là một thách thức lớn đối với các cơ sở giáo dục, đòi hỏi sự đồng bộ hóa từ chuẩn đầu ra đến cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy, và đánh giá kết quả học tập.
Các cơ sở sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc điều chỉnh chương trình đào tạo, đảm bảo đội ngũ giảng viên đủ chất lượng, và duy trì cơ sở vật chất, học liệu phù hợp. Những yêu cầu khắt khe này có thể tạo áp lực lớn về tài chính, nhân lực và thời gian, đồng thời đòi hỏi sự đổi mới liên tục trong quá trình giáo dục và quản lý.
Tuy nhiên, theo cô Huyền, việc tuân thủ đầy đủ các tiêu chí này sẽ mang lại những lợi ích đáng kể, bao gồm việc nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường uy tín của cơ sở đào tạo, và khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường.
Điều này không chỉ giúp cơ sở giáo dục thu hút được sinh viên và đối tác mà còn mở ra cơ hội hội nhập quốc tế, từ đó khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục quốc gia và toàn cầu. Sự minh bạch và nhất quán trong quá trình kiểm định chất lượng cũng giúp tạo dựng niềm tin đối với xã hội và người học.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư mới đề xuất 8 tiêu chuẩn với 52 tiêu chí. So với Thông tư 04, bộ tiêu chuẩn mới đã được rút gọn 3 tiêu chuẩn nhưng tăng thêm 2 tiêu chí (Thông tư 04 gồm 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí).
Chia sẻ về vấn đề này, theo thầy Phúc, dự thảo Thông tư mới đã rút gọn 3 tiêu chuẩn, thật ra không phải bỏ đi các tiêu chuẩn, mà là có sự bố trí/phân bổ lại các tiêu chí trong từng tiêu chuẩn, phù hợp với chu trình cải tiến chất lượng liên tục Plan-Do-Check-Act.
Có thể thấy, tiêu chuẩn 10 trong Thông tư 04 được lồng ghép vào thành các tiêu chí của 8 tiêu chuẩn trong dự thảo Thông tư mới.
Việc xuất hiện các tiêu chí liên quan đến đánh giá và đo lường mức độ đạt được chuẩn đầu ra ở cấp độ học phần và cấp độ chương trình đào tạo trong dự thảo Thông tư mới là một tiếp cận phù hợp với xu hướng kiểm định quốc tế. Đây là một trong những vấn đề mà các bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế quan tâm hàng đầu. Do vậy, đây cũng là một điểm mới và thách thức cho các chương trình đào tạo.
Còn theo cô Huyền, việc rút gọn từ 11 xuống còn 8 tiêu chuẩn giúp các cơ sở giáo dục tập trung hơn vào những khía cạnh cốt lõi và quan trọng nhất của chương trình đào tạo.
Điều này có thể giảm bớt sự phân tán và tăng cường hiệu quả trong việc triển khai các tiêu chí; Sự giảm bớt tiêu chuẩn có thể giúp đơn giản hóa quy trình kiểm định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc thực hiện và theo dõi các tiêu chí, từ đó nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn một cách toàn diện hơn.
Tuy nhiên, mặc dù số lượng tiêu chuẩn giảm, nhưng số lượng tiêu chí tăng và yêu cầu nghiêm ngặt hơn có thể tạo áp lực lớn hơn cho nhà trường trong việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo.
Sự thay đổi này đòi hỏi nhà trường phải điều chỉnh lại các quy trình quản lý, đánh giá và phát triển chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu mới.
Nhà trường cần thời gian để thích nghi với cấu trúc tiêu chuẩn và tiêu chí mới, đặc biệt là trong việc điều chỉnh các quy trình nội bộ và hệ thống đánh giá.
Cùng bàn về vấn đề này, theo thầy Ngọc, việc thay đổi số lượng tiêu chí lên 52 tiêu chí (tăng 2 tiêu chí), trong đó có 10 tiêu chí điều kiện rõ ràng để đạt được nhiều tiêu chí thì sự khó khăn cũng tăng lên, tuy nhiên điều này không gây nhiều khó khăn cho Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc thay đổi số lượng tiêu chuẩn còn 8 tiêu chuẩn (giảm 3 tiêu chuẩn), mỗi tiêu chuẩn có từ 5 đến 8 tiêu chí; điều kiện để một tiêu chuẩn đạt là có không quá 2 tiêu chí không đạt sẽ mang lại thuận lợi cho trường, vì khả năng đạt các tiêu chuẩn sẽ cao hơn.
Góp ý cho dự thảo
Góp ý cho dự thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền chia sẻ, dự thảo nên cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về cách đo lường và đánh giá các tiêu chí, nhằm tránh sự mơ hồ và đảm bảo tính nhất quán trong quá trình kiểm định giữa các cơ sở giáo dục.
Đồng thời, cần có sự linh hoạt trong việc áp dụng các tiêu chí đối với từng loại hình cơ sở giáo dục khác nhau, nhằm đảm bảo tính phù hợp và khả thi trong thực hiện.
Bên cạnh đó, đề xuất bổ sung các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, như cung cấp tài liệu hướng dẫn, tổ chức các buổi tập huấn cho các cơ sở giáo dục trong quá trình chuyển đổi và thực hiện các tiêu chí mới.
CŨng theo cô Huyền, trước khi áp dụng rộng rãi, có thể tổ chức thí điểm tại một số chương trình ở một vài trường đại học để rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của bộ tiêu chuẩn mới.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc: “Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo theo định hướng OBE từ năm 2016. Hiện nay, Nhà trường đang có 06 chương trình đào tạo đạt chuẩn ABET, 20 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA và 10 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng theo Thông tư 04.
Với sự kế thừa kinh nghiệm và góp ý của chuyên gia trong nước và quốc tế, các chương trình đào tạo của Nhà trường hiện đang triển khai hoạt động đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra cấp học phần và chương trình đào tạo.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Do đó, tôi cũng mong muốn có được những hướng dẫn cụ thể, những buổi tập huấn, hội thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đo lường chuẩn đầu ra này”,