Đắp chăn dày khi trời lạnh có tốt không?
Một trong những lựa chọn phổ biến để giữ ấm khi ngủ trong thời tiết giá lạnh hiện nay là những chiếc chăn dày. Nhưng liệu ngủ với chăn dày thực sự có ích hay không?
Đắp chăn dày, nặng có thể giúp chữa mất ngủ
Chăn dày sẽ giúp cơ thể cảm nhận như đang được ôm ấm áp lúc ngủ. Theo nghiên cứu mới do nhóm nghiên cứu của Đại học Flinders và Đại học Adelaide (Úc) dẫn đầu, yếu tố ấm áp này mang lại 3 lợi ích chính: thúc đẩy tâm trạng, giảm phụ thuộc vào thuốc ngủ và cải thiện giấc ngủ.
Nhóm nghiên cứu cho biết bằng chứng này đủ mạnh để các chuyên gia y tế chính thức khuyến nghị sử dụng chăn dày cho các bệnh nhân mất ngủ.
"Trong trị liệu, chăn dày đang được dùng phổ biến như một công cụ hỗ trợ ở nhiều lứa tuổi, song hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn lâm sàng nào về việc sử dụng chúng", chuyên gia y khoa Suzanne Dawson, làm việc tại Đại học Flinders, nói.
Ngoài khả năng giữ ấm, chăn dày còn được biết đến với tác dụng tạo áp lực đều lên cơ thể. Được biết, chăn dày được thiết kế với các chất độn như hạt thủy tinh, bông hoặc quả bóng nhựa giúp tăng thêm trọng lượng.
Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy những bệnh nhân bị mất ngủ kinh niên trong độ tuổi từ 20 đến 66 ngủ lâu hơn và ít trở mình hơn khi được đắp một chiếc chăn có trọng lượng. Các bệnh nhân cho biết họ thấy dễ ngủ hơn khi sử dụng chăn và cảm thấy sảng khoái hơn vào buổi sáng.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí nghiên cứu về giấc ngủ Journal of Sleep Research, cho thấy đắp chăn dày, nặng giúp tăng cường 32% quá trình sản xuất hormone melatonin, giúp mọi người ngủ sâu và ngon hơn. Melatonin được não tiết ra một cách tự nhiên mỗi đêm để điều hòa nhịp sinh học và giúp cơ thể thư giãn.
Tiến sĩ Tracy Marks, nhà tâm lý học đến từ Atlanta, giải thích những chiếc chăn nặng từ lâu đã được biết đến như một "chất" hỗ trợ giấc ngủ. Theo đó, chăn kích hoạt dây thần kinh phế vị và hệ thần kinh đối giao cảm. Hệ thống này giúp giảm sản xuất hormone căng thẳng cortisol và tăng tiết hormone hạnh phúc serotonin.
"Khi đắp chăn nặng, cơ thể cảm thấy như được ôm chặt, từ đó kích thích sản xuất các loại hormone hạnh phúc như serotonin và dopamine trong não, giúp mọi người bình tĩnh, giảm lo lắng, dễ đi vào giấc ngủ hơn. Đó là lý do tại sao chăn trọng lực giúp chống lại chứng mất ngủ và các vấn đề về giấc ngủ", bà Tracy nói.
Đắp chăn dày giúp giảm lo lắng
Rối loạn lo âu là tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan quan nhiều đến tình trạng lo lắng, sợ hãi, căng thẳng… Việc thường xuyên lo lắng hoặc lo lắng thái quá có thể khiến bạn mất tập trung, căng thẳng và luôn trong tình trạng cảnh giác. Rối loạn lo âu là một trong những tình trạng sức khỏe tâm thần phổ biến nhất, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau, thậm chí là trẻ em.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc kê đơn hoặc liệu pháp tâm lý, một nghiên cứu năm 2020 cho thấy chăn có trọng lượng cũng mang lại hiệu quả rất tốt.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư trợ giảng tại Đại học Vanderbilt (Mỹ), ông Brian Wind cho rằng cảm giác dày, nặng của chăn có trọng lượng sẽ kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm của con người, làm giảm nhịp tim khi chúng ta bắt đầu cảm thấy lo lắng và làm giảm bớt các chức năng cần năng lượng cao.
Chọn chăn như thế nào để phù hợp với nhu cầu sử dụng?
Để sử dụng chăn dày đúng cách, nên chọn loại chăn có trọng lượng khoảng 10% trọng lượng cơ thể người sử dụng. Điều này đảm bảo rằng chăn đủ nặng để tạo ra hiệu ứng mong muốn nhưng không quá nặng đến mức gây khó chịu.
Chất liệu cũng là yếu tố quan trọng khi chọn chăm vào mùa đông. Các chất liệu như vải cotton, lông cừu, vải tencel, len sẽ giúp giữ ấm hiệu quả trong thời tiết lạnh giá.
Khi chọn chăn vào mùa đông, nên chọn các loại có màu sắc ấm áp như màu nâu, màu đỏ, vàng hoặc hồng,... Những gam màu rực rỡ sẽ giúp không gian trong phòng sẽ ấm cúng hơn vào mùa đông giá rét.
Trước khi chọn chăn, các gia đình nên đo đạc kỹ kích thước của đệm hay ruột chăn. Nếu đang muốn mua một chiếc chăn cho cả gia đình thì hãy hướng đến chọn loại chăn lớn, có kích thước khoảng 2mx2m2 hoặc 2m2x2m4.
Tuy có lợi là vậy nhưng chăn dày không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc những người có vấn đề về hô hấp vì chúng có thể gây khó khăn khi cử động hoặc thở.