Đáp án cho bài toán sinh tồn

Năm 2024 qua đi, để lại bức tranh an ninh lương thực toàn cầu với những gam màu tương phản sâu sắc.

Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Al-Shati ở phía Tây thành phố Gaza ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Các em nhỏ chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại trại tị nạn Al-Shati ở phía Tây thành phố Gaza ngày 7/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Con số dự báo sản lượng hơn 2.854 triệu tấn ngũ cốc do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố không thể che lấp thực tế nghiệt ngã rằng hàng trăm triệu người vẫn đang vật lộn với đói nghèo, đặc biệt là ở những khu vực bị tàn phá do xung đột và thiên tai. Nguy cơ thiếu hụt 7 triệu tấn gạo trong năm 2024 cùng tỷ lệ mất an ninh lương thực toàn cầu tăng lên 30,4% đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng cách ngày càng nới rộng giữa nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực.

Những con số nêu trên mới chỉ là "khúc dạo đầu" cho một năm 2025 đầy thách thức. Cuối tháng 11/2024, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) công bố báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2025, trong đó nhấn mạnh khoảng 343 triệu người ở 74 quốc gia đang phải đối mặt với mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 10% so với năm trước. Nhu cầu hỗ trợ 123 triệu người dễ bị tổn thương nhất lên tới 16,9 tỷ USD, trong khi WFP buộc phải cắt giảm quy mô cứu trợ do thiếu hụt tài chính. Hiện có 783 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn, tăng 7% so với cùng kỳ. Chỉ số giá lương thực của FAO cũng tăng bình quân 15%, với Venezuela là ví dụ điển hình khi giá thực phẩm tại quốc gia này đã tăng gấp đôi chỉ trong nửa năm, buộc 90% dân số phải cắt giảm khẩu phần ăn. Những dữ liệu này không chỉ phản ánh thực trạng của năm 2024, mà còn là lời cảnh báo khẩn cấp cho năm 2025.

Biến đổi khí hậu vẫn là “cơn ác mộng” lớn nhất ám ảnh an ninh lương thực, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan không ngừng gia tăng về tần suất lẫn cường độ. Năm 2024 đã chứng kiến hạn hán triền miên ở vùng Sừng châu Phi, lũ lụt hoành hành ở Bangladesh, Philippines, Việt Nam và nắng nóng khốc liệt thiêu đốt miền Nam nước Mỹ, Brazil... đã bẻ gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá lương thực lên cao. Riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 88 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khí hậu cực đoan. Tại Ấn Độ, hiện tượng El Ninõ đã khiến sản lượng gạo giảm 12%, kéo theo giá gạo trên thị trường quốc tế tăng tới 35%. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại châu Phi hạ Sahara, Đông Nam Á và Nam Mỹ khiến nguồn cung lúa mì, ngô và gạo rơi vào bấp bênh, đẩy người dân nghèo vào cảnh khốn cùng. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo El Ninõ có thể kéo dài đến giữa năm 2025, làm dấy lên nỗi lo các đợt lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt bất thường sẽ tiếp tục tàn phá hệ thống nông nghiệp toàn cầu.

Không chỉ biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang cũng làm trầm trọng thêm vào bài toán an ninh lương thực. Tình hình bất ổn tại Ukraine – “vựa lúa mì” lớn của thế giới – đã gây xáo trộn trên thị trường lương thực toàn cầu suốt năm 2024. Trong khi đó, căng thẳng tại Biển Đỏ cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen, còn nội chiến ở Sudan phá hoại ngành nông nghiệp nội địa và chặn đứng các nỗ lực viện trợ nhân đạo. Dù các nỗ lực hòa giải ở Ukraine và việc mở rộng Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen có thể phần nào “hạ nhiệt” thị trường, nhưng nguy cơ xung đột leo thang vẫn luôn hiện hữu.

Nguy cơ từ các biến thể COVID-19 mới và các đại dịch tiềm ẩn, cùng với sự phục hồi kinh tế không đồng đều sau đại dịch cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận lương thực của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Dân số thế giới tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, cùng với xu hướng tiêu dùng các sản phẩm giàu protein, tạo thêm áp lực cho nguồn cung lương thực.

Trong bối cảnh đầy thách thức đó, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng với xuất khẩu và xuất siêu nông sản đạt kỷ lục trong năm 2024, trở thành “đòn bẩy” quan trọng cho mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3,3-3,4% và đưa kim ngạch nông sản lên 64-65 tỷ USD vào năm 2025. Chính phủ Việt Nam xác định nông nghiệp công nghệ cao là mũi nhọn, đồng thời phát triển các giống cây trồng chịu mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững. Xu hướng này cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Israel, Kenya và Australia, nơi trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị bay không người lái và kỹ thuật canh tác hiện đại được áp dụng để tăng năng suất và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tuy nhiên, nỗ lực của riêng một số quốc gia rõ ràng không thể xóa đi mọi bất ổn. Năm 2025 tiếp tục được dự báo là một năm chông gai, khi WFP ước tính cần ít nhất 30 tỷ USD để duy trì hoạt động viện trợ tại những “điểm nóng” như Yemen, Syria, Ethiopia – và đó mới chỉ xử lý được “phần ngọn” của vấn đề. Để giải quyết tận gốc vấn đề, thế giới cần một giải pháp tổng thể. Đầu tư vào nông nghiệp bền vững chính là then chốt, thông qua khuyến khích mô hình canh tác hữu cơ, canh tác chính xác hay nông nghiệp bảo tồn, nhằm nâng cao năng suất gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng có khả năng chống chịu hạn hán, xâm nhập mặn hay sâu bệnh cũng là bước đi tất yếu. Ngành nông nghiệp toàn cầu cần được nâng cấp đồng bộ về hạ tầng – từ thủy lợi, kho lạnh đến giao thông – để cắt giảm lãng phí trong sản xuất và phân phối. Hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ cũng được coi là “chìa khóa”, bởi đó là cách trực tiếp nhất để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, qua đó bảo toàn năng lực canh tác trước những cơn khủng hoảng. Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội cần được duy trì tốt, đảm bảo người dân dễ bị tổn thương nhất có thể “cầm cự” khi khủng hoảng lương thực bùng phát.

Hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để cả thế giới phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ công nghệ, trao đổi nguồn lực, nâng cao khả năng chống chịu trước biến cố thiên tai, xung đột hay suy thoái kinh tế và hình thành cơ chế phản ứng nhanh với những biến cố bất ngờ. Liên hợp quốc đã kêu gọi thành lập Quỹ An ninh lương thực trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương, trong khi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang hướng tới sáng kiến “Lương thực vì tương lai” với tham vọng giảm 20% số người thiếu ăn vào năm 2030. Chỉ khi các chính phủ, tổ chức quốc tế và cộng đồng toàn cầu đồng tâm hiệp lực, việc giải quyết bài toán an ninh lương thực mới có cơ hội thành công.

Hành trình 2024 khép lại, mở ra một năm 2025 đầy thử thách. Tuy nhiên, thách thức cũng là cơ hội để thế giới tái định hình hệ thống lương thực, đẩy mạnh phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu trước mọi biến cố. Nếu chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và cộng đồng cùng chung tay đầu tư vào nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ và hợp tác hiệu quả, nạn đói có thể dần được đẩy lùi. Ngược lại, nếu thiếu quyết tâm và sự đồng lòng, nhân loại rất có thể sẽ lún sâu vào vòng xoáy bất ổn về lương thực, nơi hàng trăm triệu người bị bỏ lại phía sau. Bước ngoặt năm 2025 không chỉ định đoạt số phận của những con số thống kê mà còn quyết định liệu nhân loại có giải được "bài toán sinh tồn" này hay không.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dap-an-cho-bai-toansinh-ton-20241231093747432.htm
Zalo