Đào tạo theo cơ chế đặt hàng gặp nhiều khó khăn, trường đại học có kiến nghị

Theo lãnh đạo một số trường đại học, việc thực hiện đào tạo nhân lực theo cơ chế đặt hàng gặp nhiều khó khăn vì nguồn đặt hàng từ các địa phương còn ít.

Trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

Đào tạo theo đơn đặt hàng, gắn với nhu cầu nhân lực của địa phương là xu hướng không mới. Đến nay, việc triển khai đào tạo theo cơ chế đặt hàng đã tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh tại các trường đại học. Tuy nhiên, cơ chế này cũng đặt ra nhiều thách thức bởi chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và địa phương.

Có chính sách đặt hàng sẽ thu hút người học, nâng cao chất lượng đầu vào

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, trong ba năm qua, nhà trường đã ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đơn đặt hàng của địa phương.

“Việc triển khai thực hiện chính sách này đã tác động tích cực tới công tác tuyển sinh của nhà trường. Nhiều học sinh có kết quả học tập tốt đã lựa chọn vào các ngành đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, việc nhận được đặt hàng của địa phương, hưởng chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí từ nguồn ngân sách của địa phương cũng tác động tích cực đến quá trình học tập và rèn luyện của người học”, cô Kim Thoa cho hay.

Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng cho rằng, đào tạo theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sẽ tạo sự kết nối chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động và đơn vị đào tạo. Từ đó, công tác quản lý chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao, người học cũng có ý thức trách nhiệm với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập hiệu quả trong suốt khóa học để đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động của địa phương, đơn vị đã đặt hàng.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (Ảnh: website trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa - Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế (Ảnh: website trường)

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Võ Phúc Anh Duy - Trưởng ban Đào tạo Phân hiệu Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận cho biết, việc thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ giúp nhà trường chủ động được nguồn tuyển nếu địa phương có nhu cầu. “Ví dụ, việc thực hiện đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên, đặc biệt là những thí sinh có học lực khá, giỏi.

Việc sinh viên được miễn học phí và chi trả sinh hoạt phí đã tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn được đi học. Những năm gần đây, chất lượng đầu vào của trường được nâng cao, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo”, thầy Duy chia sẻ thêm.

Trưởng ban Đào tạo Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận cũng khẳng định, chất lượng sinh viên đầu vào tốt là tiền đề cho đầu ra tốt phục vụ thị trường lao động. Thầy Duy cho rằng để vận hành tốt được cơ chế trên, kinh phí do địa phương đặt hàng, hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, nguồn kinh phí này được chi trả, phân bổ kịp thời, đầy đủ cho nhà trường.

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh cho biết, năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho trường tuyển sinh hơn 1200 chỉ tiêu các ngành sư phạm. “Với số lượng chỉ tiêu như trên, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường tăng cao. Ngành Sư phạm Lịch sử lấy điểm chuẩn cao nhất với 28,71 điểm, cao hơn năm ngoái 0,59 điểm”, thầy Soa chia sẻ.

Theo thống kê từ Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Vinh, tỉ lệ phần trăm sinh viên sư phạm tốt nghiệp đã có việc làm luôn ở mức cao. Trong đó, 100% sinh viên ngành Sư phạm Lịch sử tốt nghiệp có việc làm. Thầy Hồng Soa cho hay, nhiều năm qua, sinh viên sư phạm tại Trường Đại học Vinh đã được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, đã góp phần giúp tình hình tuyển sinh của nhà trường hiệu quả hơn.

 Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị Học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh (Ảnh: website trường)

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị Học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh (Ảnh: website trường)

Cần có sự phối hợp đặt hàng đào tạo từ các địa phương

Theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của địa phương, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo nhiều hình thức. Mặc dù nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/ 2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022, nhưng đến nay các trường đại học vẫn gặp khó khăn khi thực hiện.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã gửi công văn đến Ủy ban nhân dân, Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều tỉnh trên cả nước về việc đặt hàng chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho địa phương; thông báo danh sách trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên theo từng địa phương và đề nghị địa phương xem xét, đặt hàng đào tạo. Tuy nhiên, trong ba năm qua, nhà trường chỉ nhận được hợp đồng đặt hàng của một địa phương. Chủ yếu trường thực hiện đào tạo chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ.

“Việc đào tạo theo nhu cầu xã hội phụ thuộc vào báo cáo của các địa phương về nguồn giáo viên trong các năm tiếp theo, nên có phần giới hạn về chỉ tiêu được giao nhiệm vụ, trong khi đó, năng lực đào tạo giáo viên của nhà trường là rất lớn.

Bên cạnh đó, khi triển khai đào tạo theo đặt hàng của địa phương, nhà trường phải phụ thuộc cơ chế đặt hàng của tỉnh đó. Do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, cân đối thu - chi ngân sách giữa các địa phương dẫn đến nhiều khó khăn khi không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên”, cô Thoa bày tỏ.

Từ thực tế triển khai, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, mặc dù nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai và cử các cố vấn học tập của từng khoa tư vấn cho người học về Nghị định 116, nhưng công tác truyền thông đến các thành phần trong xã hội, nhất là phụ huynh, sinh viên và các trường trung học phổ thông vẫn chưa thật sự sâu rộng. Điều này dẫn đến nhiều học sinh, sinh viên và phụ huynh nhận thức chưa đầy đủ về chính sách hỗ trợ của nghị định này.

Ngoài ra, ngân sách được cấp hỗ trợ đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên cũng được chốt từ học kỳ đầu tiên. Vì vậy, nhà trường gặp khó khăn trong việc nhận sinh viên chuyển trường hoặc chuyển ngành học do chưa có văn bản hướng dẫn việc điều ứng kinh phí. Việc thông báo về địa phương sinh viên đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo nhu cầu xã hội nhưng xin nghỉ học và đề nghị địa phương thực hiện thu hồi kinh phí sinh viên đã nhận hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn, do địa phương còn lúng túng trong khâu thực hiện.

Cô Kim Thoa cũng đề xuất thêm: “Đối với một số ngành, vị trí việc làm liên quan đến lĩnh vực giáo dục cũng cần quan tâm áp dụng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ để đảm bảo sự hiệu quả trong công tác đào tạo và sử dụng lao động. Chẳng hạn như ngành Tâm lý học giáo dục. Hiện nay, theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ban hành ngày 16/12/2023 có vị trí việc làm “Tư vấn học sinh”. Vì vậy, nên có cơ chế để áp dụng đối với ngành này”.

Trong khi đó, theo Thạc sĩ Võ Phúc Anh Duy, việc triển khai đào tạo theo Nghị định 116 gặp nhiều vướng mắc khi số lượng đặt hàng đào tạo của các địa phương còn ít.

“Những năm qua, nhà trường có nhận được nguồn đặt hàng từ Ủy ban nhân dân các tỉnh. Tuy nhiên số lượng còn quá ít, dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh không nhiều. Bình quân một lớp chỉ dao động từ 20 đến 30 sinh viên. Trong khi đó, nhu cầu xã hội đặt ra còn khá lớn. Ngoài các ngành sư phạm, nhà trường còn có các nhóm ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghệ kỹ thuật, kinh tế quản trị, tài nguyên môi trường… Năm 2021, trường mở thêm ngành Công nghệ kỹ thuật năng lượng tái tạo để đáp ứng thị trường lao động. Nếu các ngành này cũng có thêm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sẽ tạo thuận lợi hơn cho trường trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, việc đào tạo sẽ gắn với thị trường, nâng cao chất lượng nhân lực”, thầy Anh Duy nhận định.

 Sinh viên Phân hiệu Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận. (Ảnh: website trường)

Sinh viên Phân hiệu Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận. (Ảnh: website trường)

Thạc sĩ Võ Phúc Anh Duy cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện Nghị định 116 chưa thực sự hiệu quả. Một trong số đó là do thủ tục đấu thầu, đặt hàng giao nhiệm vụ còn nhiều phức tạp. Hiện tại, phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận chưa thực hiện công tác đấu thầu trong đào tạo giáo viên mà chỉ thực hiện việc đặt hàng từ tỉnh Ninh Thuận và chỉ tiêu do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.

Thầy Duy cũng đề xuất, để việc hoạt động theo cơ chế đặt hàng đào tạo đạt hiệu quả cao, nhà trường và đơn vị đặt hàng cần có sự phối hợp làm việc chặt chẽ, thường xuyên. Trong đó nhà trường phải cam kết chất lượng đầu ra, các đơn vị đặt hàng phải thực hiện công tác tuyển dụng theo nhu cầu. Ngoài ra, từ thực tiễn triển khai, Thạc sĩ Anh Duy mong muốn ủy ban nhân dân các tỉnh nên đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo cho các trường đóng trên địa bàn. Địa phương cũng nên chủ động trong việc đặt hàng và chi trả kinh phí kịp thời cho các cơ sở đào tạo để nhà trường chủ động trong công tác đào tạo sinh viên.

Đồng tình với quan điểm trên, Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh, sinh viên, Trường Đại học Vinh cho hay: “Hiện tại, Trường Đại học Vinh đang đào tạo sinh viên sư phạm theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao. Nhiều năm qua, trường chưa nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ các địa phương”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Soa, sự hỗ trợ của địa phương có vai trò quan trọng với nhà trường trong việc thực hiện Nghị định 116. Nếu được địa phương giao nhiệm vụ đào tạo, nhà trường sẽ có phương án cụ thể hơn trong tuyển sinh và đào tạo sinh viên.

Đồng thời, thầy Soa cũng nhấn mạnh, việc đào tạo theo đơn đặt hàng sẽ tránh được thực trạng tuyển sinh ồ ạt mà không quan tâm đến đầu ra. Mỗi địa phương sẽ có nhu cầu cụ thể về nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và ủy ban nhân dân các tỉnh, gắn chặt giữa đào tạo và sử dụng nhân lực. Khi hai bên có cam kết rõ ràng thì việc thực hiện sẽ thuận lợi, có sự cân đối trong chỉ tiêu tuyển sinh, tránh lãng phí nhân lực.

Hà Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dao-tao-theo-co-che-dat-hang-gap-nhieu-kho-khan-truong-dai-hoc-co-kien-nghi-post245272.gd
Zalo