Đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới: Nhiều cơ hội và thách thức
Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sâu rộng, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ cùng với các biến động địa chính trị và kinh tế thế giới, việc đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết về đổi mới và thích ứng.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới” do Khoa Kinh tế Quốc tế - Trường Đại học Ngoại thương tổ chức ngày 8/5, PGS.TS. Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế Quốc tế đã nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ngành Kinh tế quốc tế trong việc định hình chiến lược phát triển quốc gia và hội nhập quốc tế.

PGS. TS. Phạm Thu Hương - Phó hiệu Trường Đại học Ngoại thương phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.
Theo PGS.TS. Hoàng Xuân Bình, những năm gần đây, nền kinh tế thế giới trải qua nhiều thay đổi lớn về địa chính trị, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nhà kinh tế, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách về việc hiểu biết sâu rộng hơn, phân tích sắc bén hơn và phản ứng nhanh nhạy hơn trước các xu hướng toàn cầu.
Trong môi trường đó, đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế không thể tiếp tục đi theo mô hình truyền thống thiên về lý thuyết hàn lâm. Thay vào đó, chương trình đào tạo cần gắn chặt với thực tiễn quốc tế, nhấn mạnh tính ứng dụng, trang bị năng lực tư duy phản biện, kỹ năng nghiên cứu và khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường toàn cầu.

PGS. TS. Hoàng Xuân Bình - Trưởng khoa Kinh tế quốc tế phát biểu tại Tọa đàm.
Để thích ứng với điều này, khoa Kinh tế Quốc tế đã triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu với môn học hiện đại như Kinh tế số, Kinh tế xanh, Phân tích dữ liệu vào giảng dạy; đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua việc mời các chuyên gia từ doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành đến chia sẻ và giảng dạy, giúp gắn lý thuyết với thực tiễn một cách hiệu quả…
Nhận định công tác đào tạo sau Đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức, GS.TS. Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, một chương trình đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế hiện đại cần bao gồm các nội dung mang tính liên ngành, kết hợp kinh tế học truyền thống với các lĩnh vực công nghệ, quản trị và chính sách. Các học phần như: Kinh tế số, Thương mại điện tử, Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu, Phân tích dữ liệu kinh tế, Kinh tế học hành vi, và các chuyên đề về kinh tế xanh, phát triển bền vững…

Các diễn giả tại Tọa đàm.
Một yếu tố không thể thiếu trong đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế là phát triển kỹ năng mềm: giao tiếp, đàm phán, làm việc nhóm, thuyết trình, sử dụng công nghệ trong phân tích dữ liệu và ra quyết định. Bên cạnh đó, việc xây dựng mạng lưới kết nối quốc tế, thông qua các chương trình trao đổi, học tập ngắn hạn ở nước ngoài, hoặc liên kết với các trường đại học uy tín trên thế giới, giúp học viên mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng hội nhập.
Đào tạo sau đại học ngành Kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới không chỉ là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trên trường quốc tế. Chỉ khi có một chiến lược đào tạo bài bản, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa trong nước và quốc tế, ngành đào tạo này mới có thể phát huy hết vai trò của mình trong việc xây dựng nền kinh tế hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.

Tập thể các khách mời, diễn giả, cán bộ giảng viên trường Đại học Ngoại thương & Khoa Kinh tế quốc tế.
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những cập nhật mới nhất về xu hướng thương mại toàn cầu, chính sách đa biên, vai trò của công nghệ trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, cũng như các kỹ năng và tư duy cần thiết cho thế hệ chuyên gia kinh tế trẻ. Các bạn sinh viên, học viên và người quan tâm đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến định hướng chính sách, cơ hội tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp, cho thấy sự quan tâm sâu sắc đến định hướng tương lai và chất lượng đào tạo.
Buổi tọa đàm đã khép lại trong không khí cởi mở, truyền cảm hứng và đầy thông tin hữu ích. Đây không chỉ là một sự kiện học thuật, mà còn là diễn đàn kết nối giữa giảng viên, sinh viên, học viên và các chuyên gia trong ngành, hứa hẹn tạo ra những giá trị mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của người học trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.