Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số toàn diện
Năng lực số là khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng với nhu cầu tất yếu của việc chuyển đổi số ở mọi mặt đời sống xã hội, năng lực số đã trở thành tiêu chí quan trọng đối với nguồn nhân lực trẻ. Việc nâng cao năng lực số cho học sinh, sinh viên giúp các em có sự sẵn sàng trong việc tự làm quen, nâng cao các kỹ năng số để phục vụ cho việc học tập và phát triển sự nghiệp.
![Trường ĐH Công nghệ TPHCM.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51430679/6406e907d3493a176358.jpg)
Trường ĐH Công nghệ TPHCM.
Khung năng lực số cho người học
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/3/2025. Thông tư áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, các chương trình giáo dục, đào tạo và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích sử dụng Khung năng lực số làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học. Làm cơ sở để đánh giá yêu cầu, kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục; xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người học. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học; làm cơ sở để đối sánh hoặc tham chiếu giữa các chương trình giáo dục, khung năng lực số.
Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Người học cần đáp ứng yêu cầu về năng lực: Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; An toàn; Giải quyết vấn đề; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nói về ý nghĩa của việc xây dựng Khung năng lực số chung cho người học, bà Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Khung năng lực đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị, định hình, phát triển kỹ năng số học sinh, sinh viên, người lao động ở các khía cạnh: Trang bị nền tảng vững chắc về kiến thức, kỹ năng và thái độ liên quan đến công nghệ số; cung cấp các tiêu chí để đánh giá và tự đánh giá năng lực hiện tại, để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, đồng thời việc ban hành khung năng lực này cũng đảm bảo tính nhất quán, tiêu chuẩn hóa trên phạm vi toàn quốc, khuyến khích người học tự học, sáng tạo suốt đời. Vì vậy, ý nghĩa của khung năng lực số không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cánh cửa cho sự đổi mới sáng tạo, giúp các em học sinh, sinh viên trở thành những công dân toàn cầu, có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Đây cũng là cơ hội để thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng miền, bảo đảm rằng mọi người học dù ở thành thị hay nông thôn đều có cơ hội tiếp cận và làm chủ công nghệ.
Đây là nội dung rất mới mẻ, nghiên cứu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quốc tế và về các nội dung đang phát triển, thay đổi rất nhanh chóng. Khung năng lực này sẽ liên quan, tác động đến tất cả người học trong hệ thống giáo dục quốc dân ở các bậc học, các vùng miền có sự chênh lệch khá lớn về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ đội ngũ giảng dạy và người học.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Thời gian qua, kết quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, hoàn thành xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành và kết nối thành công với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đối với giáo dục đại học, Bộ đã ban hành mới nhiều văn bản nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Từ năm 2022, Bộ đã xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS). Đến nay, đã số hóa được dữ liệu khoảng 470 cơ sở giáo dục đại học, trên 25.000 chương trình đào tạo, trên 100.000 hồ sơ cán bộ, gần 3 triệu hồ sơ người học; kết nối, đồng bộ dữ liệu về sinh viên ra trường với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (hàng năm chia sẻ dữ liệu việc làm của khoảng 97.000 sinh viên tốt nghiệp); báo cáo dữ liệu khoảng 18.000 hồ sơ viên chức các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về cơ sở vật chất.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển, nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.
Trong đó, ngay từ năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về “Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT” và “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Năm 2024, hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 94,66%; gần 4 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến...
Cùng với các nỗ lực như trên, Khung năng lực số sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực số toàn diện cho Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết: Với vai trò là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã và đang tiên phong trong việc đưa các kỹ năng số vào trong chương trình giảng dạy và học tập. Trong thời gian qua, nhà trường đã triển khai thử nghiệm thành công các phương pháp và công cụ phát triển năng lực số cho sinh viên và giảng viên.
“Chuyển đổi số đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo đang phát triển “chóng mặt”, đã và đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Khung năng lực số cho người học là bộ tiêu chuẩn chung, phù hợp, giúp nâng cao năng lực số cho người học ở tất cả các bậc học, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực số toàn diện cho đất nước” - ông Tuấn nhận định.