Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chưa bắt kịp xu hướng phát triển
Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt cả nhân lực sơ và trung cấp trong vận hành máy móc, phần mềm… do chương trình đào tạo hiện vẫn chưa bắt kịp xu hướng phát triển nhanh về công nghệ thông tin của thế giới.
Nhiều “điểm nghẽn”
Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, NVIDIA, Intel… Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác vẫn chưa được hiện thực hóa, các tập đoàn phải tìm kiếm hướng đầu tư vào các thị trường khác do Việt Nam chưa đáp ứng được nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao về lượng và chất.
Trên thực tế, thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao không phải là câu chuyện mới, dù đã được nhắc tới hàng chục năm qua, nhưng vẫn chưa có giải pháp thấu đáo. Theo thống kê của TopDev, nền tảng tuyển dụng nhân lực ngành CNTT hàng đầu Việt Nam, thị trường lao động trong lĩnh vực này đang đối mặt với bài toán thiếu hụt kép về số lượng và chất lượng nhân lực.
Năm 2024, Việt Nam cần đến 500.000 lao động CNTT, tuy nhiên con số này hiện chỉ đáp ứng được khoảng 300.000 người. Nhu cầu tuyển dụng trong ngành CNTT được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, đặc biệt là ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên, lập trình viên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành CNTT cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Cũng theo khảo sát của TopDev, mức lương trong lĩnh vực CNTT cũng có sự chênh lệch giữa các nhóm ngành nghề. Nhóm ngành phần mềm, phát triển ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu, điện toán đám mây, hỗ trợ người dùng và quản lý dự án có mức lương cao nhất. Nhóm ngành phần mềm và phát triển ứng dụng, lập trình viên web có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, có mức lương từ 15 - 28 triệu đồng và trên 5 năm kinh nghiệm, lương từ 36 - 48 triệu đồng.
Vị trí lập trình viên ứng dụng di động ở nhóm ngành này có trên 5 năm kinh nghiệm có thể nhận lương từ 35 - 40 triệu đồng, trong khi cùng số năm kinh nghiệm này, vị trí lập trình viên trò chơi nhận lương từ 33 - 52 triệu đồng... Mức lương có thể thay đổi linh hoạt tùy theo số năm kinh nghiệm, quy mô doanh nghiệp và nhu cầu cụ thể về các kỹ năng chuyên biệt.
Tại các phiên giao dịch việc làm Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong các lĩnh vực, ngành nghề tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm cho thấy, lĩnh vực CNTT có nhu cầu tuyển dụng lớn và có xu hướng tuyển thẳng.
Chia sẻ về mức độ quan tâm của nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho biết, các nhà đầu tư đến Việt Nam trước hết quan tâm đến thị trường và ưu tiên yếu tố nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực Việt Nam được đánh giá dồi dào, trẻ, chăm chỉ học hỏi, nhưng những yếu tố này mới là điều kiện cần, chưa đủ. Nhu cầu nhân lực chất lượng cao đang là “điểm nghẽn” đối với các doanh nghiệp. Để biến tiềm năng về nguồn nhân lực trẻ thành lợi thế thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ Nhà nước đến doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Hiền, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cho hay, khi IBM mở trung tâm gia công phần mềm tại Việt Nam vào năm 2002, dù kỳ vọng tăng số lượng lập trình viên, nhưng thực tế là việc tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng là thách thức lớn. Sau hơn một thập kỷ, số lượng lập trình viên tuy đã tăng, nhưng vấn đề chất lượng, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm hạn chế. Thực tế, tuyển dụng nhân sự CNTT với số lượng nhỏ không khó, nhưng với dự án án có nhu cầu từ 200 người trở lên trở thành thách thức.
Xây dựng chính sách chuyển đổi số
Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin, có 2 vấn đề mấu chốt cơ bản, sống còn của doanh nghiệp là đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc ứng dụng CNTT và phát triển bền vững. Nhận thấy yếu tố này, những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Bộ Chính trị cũng đã ban hành nghị quyết liên quan đến chuyển đổi số, trong đó đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn trong chuyển đổi số, có nhiều giải pháp, nhưng cần bắt đầu từ chủ trương, chính sách. Theo đó, cần phải xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp với nhà trường, các tổ chức Chính phủ để đào tạo nguồn nhân lực. Từ đó, doanh nghiệp mới “gỡ khó” được những thử thách trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, cản trở nỗ lực chuyển đổi số.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Aptech Việt Nam cho rằng, các nỗ lực giải quyết công nghệ số từ trước đến nay chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ và phương pháp đào tạo, bỏ qua yếu tố then chốt đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia phát triển là việc phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học.
Theo ông Chu Tuấn Anh, thống kê mới đây của TopDev chỉ ra rằng, có tới 65% sinh viên IT tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Trên thực tế, trong 4 năm đại học, sinh viên chỉ có thời gian ngắn thực sự học các công nghệ lập trình thực tế để đi làm, phần lớn thời gian còn lại chia cho các môn đại cương, cơ sở, thực tập và làm đề án. Vì vậy, việc đặt kỳ vọng sinh viên Việt Nam có thể nắm vững các công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến chỉ trong thời gian đào tạo ngắn là điều bất khả thi. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, trước khi sinh viên vào đại học đã thành thạo 1 số công nghệ lập trình như Python, Java…
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, hiện có một nghịch lý là nhiều cử nhân CNTT vẫn thất nghiệp, trong khi doanh nghiệp không tìm được nhân lực đáp ứng yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất triển khai việc đào tạo CNTT ngay từ cấp THPT và thậm chí sớm hơn, để học sinh được trang bị nền tảng kiến thức về STEM, lập trình và tư duy logic từ sớm.
Các chuyên gia cho rằng, có thể tham khảo các mô hình đào tạo CNTT ở các nước tiên tiến, trong đó chương trình học được phân bổ hợp lý giữa các cấp học, nhằm giúp học sinh có nền tảng CNTT trước khi bước vào đại học. Ví dụ, trong chương trình giáo dục THPT tại Mỹ và Anh, môn tin học được bắt buộc với các mạch kiến thức về ứng dụng công nghệ, khoa học máy tính, giúp học sinh làm quen với các công nghệ lập trình cơ bản và xác định hướng đi nghề nghiệp trong lĩnh vực CNTT từ sớm.
Hiện nay, số lượng học sinh theo học ngành CNTT tăng cho thấy sức hấp dẫn của ngành này. Song, việc đào tạo vẫn chưa thực sự đạt được như kì vọng. Để khắc phục, bên cạnh chính sách “bệ đỡ” từ Nhà nước, các cơ sở đào tạo cũng cần thay đổi tư duy đào tạo, trong đó việc liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu là giải pháp quan trọng để tháo gỡ “điểm nghẽn” về chất lượng cao cho ngành CNTT.