Đào tạo nhân lực chuyển đổi số TP HCM

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, thu hút nhân tài… là những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số tại TP HCM

Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số sẽ làm thay đổi rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc của con người. Nguồn nhân lực tại TP HCM phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.

Cải thiện rõ rệt

Tính đến hết năm 2022, TP HCM là địa phương có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với 8.993.082 người. Trong đó, tổng số lao động là 4,7 triệu người, chiếm 8,62% lao động cả nước; lao động nhập cư chiếm gần 70% tổng số lao động.

Từ nhiều năm qua, TP HCM đã thu hút đầu tư và nhân lực cả trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp. Phần lớn trong số họ có tuổi đời trẻ, có trình độ cao so với mặt bằng chung của cả nước. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề của TP cũng là một lợi thế thu hút học sinh, sinh viên của cả nước đến học tập và ở lại làm việc, do đó nguồn cầu lao động luôn ở mức cao so với các địa phương khác. Các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng tạo sức hấp dẫn lớn đối với dân cư và lao động.

Không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực của TP HCM cũng có những cải thiện rõ rệt. Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, TP dành 26% ngân sách hằng năm cho phát triển mạng lưới giáo dục, tăng quy mô trường lớp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như: thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể các trường đại học, cao đẳng tại các khu Tây Bắc, Đông Bắc, khu Nam TP; ưu tiên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đào tạo nghề kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định trong khu vực ASEAN đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực trình độ cao. Hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách để các trường huy động nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng hiện đại. Đồng thời, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước và xu thế phát triển của khu vực và thế giới

Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực TP HCM đã có sự cải thiện rõ rệt. Số lao động có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật phù hợp với công việc được giao đang ngày càng tăng lên.

Các doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Các doanh nghiệp tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCMẢnh: Hoàng Triều

Tập trung các giải pháp về giáo dục v đào tạo

Mặc dù có sự cải thiện rõ rệt về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, song so với yêu cầu chuyển đổi số, nguồn nhân lực và quá trình quản lý, phát triển nguồn nhân lực TP HCM vẫn tồn tại một số hạn chế như: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực TP HCM vẫn còn nhiều bất cập, thể hiện tỉ lệ người lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Tồn tại bất hợp lý trong phân bổ lao động, cơ cấu lao động theo ngành nghề, lĩnh vực chưa thật phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghệ mới. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vị trí công việc trong từng ngành nghề, giữa các ngành nghề dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi thiếu…

Vì vậy TP HCM cần tập trung các giải pháp về giáo dục và đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các trường phổ thông. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường, trung tâm dạy nghề trên phạm vi cả nước. Xây dựng chiến lược giáo dục và đào tạo phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của nền kỹ thuật số. Định hướng giáo dục theo nhu cầu nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, tránh lãng phí không cần thiết khi đào tạo lao động có bằng cấp mà không được sử dụng hay sử dụng không đúng với chuyên môn được đào tạo.

Song song đó, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt phục vụ cho các chương trình, kế hoạch, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao. Làm tốt công tác dự báo cung - cầu lao động và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Mở rộng hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo nhân lực.

ThS Lương Thị Thương (Học viện Chính trị khu vực II)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dao-tao-nhan-luc-chuyen-doi-so-tp-hcm-196240712205617438.htm
Zalo