Đào tạo nhân lực cho kỷ nguyên mới: Cần sự đổi mới toàn diện
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra cơ hội bứt phá, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tái định hình tư duy giáo dục.

Sinh viên ngành Kỹ thuật ô tô, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành. Ảnh: Lê Nam
Khi đó, không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức, giáo dục thời đại mới cần chuyển mình theo hướng phát triển toàn diện cá nhân, đề cao tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng toàn cầu.
Rào cản nâng tầm nguồn nhân lực
Để nâng cao hiệu quả đào tạo và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhiều chuyên gia giáo dục đề xuất những hướng cải cách cụ thể. Với bậc cao đẳng và trung cấp, việc tập trung đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế sẽ giúp người học có được tay nghề vững vàng và khả năng thích nghi cao. Mở rộng hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng, đồng thời thiết kế chương trình linh hoạt, cập nhật thường xuyên theo xu hướng việc làm mới sẽ là chìa khóa giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, công tác đào tạo hiện còn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện từ cơ sở giáo dục đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Lâm - nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, nhận định, đào tạo nhân lực giữ vai trò trung tâm trong việc chuẩn bị đội ngũ lao động chất lượng cao, có khả năng thích ứng linh hoạt với nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Dù hệ thống giáo dục đã có nhiều nỗ lực cải cách, song vẫn tồn tại không ít bất cập như chất lượng giảng dạy chưa đồng đều giữa các đơn vị, cơ sở vật chất thiếu thốn; trong khi chương trình đào tạo chậm cập nhật và chưa sát với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.
Thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động của thành phố cho thấy, giai đoạn 2020 - 2023, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên ngày càng gia tăng, chiếm hơn 41% tổng nhu cầu hàng năm và có tốc độ tăng trung bình gần 10% mỗi năm.
Những lĩnh vực có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, giáo dục, tài chính, ngân hàng, kỹ thuật xây dựng, bất động sản, kinh doanh, thương mại... Tuy nhiên, một nghịch lý vẫn tồn tại: Nhiều lao động dù có bằng cấp vẫn thiếu kỹ năng thực hành, năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ.
Không ít doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng, nguồn nhân lực được đào tạo hiện nay chỉ mới đáp ứng một phần tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo và chuyên môn sâu như nghiên cứu - phát triển (R&D) và đổi mới công nghệ.
Những bất cập phổ biến hiện nay có thể nhận diện rõ qua việc đào tạo còn xa rời nhu cầu thực tế của thị trường, số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các ngành công nghệ cao còn hạn chế, nhân lực chất lượng cao thiếu hụt ở các ngành trọng điểm như công nghệ thông tin, y tế, kỹ thuật… Trong khi đó, doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển dụng bởi sự chênh lệch giữa yêu cầu thực tế và năng lực của ứng viên.
Thực tế tại TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và năng lực đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp và thị trường lao động đang biến đổi nhanh chóng.
Tại hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên mới” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, TS Hồ Bá Thâm - nguyên Vụ trưởng, Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật tại Cần Thơ có tham luận chỉ ra nhiều bất cập trong nguồn nhân lực hiện nay.
Theo chuyên gia này, trình độ nhân lực được đào tạo còn thấp, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm yếu, khả năng ngoại ngữ hạn chế. Tình trạng “học giả, bằng thật” vẫn tồn tại; tư duy đổi mới, tinh thần sáng tạo còn dè dặt; nhân lực khoa học - công nghệ còn thiếu; tư duy phản biện và khả năng làm việc liên văn hóa chưa cao. Đặc biệt, cơ cấu nguồn nhân lực vẫn mất cân đối - “thầy nhiều hơn thợ”, trong khi đội ngũ nhân lực tài năng và trình độ cao chưa được phát huy hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là không chỉ cải thiện chất lượng giảng dạy hay nội dung chương trình, mà còn phải tạo ra những chuyển biến thực chất ngay từ bên trong các cơ sở đào tạo. Nơi khởi nguồn của tri thức và nhân lực chất lượng cao cần đóng vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới - không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu.

Học sinh THPT trải nghiệm môi trường học tập STEM tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HCMUS
Đại học phải là trung tâm kiến tạo và kết nối
Chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, các trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo nghề đang tích cực triển khai giải pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thay vì chỉ truyền đạt kiến thức, nhiều đơn vị đã xác định mục tiêu đào tạo gắn liền với thực tiễn, lấy người học làm trung tâm và hướng tới phát triển toàn diện cá nhân - một yêu cầu sống còn trong thời đại mà cạnh tranh về nguồn nhân lực mang tính toàn cầu.
Năm 2025, các chương trình đào tạo mới của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tập trung vào những lĩnh vực chiến lược như năng lượng mới (năng lượng tái tạo và điện hạt nhân) và logistics hiện đại (phục vụ vận hành metro, sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc...). Những lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Cùng đó, nhằm phát triển toàn diện cá nhân, đề cao tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng toàn cầu, các trường đại học tích cực đẩy mạnh chương trình thu hút và bồi dưỡng học sinh giỏi, mở rộng đào tạo tài năng trong các ngành khoa học cơ bản, đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.
Các trường đại học thành viên chủ động triển khai khóa học đại chúng mở (MOOC) và chương trình đào tạo từ xa theo mô hình kết hợp (Blended Learning), nhằm tạo điều kiện tiếp cận tri thức linh hoạt và hiện đại cho người học.
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW. Theo ông, để phát triển khoa học và công nghệ, mỗi địa phương cần xây dựng đội ngũ kỹ sư, cử nhân có nền tảng vững chắc trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), đồng thời được trang bị kỹ năng thực tiễn và tư duy đổi mới.
Sự dịch chuyển trong tư duy đào tạo đã và đang mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng giữa nhà trường và doanh nghiệp. Chính mối liên kết này sẽ góp phần đưa tri thức hàn lâm trở nên gần gũi hơn với thực tiễn sản xuất, giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường lao động chuyên nghiệp, hiện đại - điều mà mọi nền giáo dục hướng tới trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Theo nhận định của GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại hội nghị “Hiện thực hóa Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia” (tháng 4/2025), các cơ sở giáo dục đại học không chỉ đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, mà còn phải trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đón đầu và làm chủ các xu hướng công nghệ tiên tiến.
“Sự cộng hưởng sức mạnh giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng với tinh thần đổi mới không ngừng, sẽ tạo nên một hệ sinh thái bền vững, đóng góp thiết thực vào công cuộc chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ của đất nước”, GS Sử Đình Thành nhấn mạnh.
Không dừng lại ở vai trò đào tạo, các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đang tích cực kiến tạo các giá trị mới cho cộng đồng. Từ lan tỏa tri thức đến dẫn dắt hành động bền vững, sự kết nối giữa học thuật và đời sống xã hội đã tạo nên một hình mẫu về đại học phục vụ - trung tâm kiến tạo tri thức và cộng hưởng giá trị vì sự phát triển chung.
Chẳng hạn, tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhà trường luôn chú trọng việc kết nối cộng đồng, lan tỏa tri thức và hành động bền vững thông qua 5 trụ cột: Đào tạo, nghiên cứu, quản trị, vận hành và cộng đồng. Đồng thời, trường cũng xây dựng và phát triển hệ sinh thái đồng sáng tạo theo mô hình 4P (Public - Private - People - Partnership), trong đó các cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối, lan tỏa và kiến tạo giá trị cho toàn xã hội.

Sinh viên tại sân chơi Bách Khoa Innovation năm 2024, một cuộc thi ươm mầm ý tưởng cho học sinh, sinh viên và các startup do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức. Ảnh: N.Q
Sự đồng hành từ phía chính quyền
Nguồn nhân lực hội nhập cho kỷ nguyên mới cần được trang bị đồng bộ các kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ và tư duy toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các trường đại học không thể đơn độc mà cần đến sự đồng hành mạnh mẽ từ chính quyền.
Cuối tháng 3/2025, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về việc thực hiện chính sách và pháp luật liên quan đến phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra là làm thế nào để vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa bồi dưỡng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy, khẳng định, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao là một trong những chính sách trọng tâm giúp thành phố hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh việc gắn kết đào tạo với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động, thành phố còn ưu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như khoa học, công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo bà Thúy, thành phố đang từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc vận hành hiệu quả nhiều vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm, điển hình như Khu công nghệ cao, Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo, Saigon Innovation Hub, Vietnam Silicon Valley, ThinkZone…
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, thành phố thể hiện cam kết mạnh mẽ trong đầu tư cho giáo dục và đào tạo khi duy trì tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề dao động từ 15 - 18% tổng chi ngân sách địa phương. Trong đó, ưu tiên được dành cho đào tạo lao động có kỹ năng nghề cao, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động thành phố.
Quan trọng hơn, việc đầu tư này không chỉ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần đảm bảo công bằng và bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục - đào tạo, đặc biệt trong việc tạo điều kiện cho người học tiếp cận và phát triển trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ năng cao.
Nhiều chuyên gia của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng thiếu không gian và thiết bị thực hành đang ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Do đó, đại học này kiến nghị TP Hồ Chí Minh cần đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo tại các cơ sở thành viên, đồng thời giao quyền quản lý, vận hành cho chính đơn vị sử dụng nhằm đảm bảo hiệu quả khai thác lâu dài.
Ngoài ra, chi phí để đào tạo các kỹ năng này hiện còn khá cao, trong khi học phí chủ yếu vẫn tập trung vào nội dung chuyên môn. Vì vậy, nhà trường kiến nghị thành phố nên bố trí ngân sách riêng để đầu tư cho các chương trình phát triển kỹ năng mềm và ngoại ngữ, qua đó nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho sinh viên.