Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu xã hội
Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã từng bước khẳng định là một cơ sở giáo dục đại học định hướng, dẫn dắt trong đào tạo mới, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong quá trình phát triển đất nước.
Cùng với ba lĩnh vực truyền thống là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn và kỹ thuật công nghệ, đến nay Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với việc thêm mảng khoa học sức khỏe, nông nghiệp, sư phạm, kinh tế - luật, nghệ thuật… Trong đó, từ việc thí điểm của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nhiều ngành đã trở thành ngành đào tạo chung của bậc đại học trong cả nước, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Với 8 trường đại học trong hệ thống, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang tổ chức đào tạo nhân lực cho 7 khối ngành, với 142 ngành, thuộc 21 lĩnh vực đào tạo. Hiện nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có quy mô đào tạo khoảng 97.000 sinh viên đại học, hơn 9.000 học viên sau đại học. Mỗi năm, đơn vị cung cấp cho xã hội khoảng 20.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ trong hầu hết các lĩnh vực. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, có trách nhiệm với xã hội, có trình độ chuyên môn.
Để có được kết quả đó, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo là vấn đề được quan tâm hàng đầu của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng, thành lập hội đồng đảm bảo chất lượng, xây dựng được quy trình đảm bảo chất lượng bên trong. Sau hơn 10 năm triển khai, mô hình CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), đã giúp đổi mới căn bản và toàn diện cách thức xây dựng chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, năng lực thực hành nghề nghiệp cần thiết cho sinh viên. Dựa trên mô hình này, năm 2020, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã xây dựng Bộ phẩm chất và năng lực đối với sinh viên tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra được thiết kế nhằm tăng cường sự liên thông, liên kết giữa các chương trình đào tạo trong hệ thống, tạo nên bản sắc cho sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Cũng là một trong những cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng quốc tế, đến nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định quốc tế và xếp hạng quốc tế. Năm 2018, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh được xếp vào nhóm 33,3% trường đại học tốt nhất châu Á. Đến năm 2025, đơn vị đã vào nhóm 18,7%, ở vị trí 184/984 cơ sở giáo dục được xếp hạng tại châu Á. Trong đó, 3 tiêu chí tiệm cận Top 100, gồm: Danh tiếng học thuật (hạng 110), Danh tiếng với nhà tuyển dụng (hạng 113) và Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (Top 151 - 160).
Chia sẻ về định hướng chiến lược trong thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ tập trung vào ba mũi nhọn đột phá. Đó là Công nghệ Sinh học, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ thông tin, Công nghệ bán dẫn ở cả mảng đào tạo, nghiên cứu. Các đơn vị tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân tài với 4 phẩm chất: Kiến thức toàn diện (liên ngành), có trách nhiệm xã hội (thông qua các hoạt động xã hội, trải nghiệm, kỹ năng), có năng lực lãnh đạo và có tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển các ngành đào tạo mới liên quan đến năng lượng tái tạo, điện hạt nhân phục vụ chiến lược phát triển quốc gia về năng lượng điện, logistics mới cung cấp nhân lực phục vụ phát triển đất nước. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ xây dựng một số chương trình mới hoặc mở các chuyên ngành trên cơ sở các ngành hiện có. Ví dụ như chuyên ngành về năng lượng sạch trong ngành Vật lý, khoa Điện - Điện tử; về Logistic mới sẽ có các chuyên ngành gắn với đường sắt, hàng không, metro trong ngành Giao thông...
Chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành là một hướng ưu tiên trong hoạt động đào tạo của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Dự kiến năm 2025, nhà trường sẽ có thêm một số liên ngành mới như Công nghệ giáo dục, Kinh tế đất đai, Công nghệ nông nghiệp số, Kinh doanh nông nghiệp số, Công nghệ Y - Dược. Năm 2024, chương trình đào tạo liên trường đầu tiên được Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh triển khai là ngành Kinh doanh thương mại Hàn Quốc (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp tổ chức đào tạo).
“Việc liên tục cập nhật chương trình đào tạo theo sự phát triển của xã hội, phục vụ nhu cầu xã hội mới giúp người học có thể làm chủ được các công nghệ mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.