Đào tạo người học có trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức phục vụ Nhân dân
Mục tiêu đào tạo của Trường Đại học Kiểm sát là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân.
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ban hành Quyết định số 237/QĐ-VKSTC ngày 18/6/2025 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát thuộc VKSND tối cao.
Về vị trí pháp lý của Trường Đại học Kiểm sát, Quy chế nêu rõ: Trường Đại học Kiểm sát là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc VKSND tối cao; chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao; sự quản lý hành chính theo lãnh thổ nơi đặt trụ sở và chịu sự quản lý của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tên giao dịch quốc tế: Procuratorate university (viết tắt là PU). Trụ sở chính của Trường Đại học Kiểm sát đặt tại phường Dương Nội, Thành phố Hà Nội.
Trường Đại học có Phân hiệu, đặt tại phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng. Ngày truyền thống của Trường Đại học Kiểm sát là ngày 25 tháng 4.
Về chức năng, nhiệm vụ, Quy chế nêu rõ: Trường đào tạo trình độ đại học, sau đại học các ngành thuộc lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật và của ngành Kiềm sát nhân dân.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng thực hành, ứng dụng chuyên sâu cho công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát theo yêu cầu nhiệm vụ.
Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các sản phẩm khoa học vào trong công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân.
Hợp tác quốc tế về công tác đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Viện trưởng VKSND tối cao giao và theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh một cuộc họp Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát do Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì. (Ảnh minh họa)
Quy chế cũng nêu rõ nguyên tắc làm việc của Trường. Theo đó, Trường làm việc theo chế độ Thủ trưởng. Mọi hoạt động của Trường phải tuân theo quy định của pháp luật và Quy chế này. Công chức, viên chức thuộc Trường Đại học phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục và thời gian giải quyết công việc theo đúng quy định của pháp luật, chương trình, kế hoạch, lịch làm việc, quy chế, quy định của Trường, trừ trường hợp đột xuất hoặc có yêu cầu khác của Hiệu trưởng.
Bảo đảm phát huy năng lực và sở trường của công chức, viên chức, tăng cường sự phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời trong mọi hoạt động gắn với thực hiện chủ trương cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước và của ngành Kiểm sát nhân dân.
Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Phân hiệu về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính theo Quy định của ngành Kiểm sát nhân dân, theo phân cấp, ủy quyền của Hiệu trưởng và các quy định của pháp luật liên quan.
Mặt khác, Quy chế cũng quy định về khoa chuyên môn của Trường. Theo đó, khoa là đơn vị quản lý chuyên môn thuộc Trường. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các khoa được quy định cụ thể tại Quy chế Tổ chức và hoạt động của các khoa.
Khoa chuyên môn thuộc Trường gồm: Khoa Lý luận chính trị; Khoa Nhà nước và Pháp luật; Khoa Pháp luật hình sự và Kiểm sát hình sự; Khoa Pháp luật dân sự và Kiểm sát dân sự; Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm; Khoa Pháp luật Kinh tế - Quốc tế.
Khoa chuyên môn thuộc Phân hiệu gồm: Khoa Lý luận cơ bản và Pháp luật quốc tế; Khoa Dân sự, Hành chính và Kiểm sát hoạt động tư pháp; Khoa Hình sự; Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định về các hành vi giảng viên không được làm. Cụ thể gồm: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác; gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Các hành vi người học không được làm đó là: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của Trường và người khác; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; tham gia tệ nạn xã hội, gây rối an ninh trật tự trong Trường hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật khác; tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Mục tiêu đào tạo của Trường, theo Quy chế đó là: Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ Nhân dân. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật và quy định của VKSND tối cao nhằm nâng cao chất lượng công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-VKSTC-T2 ngày 20/11/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 23/QĐ-VKSTC-T3 ngày 20/11/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao.