Đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp: Xu hướng tất yếu của ngành Công Thương

Đào tạo theo đơn đặt hàng doanh nghiệp đang là xu hướng tất yếu để phát triển nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn của Công Thương.

Đào tạo nghề thích ứng nhu cầu doanh nghiệp

Tại nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương, yêu cầu đối với nguồn nhân lực đang thay đổi nhanh chóng. Các vị trí kỹ thuật không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn yêu cầu cao về khả năng làm việc thực tế, thích ứng nhanh với công nghệ, quy trình sản xuất và văn hóa doanh nghiệp. Với sinh viên mới tốt nghiệp, đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng, đòi hỏi sự chủ động học hỏi, rèn luyện kỹ năng và thích nghi liên tục.

Trong quá trình hội nhập và chuyển đổi số, doanh nghiệp ngày càng cần những ứng viên “vào việc được ngay”, vừa có chuyên môn vững, vừa có kỹ năng mềm, kỹ năng số và tinh thần làm việc kỷ luật. Điều này cũng tạo ra động lực để các cơ sở đào tạo và người học cùng thay đổi, không ngừng kết nối với doanh nghiệp, cập nhật công nghệ mới và nâng cao năng lực thực hành để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường.

Trong kỷ nguyên kinh tế số và chuỗi giá trị toàn cầu, đào tạo nghề không thể đứng ngoài cuộc chạy đua đổi mới. Ảnh: Ngọc Hoa

Trong kỷ nguyên kinh tế số và chuỗi giá trị toàn cầu, đào tạo nghề không thể đứng ngoài cuộc chạy đua đổi mới. Ảnh: Ngọc Hoa

Ngành Công Thương đang chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ chưa từng có. Chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mô hình sản xuất thông minh, logistics hiện đại, năng lượng tái tạo… là những xu hướng định hình lại toàn bộ cơ cấu sản xuất, tiêu dùng và vận hành doanh nghiệp. Những thay đổi đó đặt ra yêu cầu mới về đội ngũ lao động không chỉ có tay nghề vững mà còn phải linh hoạt, thích ứng nhanh, có khả năng học tập suốt đời và làm chủ công nghệ mới.

Dù đã có nhiều chuyển động tích cực, khoảng cách giữa năng lực đào tạo hiện tại và yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp vẫn là điều cần tiếp tục thu hẹp. Một số lĩnh vực đặc thù như điện hạt nhân, công nghiệp bán dẫn, logistics xanh hay thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra những nhu cầu mới, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động cập nhật chương trình, phương pháp và thiết bị đào tạo hiện đại hơn.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng đã bước đầu tham gia vào quá trình đào tạo nhưng vẫn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa theo hướng thực chất và lâu dài. Khi cả hai bên cùng chủ động bắt nhịp, việc hình thành hệ sinh thái đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng sẽ trở nên khả thi và bền vững hơn trong bối cảnh phát triển nhanh và đầy biến động hiện nay.

Đào tạo nghề không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà là động lực phát triển ngành Công Thương trong thời đại mới. Ảnh: Ngọc Hoa

Đào tạo nghề không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà là động lực phát triển ngành Công Thương trong thời đại mới. Ảnh: Ngọc Hoa

Kết nối doanh nghiệp: Chiến lược “sống còn” của đào tạo nghề

Trong kỷ nguyên kinh tế số và chuỗi giá trị toàn cầu, đào tạo nghề không thể đứng ngoài cuộc chạy đua đổi mới. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngành Công Thương, việc chuyển đổi từ “đào tạo sẵn - tìm đầu ra sau” sang mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp” không chỉ là giải pháp tình thế, mà là xu thế phát triển tất yếu. Trong mô hình này, doanh nghiệp không còn là đối tượng thụ hưởng kết quả đào tạo, mà trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia ngay từ đầu vào: từ thiết kế chương trình, hỗ trợ trang thiết bị, cử chuyên gia giảng dạy, tiếp nhận thực tập đến cam kết tuyển dụng.

Những trường đã áp dụng cách làm này như Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đang chứng minh hiệu quả rõ rệt. Tại đây, tất cả các ngành đào tạo đều có Ban cố vấn doanh nghiệp (IAB) trực tiếp góp ý và điều chỉnh chương trình hằng năm. Sinh viên được bố trí thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 2 với thời lượng chiếm đến 30-50% tổng thời gian học. Các cuộc thi học thuật, ngày hội nghề nghiệp, các khóa đào tạo chuyên đề đều có doanh nghiệp tham gia, tài trợ và đánh giá kết quả.

Hệ quả là tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau tốt nghiệp luôn đạt trên 90%, nhiều em được doanh nghiệp “đặt hàng” ngay từ khi còn đi học. Theo đó, mối liên kết ba bên giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học không chỉ rút ngắn thời gian đào tạo mà còn nâng cao chất lượng đầu ra, giảm chi phí tuyển dụng, gia tăng niềm tin thị trường.

Việc tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Ảnh: Ngọc Hoa

Việc tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Ảnh: Ngọc Hoa

Trao đổi với Báo Công Thương, TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng nhận định, trước làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi ngày càng cao về công nghệ và kỹ năng, nhà trường đã chủ động thay đổi tư duy tiếp cận và triển khai các mô hình đào tạo mới.

Để thích ứng với bối cảnh sản xuất thông minh và nhu cầu nhân lực chất lượng cao, nhà trường đã và đang xây dựng các trung tâm đào tạo mô phỏng nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ mới như tự động hóa, robot, cảm biến công nghiệp và trí tuệ nhân tạo. Những phòng thực hành hiện đại này phần lớn được tài trợ bởi doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, giúp sinh viên tiếp cận sớm với môi trường sản xuất thực tế ngay tại trường”, TS Lê Đình Kha cho biết

Không chỉ chú trọng kỹ năng cứng, trường còn đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm, tư duy phản biện, kỹ năng số và tinh thần tự học, những yếu tố then chốt để thích nghi lâu dài. Sinh viên được khuyến khích tham gia cuộc thi nghề, dự án sáng tạo, chương trình hướng nghiệp thực tế. Theo khảo sát của trường, hơn 92% sinh viên thuộc các ngành kỹ thuật mũi nhọn có việc làm sau 6 tháng ra trường, mức lương khởi điểm trung bình từ 10-14 triệu đồng/tháng. Nhiều em đạt mức 18-22 triệu khi làm việc tại doanh nghiệp FDI, hoặc nhanh chóng được bổ nhiệm tổ trưởng kỹ thuật, kỹ sư quản lý.

Phương châm của chúng tôi là lấy thực hành làm trung tâm. Sinh viên dành 60% thời gian học để thực hành, với ba kỳ thực tập tại doanh nghiệp được thiết kế theo lộ trình rõ ràng. Điều đó giúp các em chuẩn hóa kỹ năng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, một lợi thế không thể thay thế trên thị trường lao động đang ngày càng thực dụng và cạnh tranh khốc liệt”, TS. Kha khẳng định.

Đào tạo nghề không chỉ là nhiệm vụ giáo dục, mà là động lực phát triển ngành Công Thương trong thời đại mới. Trước làn sóng chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất và hội nhập sâu rộng, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật cao, thích ứng nhanh và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn đang trở thành yêu cầu sống còn.

Trong dòng chảy ấy, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Công Thương đang giữ vai trò then chốt. Không chỉ đào tạo người thợ giỏi, đây chính là nơi hình thành đội ngũ kỹ thuật viên, nhà quản trị sản xuất thế hệ mới, những con người có khả năng đồng hành cùng doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và hội nhập quốc tế.

Để phát huy đúng vai trò đó, cần có chính sách nhất quán và lâu dài: đặt hàng theo nhu cầu doanh nghiệp, tăng đầu tư thiết bị thực hành, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào đào tạo và sử dụng nhân lực từ các trường trong hệ thống Bộ. Khi đào tạo nghề bám sát thực tiễn, nhà trường và doanh nghiệp đồng hành, ngành Công Thương sẽ có một nền nhân lực đủ lực, đủ tầm, đủ nhanh để bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Sự mất kết nối giữa đào tạo nghề và nhu cầu thị trường lao động đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực Công Thương, nơi đang diễn ra những chuyển dịch lớn về công nghệ, chuỗi cung ứng và cơ cấu ngành nghề. Việc tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Thiên Kim

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dao-tao-nghe-theo-nhu-cau-doanh-nghiep-xu-huong-tat-yeu-cua-nganh-cong-thuong-410296.html
Zalo