Đào tạo nghề gắn với đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế

Góp phần thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân, đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế. Theo đó, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp cho nông dân và trợ vốn để nông dân mạnh dạn đầu tư mô hình sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu rõ: “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”. Triển khai thực hiện mục tiêu nghị quyết, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố và các ngành có liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tuyển sinh dạy nghề cho hội viên, nông dân. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, giải quyết việc làm và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản cho hội viên, nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là hội viên, nông dân trong vùng dự án được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp cho hội viên, nông dân giảm rủi ro trong sản xuất, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Hội nông dân đồng hành với hội viên, nông dân trong phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: NGỌC HẢI

Hội nông dân đồng hành với hội viên, nông dân trong phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: NGỌC HẢI

Đồng chí Nguyễn Chí Thiện - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trung tâm đã phối hợp với 11/11 đơn vị hội nông dân huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động đăng ký danh sách nhu cầu học nghề nông nghiệp với số lượng 34 lớp, 783 hội viên, nông dân đăng ký tham gia học nghề. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 11-KH/TTDNHTND, ngày 30/3/2022 tổ chức thẩm định nhu cầu đào tạo nghề năm 2022. Kết quả thẩm định được 21 lớp đào tạo nghề nông nghiệp (nuôi gà, nuôi bò, nuôi dê, trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản...) với 453 học viên là hội viên, nông dân đăng ký. Đến nay đã tổ chức khai giảng đào tạo và cấp chứng chỉ cho 435 học viên, đạt 114,47% so với chỉ tiêu của UBND tỉnh giao. Ngoài nguồn kinh phí đào tạo nghề được cấp, trung tâm đã chủ động phối hợp, kết hợp với các địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; dạy nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế; gắn đào tạo nghề với xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh thực sự có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay”.

Nông dân thường có quan niệm không cần học nghề, mà sản xuất dựa theo kinh nghiệm tích lũy và học hỏi những nông dân khác. Tuy nhiên, phương thức sản xuất truyền thống hiện nay nhiều khi không còn phù hợp nên mỗi nông dân cần trang bị cho mình kiến thức chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm chi phí sản xuất. Ông Kim Sương, ở ấp An Nghiệp, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi vay vốn ngân hàng mua 2 con bò giống về nuôi, thấy vẫn còn non kinh nghiệm với mô hình này. Nhờ theo lớp chăn nuôi bò, tôi cũng biết cách xây dựng chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Ngoài ra, tôi tham quan mô hình thực tế, không chỉ học lý thuyết mà còn tận mắt nhìn thấy cách hộ dân làm để nuôi bò đạt hiệu quả cao”.

Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng đã góp phần "chắp cánh" nhiều mô hình kinh tế phát triển. Ảnh: NGỌC HẢI

Không chỉ “vạch lối” cho hội viên, nông dân lựa chọn nghề học phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân, gia đình mà Hội Nông dân tỉnh còn đưa vốn giúp hội viên, nông dân “hiện thực” kiến thức học nghề để phát triển mô hình kinh tế. “Sau khi học nghề, hội viên, nông dân có nhu cầu vốn thì Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng thẩm định nếu đạt yêu cầu sẽ hỗ trợ nông dân vay vốn. Đến nay, đã rót vốn cho trên 1.900 hộ vay, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng tại xã Tân Long (thị xã Ngã Năm), xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú); mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò thịt, bò giống tại xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung), Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Đề), Lâm Tân (huyện Thạnh Trị), phường 5 (thành phố Sóc Trăng)… Không dừng lại chuyện giải quyết vấn đề về vốn cho nông dân mà còn tạo được mối liên kết giữa các tổ, nhóm vay vốn liên kết sản xuất (ít nhất là 10 hộ) và có bao tiêu sản phẩm” - Trưởng Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng Tạ Quốc Khởi thông tin.

Đào tạo nghề cho nông dân hiện nay đã thay đổi theo nhu cầu hội viên, nông dân. Địa điểm và thời gian dạy nghề cũng linh hoạt hơn, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân dễ dàng lựa chọn. Ngoài ra, vấn đề về vốn và đầu ra cũng được hội nông dân đồng hành và hỗ trợ. Những yếu tố này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra.

NGỌC HẢI

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/dao-tao-nghe-gan-voi-dong-hanh-cung-nong-dan-phat-trien-kinh-te-62213.html
Zalo