Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc - Chính sách có, khó khâu nào? - Bài 2: Góc nhìn thực tiễn

Ðồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Cà Mau sống tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, với hơn 9 ngàn hộ, chiếm trên 76% tổng số hộ DTTS của tỉnh. Phần lớn địa bàn mà đồng bào DTTS sinh sống thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động đồng bào DTTS tại địa phương trong thực tế vẫn còn là bài toán với nhiều biến số.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thuộc Dự án 5 - Phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) tại tỉnh Cà Mau gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bà Bùi Lệ Oanh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và Việc làm, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Mặc dù đã được UBND tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, nhưng khi thực hiện, va đập với thực tiễn thì bộc lộ nhiều khó khăn”.

Lớp học đan giỏ nhựa của phụ nữ xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời.

Lớp học đan giỏ nhựa của phụ nữ xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời.

Sau chủ trương sắp xếp các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nhiệm vụ này chủ yếu do các trường cao đẳng thực hiện, nhưng các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn do cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Theo đó, Sở LÐ-TB&XH phải đặt hàng các cơ sở dạy nghề tư nhân khác. “Hiện nay, theo quy định ở khâu thủ tục, bắt buộc phải đấu thầu đặt hàng theo Nghị định số 32/2019/NÐ-CP của Chính phủ mới đủ điều kiện mở các lớp. Mặt khác, các vùng DTTS của tỉnh Cà Mau là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, nhiều nơi đất rộng người thưa nên công tác huy động và tập trung mở lớp rất khó”, bà Oanh cho biết.

Ông Phan Văn Việt, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Theo kế hoạch, thời gian tham gia lớp học tối thiểu là 2 tháng, mà mỗi ngày các học viên chỉ được hỗ trợ 30 ngàn đồng. Các đối tượng hầu hết là hộ nghèo, hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, hằng ngày lo mưu sinh nên họ ít tham gia học hoặc không thể theo suốt khóa học”.

Không chỉ được đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề mà hiện nay, sau các lớp học các học viên, người dân tộc thiểu số, lao động vùng dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ con giống, thức ăn để phát triển mô hình tại gia đình. (Bà con ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nhận gà giống và thức ăn về nuôi).

Không chỉ được đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề mà hiện nay, sau các lớp học các học viên, người dân tộc thiểu số, lao động vùng dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ con giống, thức ăn để phát triển mô hình tại gia đình. (Bà con ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời nhận gà giống và thức ăn về nuôi).

Cùng suy nghĩ nêu trên, ông Ðinh Cộng Hòa, Phó trưởng Phòng LÐ-TB&XH huyện U Minh, trăn trở: “Với mức hỗ trợ này, chỉ những người thật sự quyết tâm mới có thể bám trụ đến cuối khóa học. Bởi lẽ, hoàn cảnh của bà con rất khó khăn, mức hỗ trợ không đảm bảo nhu cầu cuộc sống cơ bản hằng ngày của bà con, chớ chưa nói đến chuyện động viên, khuyến khích”.

Xã Thanh Tùng (huyện Ðầm Dơi) có 324 hộ đồng bào DTTS, hiện còn 29 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo. Theo số liệu, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã tổ chức được 8 lớp dạy nghề, 271 học viên theo học, đặc biệt là 5 mô hình chăn nuôi heo thương phẩm. Theo ông Lê Thế Anh, Phó chủ tịch UBND xã: “Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm dù đã có nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ở đây cần phải phân định rõ ràng về mục tiêu ứng dụng, đâu là những lớp để bà con áp dụng ngay vào lao động sản xuất tại địa phương; hay những nghề đào tạo có thể tham gia vào thị trường lao động, mở ra cơ hội việc làm cao cho bà con”.

Người trong cuộc nói gì?

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động DTTS ở Cà Mau, như đã đề cập, còn không ít điểm nghẽn, xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tại U Minh, ông Ðinh Cộng Hòa cho biết: “Năm 2024, địa phương phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau mở 2 lớp đan đát, ở 2 ấp của xã Khánh Lâm. Sau khi học nghề, tỷ lệ lao động có việc làm khoảng 80%, riêng chị em phụ nữ có việc làm trên 90%. Tuy nhiên, hiệu quả thực chất và tính bền vững vẫn chưa đạt được mục tiêu, kỳ vọng”.

Qua rà soát, U Minh còn khoảng 500 lao động có nhu cầu cần được đào tạo nghề, trong đó có lao động đồng bào DTTS. Dạy nghề gì để phù hợp, đảm bảo làm được việc và thu nhập cho bà con là bài toán khó của địa phương. Nói về vướng mắc hiện nay, ông Hòa cho rằng: “Do tỉnh Cà Mau nói chung, huyện U Minh nói riêng không có nhiều công ty, xí nghiệp nên sau khi đào tạo nghề chỉ phát huy ở việc kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, không tập trung giải quyết việc làm cùng một lúc cho nhiều lao động”.

Thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, một mình anh Lê Hoàng Oanh, ở Ấp 4, xã Khánh Thuận (huyện U Minh) gồng gánh nuôi người chị bệnh tật và đứa cháu gái tật nguyền chưa lên 10 tuổi. Khi được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới, thêm 10 triệu đồng để chuyển đổi ngành nghề, anh Oanh bộc bạch: “Nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền tôi mừng lắm. Lâu nay tôi chỉ ước ao có được một cái nghề ổn định, nhiều lần được chính quyền địa phương giới thiệu, động viên, nhưng thú thiệt, tôi là lao động chính, lo bươn chải bữa ăn hằng ngày, tuổi này rồi còn học gì nữa. Giờ chỉ hy vọng từ số tiền 10 triệu đồng, tôi sắm chiếc xe để chạy xe ôm kiếm sống, nuôi chị và cháu. Mà ở miền quê xa xôi này, làm gì có nhiều khách mà chạy”.

Chị Võ Thị Kiềng, ở Ấp 6, xã Khánh Hòa, đang theo học lớp đan móc len làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Vợ chồng chị Kiềng thuộc diện hộ cận nghèo, đất đai ít, không có nghề nghiệp ổn định. Khi được tham gia lớp học này chị rất vui mừng, với hy vọng sẽ có một nghề kiếm ra tiền, phụ chồng trang trải cuộc sống và lo cho các con ăn học. Trong suốt quá trình theo học, chị Kiềng được lớp trang bị nguyên liệu như: kẽm, chỉ len... để thực hành. Tuy nhiên, khi được hỏi sau khi kết thúc khóa học, sản phẩm chị làm ra có được giới thiệu, tiêu thụ và thu nhập hay không, chị Kiềng bối rối: “Vụ này tui cũng hông biết sao nữa...”.

Chị Võ Thị Kiềng đang theo học lớp đan móc len làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Chị Võ Thị Kiềng đang theo học lớp đan móc len làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Còn bà Thạch Thị Chia, ấp Tân Ðiền B, xã Thanh Tùng, dù đời sống đã ổn định, nhưng mong muốn có được một cái nghề mang lại thu nhập vững chắc hơn, song khi được gợi ý tham gia lớp trồng hoa kiểng, bà Chia băn khoăn: “Học thì học, nhưng chắc cũng khó để phát triển. Nói chung mình học phải làm được, phải kiếm được đồng ra, đồng vô và lâu bền thì mới hăng hái chớ”.

Một thực tế khác, vì cuộc sống mưu sinh, không ít lao động nông thôn, lao động người DTTS ở Cà Mau phải rời quê lên các thành phố lớn, đến các doanh nghiệp, công ty để tìm việc. Ở đây, một vấn đề khác của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được bộc lộ, đó là các lớp đào tạo nghề chưa rõ ràng về mục đích là để tạo việc làm tại chỗ hay là để giúp lao động hội nhập vào thị trường lao động chung.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, nhìn nhận: “Hiện nay nhu cầu và yêu cầu về chất lượng lao động ngày càng cao. Trong khi đó, đa phần lao động DTTS có trình độ học vấn, trình độ tay nghề thấp, một bộ phận chưa qua đào tạo nghề nghiệp bài bản, kỹ năng thô sơ, khả năng thích ứng, cạnh tranh kém; cơ hội và khả năng tiếp cận với các thông tin về thị trường lao động hạn chế... nên chịu rất nhiều thiệt thòi, rủi ro”.

Hệ lụy kéo theo là thực trạng nhức nhối khi nhiều lao động DTTS ở Cà Mau không chịu nổi áp lực công việc, không bắt kịp xu thế, yêu cầu của thị trường lao động, bị đào thải và phải quay trở về quê. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao.

Trước khó khăn trên, Bộ LÐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ 50 ngàn đồng/người/ngày học. Ðến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt thống nhất đề xuất này, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế hiện nay thì 50 ngàn đồng vẫn còn khá thấp. Một vấn đề nữa là, mức hỗ trợ cho cơ sở đào tạo thực hiện theo Quyết định 46/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 155/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính mà hiện nay cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện theo Thông tư 152/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, cho nên kiến nghị nâng mức hỗ trợ đào tạo và mức hỗ trợ tiền ăn.

Hải Nguyên - Quỳnh Anh

Bài cuối: Tìm lời giải tối ưu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dao-tao-nghe-cho-dong-bao-dan-toc-chinh-sach-co-kho-khau-nao-bai-2-goc-nhin-thuc-tien-a34724.html
Zalo