Đào tạo nghề - 'chìa khóa' thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) đã được các cấp, các ngành tỉnh An Giang quan tâm và triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.

Sau 3 tháng tham gia lớp học kỹ thuật cơ khí do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Tri Tôn tổ chức, anh Chau Niêu (xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn) đã có thể gia công sản phẩm ngay tại địa phương. Ảnh: Phan Bình
Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh An Giang cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS Khmer được đào tạo nghề, năm 2022 và 2023, tỉnh An Giang dành gần 30,2 tỷ đồng phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng DTTS, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề, nâng cao năng lực phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Trong năm 2024, tỉnh tổ chức dạy nghề cho 415 học viên thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao.
Thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Nhiều năm qua, thị trấn Óc Eo đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động vùng đồng bào DTTS.
Ông Phạm Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo cho biết, nhận thức được vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình 1719, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn quyết tâm thực hiện tốt các dự án của chương trình. Giai đoạn 2022-2024, địa phương đã vận động 429 học viên thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đồng bào DTTS tham gia 14 lớp đào tạo nghề, như: Kỹ thuật chăn nuôi bò, xây dựng dân dụng; kỹ thuật cơ khí, đan lát, dệt thổ cẩm Khmer; kỹ thuật trồng hoa màu... với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, thị trấn còn 236 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 7,3%); trong đó, hộ nghèo, cận nghèo DTTS là 135 hộ (chiếm 4,2%).
Tham gia lớp học nghề đan lát, bà Danh Thị Hoa Lây ở khóm Tân Đông, thị trấn Óc Eo chia sẻ: “Biết thông tin huyện mở lớp dạy nghề đan lát cho người dân, mấy chị em trong ấp đã đăng ký theo học. Tham gia lớp học, chúng tôi được hỗ trợ các nguyên liệu để thực hành, được giáo viên hướng dẫn tận tình từ những thao tác cơ bản nhất. Đến nay, tôi đã tự tay làm được các sản phẩm như hoa, túi xách, nón... Tôi thấy nghề này khả quan, có đầu ra, học xong có thể làm sản phẩm bán trên mạng, hay gia công các cơ sở đan lát để xuất khẩu”.
Xã Châu Phong (thị xã Tân Châu) có đông đồng bào DTTS Chăm sinh sống tập trung tại ấp Phũm Soài và Châu Giang. Từ năm 2022 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Châu Phong mở 4 lớp móc chỉ len thủ công ở 2 ấp, các thành viên sau khi ra nghề đã kết nối theo nhóm, tổ, giúp nhau làm, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Với sản phẩm móc len thủ công, các chị tranh thủ thời gian rảnh ở nhà làm. Mẫu mã bán chạy là giỏ đựng bình nước, nón, túi xách nhỏ. Tại ấp Phũm Soài, nghề dệt thổ cẩm được duy trì, không chỉ giúp nhiều phụ nữ Chăm có việc làm, mà còn phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Mới đây, ấp Châu Giang thành lập Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok, một sản phẩm đặc trưng của phụ nữ Chăm dự nghi lễ, tiệc quan trọng. Một chiếc khăn làm trong 2 tuần có giá 950.000 đồng, tiền nguyên liệu và thuê thợ hết 700.000 đồng. Để giảm bớt thời gian và tạo việc làm ổn định, các chị chia công đoạn, làm từ viền khăn, thêu hoa, chân khăn... Ngoài ra, tạo điều kiện cho những em nhỏ theo học.

Thành viên Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok truyền thống ở ấp Châu Giang, xã Châu Phong. Ảnh: Phan Bình
Điển hình như chị Nasy Roh, ở ấp Châu Giang, sau khi tham gia lớp học thêu khăn Maspok từ 3 tháng trước, hiện, chị đã học được các kỹ năng cơ bản và có thể tự tạo ra sản phẩm kinh doanh. Được cấp chứng chỉ nghề, chị đang lên kế hoạch sáng tạo thêm mẫu mã mới và sử dụng mạng xã hội để bán hàng kiếm thêm thu nhập.
Bà Ha Ly Mah, Tổ phó Tổ phụ nữ thêu khăn Maspok ấp Châu Giang cho biết: “Phụ nữ ở đây làm rất nhiều nghề. Nhờ khéo tay và học qua nhiều lớp, các chị làm việc xoay theo nhu cầu thị trường, hết thêu khăn Maspok thì sang móc len, may công nghiệp, buôn bán. Trong đó, có những nghề không thể bỏ được, như việc thêu khăn Maspok”.
Theo kế hoạch thực hiện Chương trình 1719, tỉnh An Giang đặt mục tiêu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS, miền núi. Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thực hiện Tiểu dự án 3 (Dự án 5) sẽ giải quyết việc làm cho lao động DTTS, đảm bảo phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và tăng thu nhập cho lao động DTTS, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Có thể nói, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh An Giang quan tâm chỉ đạo. Đây chính là “chìa khóa” thoát nghèo bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
“Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong những năm qua vẫn còn không ít khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm đáng kể nhưng chưa thực sự bền vững, có thể tái nghèo do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trình độ học vấn còn hạn chế, một bộ phận người lao động là đồng bào DTTS rơi vào cảnh việc làm bấp bênh, bị mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn” - bà Nguyễn Thị Minh Thúy chia sẻ.