Đào Quốc Minh: Một ngọn nến 'phục sinh'...
'Mỗi chúng ta chẳng thể nào đi xa/ khỏi nụ cười cay đắng/ của mụ đàn bà quê mùa/ ngồi u buồn kéo sợi bên song...' (Những dòng sông). Tôi coi bốn câu thơ hồi cố u buồn khắc khoải, đỏ mọng 'nỗi đau và tình yêu' này như một đề từ cho cả tập thơ 'Phục sinh'. Còn với tôi, là để định hình một con đường bước vào thế giới nội tâm của Đào Quốc Minh.
Trong không gian tâm tưởng mênh mông trải từ ký ức quê hương đến những vùng trời xa tắp với 180 bài thơ, thoạt có thể thấy mạch cảm, trường nghĩ, biên độ tưởng tượng, khả năng siêu thực hóa hình tượng… trong thơ Đào Quốc Minh như khởi từ một nguồn sâu thẳm, dào dạt chảy quanh những triền sông, mà hồi cố và suy tưởng là hai dòng mạch chính: Ngược về quá khứ đằm - đượm - nêm chặt kỷ niệm, làm bật nẩy cảm thức hiện sinh trong những cuộc đối thoại ảo mờ; và thôi thúc trực giác, bừng dậy cảm xúc trên những tầng hiểu biết được thẩm thấu, chắt lọc qua trải nghiệm gián tiếp, đẩy suy tưởng xuôi đi trong hình dung xa tắp những chân trời khác, và những giấc mơ…
Bay trên đôi cánh tưởng tượng…
Nếu ở trên tôi coi bài thơ “Những dòng sông” có những câu như đề từ cho cả tập thơ của Đào Quốc Minh, thì ở đây, trong bài thơ có tên là “Ý nghĩ và tưởng tượng”, có những câu thơ tôi xem là đề từ cho dòng mạch suy tưởng: “Những ý nghĩ/ như đàn chim/ muốn bay đến cùng trời/ càng bay/ càng thất vọng/ những tưởng tượng/ như chòm sao/ băng xuống thảo nguyên/ càng nằm/ càng lạnh cóng…”.
Nhưng để khởi đầu dòng mạch suy tưởng, chính Đào Quốc Minh đưa ra câu thơ giản dị như một trần tình: “Khi tôi sinh ra, cuộc chiến đã lụi tàn/ chỉ còn cánh hoa trôi bồng bềnh trên sông Mã”. Câu thơ khẳng định nhà thơ không can dự, không có những trải nghiệm thực tế về chiến tranh, bom đạn. Nhưng bằng vào từng dòng mịn màng, tha thiết như lời ru gửi về quá khứ, nhà thơ khiến ta muốn tin rằng, anh đã, như từ trong thấm thía những mất mát đau thương, mà viết: “…Tiếng ngựa hí lồng suốt mấy nghìn năm/ còn âm - vang từng - đỉnh đồi tượng - đá…/ người con gái - ánh - mắt – hao - mòn/ đứng hát ru buồn, thầm lặng giữa Trường Sơn…”. Nhà thơ ví mình “Như người hành - giả - tha - phương/ như nhạn Hải Vân, như con đò Thạch Hãn/ trông bóng núi từng vang trời tạc đạn/ như nấm mồ xưa. sừng sững. của rừng chiều” (Lời ru trên bến sông)
Một mạch thơ có bóng dáng của những người lính già u buồn, những dòng sông chia cắt và ám ảnh đạn bom mở ra (xin đọc: “Đôi bờ nước mắt”, “Tiếng gọi đò” và “Lưỡi gươm”, “Cột mốc biên thùy”…), Đào Quốc Minh cho phép người đọc hình dung: Một khối trực cảm được đẩy căng và thả trôi theo những hình ảnh ảo mờ dần dà hiển hiện, thẩm thấu qua những khối nghĩ được chắt lọc từ sự đọc, sự học, bằng quan sát, hoài quán, liên tưởng, mà dần dần tô thêm lên hình khối, đường nét, sắc diện, để nó từ từ hiện hình, như trong trang sách bước ra, từ lịch sử trở về, qua chiến tranh dội lại…
Trong cái không khí bi tráng: “gươm đã tuốt trần bốn nghìn năm”, “những lồng ngực trầm hùng rung bom đạn”, từng cụm hình ảnh thân thuộc: khói lửa chiến tranh, người lính già, những cây cầu, dòng Thạch Hãn… được ngọn bút của lương tri thế hệ dẫn dắt. Nên dù trong một cuộc “hóa thân” ngược dòng về những khoảnh khắc bi tráng, tâm cảm vẫn có phần bị chi phối bởi logic của lý trí. Song cái tài, khéo của Minh nằm ở sự dẫn dắt và làm chủ hành ngôn thơ mượt mà, nhuần nhị, để cho dù còn thiếu ngọn lửa ấm nóng thực tế, thì vẫn là thơ trong những nét phác hữu tình: “Người lính già mệt mỏi/ soi bóng bên sông/ thấy những đứa trẻ con/ mang đôi mắt màu tro/ ngày nào buồn bã” (Soi bóng bên sông).
Chính từ đây, tôi nhận ra trong Đào Quốc Minh, cuồn cuộn nguồn lực tưởng tượng. Thứ nguồn lực đã dẫn Minh đi xa hơn nữa, qua những miền chiến trận trong hình dung, đến thăm thẳm không - thời gian của khoảng cách địa lý và độ lùi lịch sử. Chỉ cần một cơn cớ, như “đôi mắt huyền” “trên gương mặt hồng hào của người đàn bà/ rất đỗi ngây thơ mà tột cùng giá băng”, nhà thơ có thể liên tưởng đến những “ngọn lửa thành Rome và thập tự chinh”, những “giàn thiêu, trái tim Chopin lưu lạc”; Chỉ khởi từ hình ảnh người em gái “u buồn bên cửa sổ”, Minh đã “bay” một quãng dài cho những suy niệm của mình đậu xuống tận Nam Phi, Nhật Bản, hay châu Âu, để đặt ra những câu hỏi về nạn phân biệt chủng tộc, bom nguyên tử, nạn diệt chủng: “ai còn nhớ Apartheid, Hiroshima, Holocaust/ tháng ba… chỉ còn lại… mưa Hàm Dương!” (Tiếng hót sơn ca).
Tôi đọc thấy trong những vấn đề lớn mang tính toàn nhân loại được nêu trong một câu hỏi nhẹ nhõm, có dòng liên tưởng hiện sinh thường trực chảy trong tâm cảm của người trẻ. Minh dường như muốn gửi đến một thông điệp: Con chim sơn ca tự do hót giữa bầu trời cao rộng, thế giới tồn tại khi mỗi cá nhân cùng suy ngẫm và tự do trải nghiệm về giá trị tồn tại của con người.
Đậu về đắm đuối niềm xưa…
Đâu đó thấp thoáng dấu ấn của thi tứ ảo mờ trong những mảng màu trừu tượng, siêu thực của không gian thơ trải rộng trên những “chặng bay” vượt nghìn trùng cảm xúc, từ cơn cớ cụ thể đến bến bờ xa tắp trong thơ Đào Quốc Minh. Nhưng, sở dĩ tôi muốn nói đến dòng mạch suy tưởng của thơ Minh trước khi bước vào dòng mạch hồi cố, là bởi, tôi nhận thấy Minh thành công hơn, tài hoa hơn chính là ở cái dòng mạch hồi cố tự nhiên như hơi thở…
Thơ phục sinh trong lời và lời phục sinh nhà thơ. Cả tập thơ của Minh 180 bài, không có bài thơ nào mang tên “Phục sinh”, nhưng là một “dòng phục sinh” dào dạt chảy trong ký ức và tưởng tượng song hòa, và rất có thể, đã được mang vác sứ mệnh phục sinh nhà thơ trong những khoảnh khắc đặc biệt nào đó. Ký ức nguyên sơ sống dậy lấp lánh, dù là vẻ đẹp trong một đời sống xưa - cũ hiện về, lúc đột ngột ào ạt, khi dùng dằng lưu luyến, nhưng thảy đều lún sâu trong tâm cảm hiện tại, choán ngự cảm xúc, liên tưởng mà bật thành hình - ngôn quấn quýt.
Những cặp hình tượng: căn nhà, vườn tược, tiếng chim, dáng mẹ, khói bếp, ráng chiều… đều không mới, nhưng cái mới nằm trong tâm thế của nhà thơ ngày hôm nay trong cuộc đối thoại với quá khứ để tạo tác vẻ đẹp cho một không gian thơ có lúc dài rộng bay bổng trên “dòng sông”, “cánh đồng”, có khi nhỏ nhoi chìm lặn vào “khúc hát” hay mơ màng trên “ngọn khói”…
Lạc trong không gian ấy, nhà thơ có lúc đắm đuối về hình ảnh một người con gái có “đôi mắt trong buồn bã”, ngồi kể chuyện dòng sông, bến đá bên ô cửa sổ u buồn..., làm bật ra những câu thơ tài hoa: “em ngồi. bên cửa sổ/ điếu thuốc mươi năm trời/ em ngồi. bên - cửa - sổ/ tóc vàng màu mưa đổ/ tóc vàng màu - hoa - rơi/ ai đứng bên vách đá/ quán niệm về đời người/ gió mùa thu thổi lạnh/ vẫn thổi hoài… không thôi” (Vách đá). Lại có lúc, như sợ đi “lạc quê hương”, để có những câu thơ hay đến khắc khoải tâm can về cảm thức “đi lạc” này:
“ta - lạc - quê - hương/ như con nghé vàng lạc - mẹ/ nghe tù và bên trời đằng đẵng/ cũng tưởng cuối rừng tùng/ khói bếp lam chiều là bụi chiến tranh”.
Người ta thường nói yêu quê hương, tôi nhận ra Đào Quốc Minh thương quê mình chi chút. Nên nếu một ngày thật sự bị “lạc quê hương”, thì ngay cả một “ống sáo gầy guộc xanh xao”, cũng có thể hóa kiếp gươm - hùm”…
Để thắp lên một ngọn nến…
Đào Quốc Minh có nhiều câu thơ tài hoa, trong nhiều bài thơ hay, nhưng thật không dễ chọn, trích từ một tập thơ dày dặn mà chưa thực sự được tinh tuyển và sắp đặt theo một cấu trúc ý tưởng - quả là một thử thách với người đọc. Tuy nhiên, tôi có thể đọc thấy phía sau “dòng phục sinh” ăm ắp, có những bài thơ mang bóng dáng của những thiền ngôn đượm đầy chiêm ngẫm, suy niệm về nỗi đời thẳm sâu mà được viết nhẹ không như hơi thở: “bóng tàu là không/ và hoàng hôn là có/ tiếng cười là có/ và cuộc đời là không/ anh đi giữa em/ và rừng thu cúc trắng/ chân trời là mây/ và cuối ngàn là nắng/ dấu chân là khói/ và lối mòn là sương/ ngàn năm hoa bay/ ai nhớ chút yêu thương” (Có và không).
Giữa gần gụi và ảo mộng, trừu tượng và siêu thực, trong hồi cố và suy tưởng, đang hiển lộ một gương mặt của thi ca khởi diện từ trong hiện hữu, đôi lúc chạm vào bến bờ huyền ảo, nhưng luôn có một đời sống phía sau làm căn cốt dẫn dắt...
Cuộc dự phần của tôi mới chỉ đang diễn ra trên khúc tâm cảm “Phục sinh” cùng Đào Quốc Minh. Nhưng, như trong một cuộc ra đi là để trở về, tôi nhận ra dòng hồi cố mang theo hồn thơ Đào Quốc Minh khẽ khàng đậu xuống trên những bến bờ đỏ mọng “nỗi đau và tình yêu”, đang thầm thì trong tôi những bài thơ đẹp tựa “câu hát xanh pha lê”. Tự nhiên, tôi cũng muốn hát lên bằng chính bài thơ Minh viết. Hát rằng, “ta đã đi qua/ bao nhiêu ngọn nến/ để tới được/ mặt trời…/ ta đã đi qua/ bao nhiêu mặt trời/ để trở về là ngọn nến”. Ngọn nến “Phục sinh”…